Thị trường đỏ lửa, dân chơi chứng khoán: Cứ mở app ra là thấy tiền bay nhưng quan trọng là…

Vân Anh - Design: Huy Minh, Theo Đời sống & Pháp luật 23:59 09/04/2025
Chia sẻ

Thị trường đỏ lửa, dân chơi chứng khoán đang làm gì?

Ngày 9/4, thị trường chứng khoán Việt Nam đang ghi nhận diễn biến như “tàu lượn” khi chỉ số VN-Index từ mức rơi hơn 70 điểm vào mở cửa phiên sáng đã nhanh chóng “rút chân” nhờ dòng tiền bắt đáy và có thời điểm tăng ngược 20 điểmvào phiên chiều. Tuy nhiên, nhìn chung chỉ số chứng khoán vẫn rơi sâu xuống vùng giá đỏ. Chỉ số VN-Index hiện đã giảm hơn 40 điểm (-3,54%) xuống vùng 1.092 điểm. Tương tự, chỉ số HNX-Index cũng giảm 8,46 điểm (-4,2%) xuống dưới 193 điểm, chỉ số UPCoM-Index giảm 0,31 điểm (-0,37%) hiện dao động quanh vùng 84 điểm.

Với những người chơi chứng khoán lâu năm hay cả những F0 mới vào thị trường, cảm giác hoảng loạn khi thị trường chạm đáy không là điều dễ dàng vượt qua. Cùng lắng nghe tâm sự của các nhà đầu tư để hiểu rõ hơn về những ngày “đỏ lửa” này.

Tài khoản cháy đỏ, thua lỗ nặng nhưng không dám báo về gia đình

Minh Anh (28 tuổi, nhân viên ngân hàng) cho hay danh mục đầu tư của anh chủ yếu là các mã bluechip như VNM (Vinamilk), FPT (Công ty Cổ phần FPT) và một ít cổ phiếu ngân hàng như VCB (Vietcombank). Thời điểm thị trường tăng nóng cuối 2023, tài khoản của anh từng lãi gần 60%. Nhưng giờ đây, mọi thứ đã đảo chiều.

“Tháng trước, mình còn nghĩ thị trường nếu có điều chỉnh thì chỉ xuống nhẹ rồi bật lại. Nhưng giờ thì chỉ số VN-Index tụt dốc không phanh, tài khoản của mình đang lỗ 40% chỉ trong vài ngày. Mấy mã bluechip từng là niềm tự hào thì giờ lỗ nặng, có 1 con thì đang ôm giá quá cao, không dám cắt lỗ vì tiếc. Buồn lắm, mấy đêm liền mất ngủ, cứ mở app ra xem là lại thấy tiền bay”, Minh Anh thở dài.

Anh chia sẻ thêm, tâm lý hoảng loạn khiến anh không dám kể với gia đình, chỉ âm thầm chịu đựng. “Mình đã tính đến việc nghỉ chơi một thời gian, nhưng lại sợ bỏ lỡ cơ hội nếu thị trường hồi phục. Giờ cứ như đánh bạc với chính mình vậy.”

Một trường hợp khác, Hoàng Nam (35 tuổi, kinh doanh tự do) là một tay chơi chứng khoán có thâm niên 5 năm. Danh mục của anh tập trung vào các mã bất động sản như DIG (Tập đoàn DIC), NVL (Novaland) và một ít cổ phiếu penny để “lướt sóng”. Nhưng khi thị trường lao dốc, những mã anh nắm giữ đều rơi tự do.

“Những ngày này, áp lực không chỉ đến từ tiền mất mà còn từ việc công việc kinh doanh riêng bị ảnh hưởng vì thị trường. Nhìn tài khoản đỏ rực mà lòng như lửa đốt, chẳng còn tâm trí đâu mà lo chuyện khác”, Hoàng Nam nói.

Thị trường đỏ lửa, dân chơi chứng khoán: Cứ mở app ra là thấy tiền bay nhưng quan trọng là…- Ảnh 1.

Thị trường chứng khoán chìm trong sắc đỏ

Thảo Linh (24 tuổi, nhân viên Marketing) là một F0 điển hình, mới tham gia thị trường được hơn 1 năm. Danh mục của cô bao gồm một số mã hot và một ít cổ phiếu công nghệ nhỏ lẻ. Khi thị trường tăng điểm hồi giữa năm 2024, cô từng lãi nhẹ và rất hào hứng. Nhưng giờ đây mọi thứ đã đổi chiều.

“Mình chỉ đầu tư nhỏ thôi, khoảng 50 triệu, nhưng giờ lỗ mất 70%. Hai mã lớn giảm sâu, mấy mã công nghệ thì gần như về zero. Mình không ngờ thị trường lại khắc nghiệt thế này. Buồn lắm, cảm giác như bị lừa, mất cả niềm tin vào chứng khoán luôn”, Linh chia sẻ.

Chỉ đành cắt lỗ…

Minh Anh chia sẻ, sau những đêm trằn trọc suy nghĩ, anh quyết định cắt lỗ một phần danh mục đầu tư. Số cổ phiếu còn lại, anh giữ để chờ thị trường hồi phục. Anh cũng dự định giảm tải áp lực bằng cách tạm nghỉ giao dịch ngắn hạn, tập trung vào công việc chính để ổn định tinh thần.

Trong khi đó, Hoàng Nam thừa nhận sẽ thay đổi chiến lược, chuyển sang đầu tư dài hạn với các mã cơ bản tốt, ít biến động. “Đồng thời, mình sẽ rút bớt vốn ra để đầu tư vào kinh doanh, không dồn hết trứng vào một rổ nữa”, anh chia sẻ.

Còn với nhà đầu tư F0 như Thảo Linh, dù thua lỗ lớn nhưng cô vẫn không muốn từ bỏ chứng khoán. “Mình nhận ra chơi chứng khoán không dễ như mình nghĩ. Giờ mình sẽ học lại từ đầu, tìm hiểu kỹ hơn về phân tích cổ phiếu và quản lý rủi ro. Mình cũng chỉ đầu tư số tiền nhỏ, nhàn rỗi thôi, không dám mạo hiểm nữa”, cô nàng chia sẻ.

Thị trường đỏ lửa, dân chơi chứng khoán: Cứ mở app ra là thấy tiền bay nhưng quan trọng là…- Ảnh 2.

Nhiều nhà đầu tư chấp nhận cắt lỗ khi danh mục đầu tư ngập trong sắc đỏ vì giảm điểm (Ảnh minh hoạ)

Nhà đầu tư F0 nên làm gì khi thị trường ngập trong sắc đỏ?

Đầu tháng 4/2024, khi VN-Index cũng ngập trong sắc đỏ vì giảm 60 điểm, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với hai chuyên gia chứng khoán. Theo đó, với những nhà đầu tư (NĐT) có nhiều kiến thức và kinh nghiệm dự đoán biến động thị trường như hai chuyên gia - Chị Kim Liên và anh Gerard Do, việc giữ sự bình tĩnh và tỉnh táo khi thị trường đi xuống là hiển nhiên, không quá khó khăn. Nói cách khác, họ chính là những NĐT Fn với “cái đầu lạnh” - Một thái cực hoàn toàn khác với thế hệ F0 non nớt đang ngồi trên đống lửa suốt cả ngày hôm nay.

Thị trường đỏ lửa, dân chơi chứng khoán: Cứ mở app ra là thấy tiền bay nhưng quan trọng là…- Ảnh 3.

Hai chuyên gia chứng khoán

Câu hỏi đặt ra: F0 nên làm gì lúc này, hay nói rộng hơn là nên làm gì khi thị trường biến động mạnh và đột ngột theo hướng không mấy tích cực?

Với thắc mắc ấy của chúng tôi, anh Gerard Do và chị Kim Liên đã có những lời khuyên như sau.

1 - Phải bình tĩnh để tự mình đưa ra nhận định về thị trường

“Theo quan điểm cá nhân của tôi, những người đang có tiền nhàn rỗi và chưa bước chân vào thị trường, tôi nghĩ rằng lúc này họ nên giữ tiền.

Còn những người đã mua chứng khoán và đang bị “kẹt hàng”, tôi sẽ phân tích hoàn cảnh này theo 2 hướng sau.

Trường hợp 1: Họ mua chứng khoán bằng tiền nhàn rỗi, không phải tiền đi vay, tôi nghĩ không nên bán tháo.

Trường hợp 2: Họ mua chứng khoán bằng tiền đi vay, khả năng cao là họ đã bị margin call rồi, vì cũng không còn lựa chọn nào khác”.

Anh Gerard Do phân tích, đồng thời nhấn mạnh rằng những gì anh chia sẻ là nhận định cá nhân, vẫn có khả năng sai số.

“TTCK có thể sẽ có những đợt biến động lớn trong ngắn hạn, tùy biến động của tình hình thế giới. Có nhiều yếu tố chưa chắc chắn và không ai có thể khẳng định chắc chắn về một viễn cảnh nào đó sẽ xảy ra. Các NĐT nên tự nhìn nhận, đánh giá mức độ rủi ro của từng hoàn cảnh để đưa ra quyết định hợp lý” - Anh Gerard Do chia sẻ.

2 - Cần chuẩn bị cả tâm lý phòng thủ khi “ra trận”

Chị Kim Liên cho rằng việc giữ tư duy “chỉ tấn công” mà không “phòng thủ” là một trong những sai lầm khiến F0 khó vững tâm lý trong giai đoạn đầu, khi mới bước chân vào TTCK.

“Khi "ra trận", đừng chỉ nghĩ đến các phương án tấn công. Đây là thời điểm cần kế hoạch phòng thủ hơn bao giờ hết.

Điểm khác biệt của những NĐT chuyên nghiệp là tuân thủ được kỷ luật, từ đó giữ được hiệu quả đầu tư và tạo nên lợi thế lớn khi bước sang chu kỳ tiếp theo. Trong khi đó các NĐT nghiệp dư thường bị ảnh hưởng bởi cảm xúc chán nản, chỉ cần "buông bỏ" 1-2 phiên quan trọng như thế này, do không biết làm gì, dẫn đến hậu quả thiệt hại lớn về sau.

Còn cảm giác hoang mang, chao đảo chứng tỏ bạn chưa có kế hoạch đầu tư kĩ lưỡng. Lời khuyên của tôi là nên đứng ngoài thị trường quan sát 1 thời gian và học hỏi thêm, nếu vẫn đang cầm hàng thì nên canh bán. Bởi vấn đề không hẳn là thị trường tốt hay xấu, vấn đề là bạn chưa sẵn sàng ra trận” - Chị Kim Liên khẳng định.

3 - Không nên tách rời TTCK Việt Nam với tình hình thế giới

“TTCK Việt Nam không phải một hòn đảo giữa đại đương, mà là một trong nhiều nút thắt trong hệ thống tài chính toàn cầu. Bởi vậy, nếu tình hình thế giới có biến động, chắc chắn điều đó sẽ tác động tới TTCK Việt Nam.

Tác động này là ngắn hạn hay dài hạn còn phụ thuộc vào biến động của tình hình thế giới. Vì thế, các NĐT F0 không nên nhìn nhận TTCK Việt Nam như một thị trường độc lập, không chịu ảnh hưởng từ các sự kiện trên thế giới” - Anh Gerard đưa ra lời khuyên với các NĐT non trẻ.

 

 

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
  • 25
  • Tháng 4
  • 2025