Đã bao giờ các bạn tự hỏi, các thí sinh sau khi tham gia chương trình Đường Lên Đỉnh Olympia, nếu không giành vòng nguyệt quế cuối cùng thì cuộc sống và sự nghiệp của họ sẽ thế nào chưa?
Sau chương trình, mỗi nhà leo núi sẽ có một hướng đi riêng. Người sẽ chọn đi du học, người lại ưu tiên học tập trong nước rồi làm ăn lập nghiệp. Dù có quyết định như thế nào đi chăng nữa, thì họ vẫn luôn nỗ lực trong hành trình theo đuổi tri thức của mình.
Đối với “nhà leo núi” Nguyễn Đình Quý (sinh năm 1983, Hà Nội) - cựu thí sinh Đường Lên Đỉnh Olympia năm thứ 2, anh đã lựa chọn du học để chinh phục những “ngọn núi tri thức” tiếp theo. Olympia đã là động lực để anh tiếp tục hành trình tri thức sở hữu cho mình hàng dài thành tích học tập đáng nể cùng công việc “trong mơ”.
Anh Nguyễn Đình Quý
Được biết, sau khi tốt nghiệp trường THPT Kim Liên (Hà Nội), anh Quý đã đỗ đại học điểm cao và được tuyển chọn vào khoa Kỹ sư tài năng của Đại học Bách khoa Hà Nội. Chỉ sau 1 năm học tập tại đây, cựu thí sinh Olympia đã nhận được học bổng du học chuyên ngành Điện và Điện Tử tại trường Đại học Nanyang (Nanyang Technological University - NTU) tại Singapore. Đây là ngôi trường xếp hạng thứ 26 trên thế giới theo bảng xếp hạng QS năm 2024. Còn theo bảng xếp hạng Times Higher Education, NTU đứng thứ 32 trên thế giới và thứ nhất trong số các trường đại học trẻ năm 2024.
“Khi nhận được cơ hội tại Singapore, tôi đã suy nghĩ và quyết định du học để mở rộng hành trình đi tìm tri thức”, anh Quý nói.
Sau 4 năm học tập bậc cử nhân, anh Quý đã được “nhảy cóc” lên thẳng hệ Tiến sĩ (PhD) với học bổng toàn phần mà không cần qua bậc Thạc sĩ. Hoàn thành 3,5 năm nghiên cứu chuyên ngành Kỹ thuật số (Digital Signal Processing) tại NTU, anh Quý đã tốt nghiệp tiến sĩ xuất sắc với 12 bài báo khoa học trong các tạp chí và nhiều hội nghị đầu ngành của IEEE. Sau khi hoàn thành tiến sĩ, cựu thí sinh Olympia cũng từng có quãng thời gian học tập tại Đại học Stanford, Mỹ.
Học tập tại nước ngoài trong khoảng thời gian dài, anh Quý có cho mình rất nhiều kỷ niệm. Nhưng đáng nhớ nhất đối với anh đó chính là lần cùng Ban chủ nhiệm hội Sinh viên Việt Nam tổ chức kỳ thi ASIAN Sport and Recreation Games cho các sinh viên tại trường NTU. Kỳ thi đã thu hút nhiều đội tuyển sinh viên các nước (Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Singapore, Ấn Độ, Trung Quốc...) tham gia thi nhiều môn từ bóng đá, bóng bàn đến cờ vua, cờ tướng… Trong đó, đội tuyển cờ vua Việt Nam do anh Quý làm đội trưởng đã giành HCV.
Anh Quý rất coi trọng việc phát triển tri thức
Việc anh Quý lựa chọn đi du học từ sớm, theo nhiều người đó là điều… hiển nhiên. Vì theo motif chung của đa số cựu thí sinh Olympia, sau chương trình sẽ chọn ra nước ngoài. Thậm chí, nhiều người còn giữ quan điểm gay gắt hơn rằng việc nhân tài toàn chọn học tập rồi lập nghiệp ở nước ngoài như vậy là “chảy máu chất xám”. Trước vấn đề trên, anh Quý đã chia sẻ và phân tích dưới hai góc độ rõ rệt.
Đầu tiên, việc phát triển tri thức cần đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng trong nhiều môi trường khác nhau. Học tập và làm việc tại nhiều quốc gia sẽ giúp hoàn thiện nhận thức, phát triển tri thức cũng như xây dựng những giải pháp hiệu quả mang tính vĩ mô. “Chảy máu chất xám” là điều quan tâm của một quốc gia với mục tiêu phát triển nhân tài trong nước.
Thứ hai, việc đóng góp của cá nhân tại quốc gia hoặc từ nước ngoài sẽ hiệu quả tùy thuộc vào ngành nghề và môi trường làm việc. Các chuyên gia tại Việt Nam sẽ đóng góp trực tiếp và giải quyết hiệu quả những bài toán kinh tế - xã hội trong nước. Tuy nhiên, các chuyên gia Việt Nam tại nước ngoài sẽ đóng góp hiệu quả trong những lĩnh vực nghiên cứu và kết nối tri thức để hỗ trợ các nền tảng toàn cầu. Những chuyên gia đó sẽ như những đại sứ Việt Nam thành công trong nhiều lĩnh vực và cầu nối Việt Nam với nền khoa học công nghệ chung của thế giới.
Vậy nên, anh Quý suy nghĩ Việt Nam không nên quá lo lắng về “chảy máu chất xám” bởi người Việt ở trong hay ngoài nước đều cùng mong muốn đóng góp phát triển đất nước toàn diện và phát huy tầm ảnh hưởng của Việt Nam trên trường quốc tế.
Sau khi tốt nghiệp Tiến sĩ, anh Quý đã có cơ hội làm việc nghiên cứu chuyên ngành tự động hóa của tập đoàn dầu khí Schlumberger tại Singapore và Houston. Sau 9 năm, cựu thí sinh Olympia đã được mời làm việc tại nhóm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) của Mitsubishi Electric từ năm 2018. Trải qua nhiều nỗ lực, hiện anh là giám đốc R&D của tập đoàn điện tử Mitsubishi Electric tại Boston, Mỹ.
Khi làm việc tại đây, anh Quý vô cùng ấn tượng với phong cách làm việc tận tụy và chuyên nghiệp của các đồng nghiệp người Nhật. Ngoài ra, anh cũng là người hoàn thiện nền tảng đổi mới sáng tạo mở (open innovation) cho nhóm nghiên cứu và phát triển của công ty mình.
Nhớ lại, thời gian đầu dịch Covid-19 hoành hành, anh Quý lúc đấy đang điều hành chương trình open innovation. Nhờ tìm được tiếng nói chung và khá ăn ý trong khi làm việc online, nên anh Quý cùng đội nhóm của mình có thể vượt qua những rào cản của đại dịch Covid-19, cùng với đó là có thể “sống sót qua bão sa thải” một cách an toàn. Tuy nhiên, đối với số một số đầu việc đòi hỏi robot, máy móc thiết kế và thí nghiệm cần làm việc trực tiếp tại công ty thì cũng bị ảnh hưởng rất nhiều về tiến độ thời gian.
Dẫu vậy, nhìn nhận một cách khách quan, làm việc từ xa do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng giúp anh gắn kết hơn với gia đình: “Trước kia ít khi tôi có thời gian dạy các con học tập, nhưng nhờ có Covid-19 mà gia đình tôi gắn kết hơn. Tuy bận nhưng cũng làm được nhiều việc cùng lúc”.
Tính đến thời điểm hiện tại, anh và gia đình đã định cư và làm việc ở Mỹ được 10 năm tròn. Hai con của anh cũng thường xuyên tham gia và được nhiều giải thưởng trong các cuộc thi Toán và cờ vua quốc gia tại Mỹ.
Vào những lúc rảnh rỗi, anh cũng thường xuyên đọc báo và theo dõi các chủ đề liên quan đến chương trình Đường Lên Đỉnh Olympia. Đặc biệt, anh có xem trận Chung kết Olympia năm 2023 và cảm nhận các bạn thí sinh đã rất tự tin và bản lĩnh cùng tinh thần thi đấu fair play trong hành trình tìm kiếm và chinh phục tri thức.
Năm 2016, anh Nguyễn Đình Quý và 4 người bạn cùng sáng lập ra nhóm VietSearch và xây dựng website cùng tên - tập hợp cơ sở dữ liệu lớn và thống kê cộng đồng Việt Nam trên toàn thế giới quan tâm.
Được biết, VietSearch ra đời với mong muốn xây dựng một nền tảng cơ sở dữ liệu lớn về con người và các doanh nghiệp Việt tại nước ngoài. Qua đó, các bạn trẻ có thể tìm kiếm thông tin nhanh chóng và kết nối với cộng đồng Việt tại nước ngoài trong các hoạt động du học, du lịch, tìm việc… Các bạn trẻ cũng có thể đóng góp phát triển dữ liệu và các công nghệ IT để hoàn thiện thêm nền tảng với nhiều tính năng đáp ứng nhu cầu đào tạo và kết nối STEM trong và ngoài nước.
Tính năng chính của website này là tổng hợp thông tin tự động và tìm kiếm thông tin nhanh chóng về con người, dịch vụ, tin tức Việt toàn cầu. Hệ thống còn có ứng dụng bản đồ kết nối Google Map để thống kê chi tiết về người Việt, công ty Việt, dịch vụ Việt trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, xã hội, giáo dục, y tế, thiện nguyện tại nhiều quốc gia trên thế giới. Ngoài ra, VietSearch còn có các nghiên cứu và phát minh tìm kiếm dữ liệu Việt nhanh chóng từ cơ sở dữ liệu lớn, cũng như các tính năng trí tuệ nhân tạo để kết nối con người và các nhu cầu liên quan.
Với những đóng góp và phát triển công nghệ, VietSearch đã được trao giải khuyến khích trong lĩnh vực Công nghệ thông tin tại cuộc thi “Nhân tài Đất Việt” năm 2019 cũng như được tài trợ dự án nghiên cứu của quỹ VINIF năm 2020 và vinh danh công trình nghiên cứu giải thưởng “Sách vàng sáng tao Việt Nam” của Bộ Khoa Học và Công Nghệ năm 2021.
Anh Quý luôn hướng về Việt Nam
Dù sống ở nước ngoài nhưng anh Quý luôn hướng về quê hướng và có nhiều hoạt động ý nghĩa tại Việt Nam. Anh là đồng sáng lập tổ chức hoạt động xã hội Người Việt Trẻ - một tổ chức xã hội độc lập và phi lợi nhuận, xây dựng trên cơ sở phát triển từ diễn đàn Olympia. Ngoài ra, anh và vợ con cũng thường xuyên về Việt Nam để thăm người thân, kết hợp công tác cùng VietSearch và tổ chức chuyên gia toàn cầu (AVSE Global) trong các hoạt động công nghệ và tư vấn chiến lược cho các tập đoàn và chính phủ Việt Nam.
Anh Quý quan niệm, Việt Nam đang rất cần những đóng góp tri thức, công nghệ và các mảng tư vấn chiến lược, đặc biệt trong quá trình toàn cầu hóa hiện tại. Anh nghĩ khi đang làm việc tại nước ngoài, mình có thể đóng góp cho đất nước tốt nhất qua vai trò kết nối, thông qua các hoạt động cộng đồng và hợp tác nghiên cứu cùng các chuyên gia người Việt ở trong và ngoài nước.
Cựu thí sinh Olympia vẫn đang tiếp tục hành trình tìm kiếm tri thức và kết nối các dự án để đóng góp cho Việt Nam. Dự định ngắn hạn của anh là sẽ kết hợp các dự án nghiên cứu và tư vấn chiến lược tại Việt Nam. Dự định lâu dài sẽ xây dựng công ty công nghệ tại Việt Nam để phát triển và đóng góp cho đất nước. “Hành trình tìm kiếm tri thức và kết nối Việt Nam với bạn bè quốc tế” là tâm nguyện nguyện của anh Quý để đóng góp và gắn kết với quê hương.
Ảnh: NVCC