Cách đây vài ngày, cư dân mạng đang lan truyền một đoạn video do trang Buzzfeed đăng tải, nội dung về một thí nghiệm khá ấn tượng. Đó là thử xem chuyện gì sẽ xảy ra với bánh hamburger của các thương hiệu fastfood nổi tiếng nhất hiện nay sau khi để trong lọ kín trong vòng 30 ngày.
Nhưng thí nghiệm này thì có đặc biệt? Câu chuyện nằm ở kết quả của nó. Sau 30 ngày đã có một "quái vật" xuất hiện, đó là chiếc hamburger của McDonald's. Thí nghiệm thực hiện trên 7 thương hiệu và tất cả đều xuất hiện nấm mốc, trong khi của McDonald's thì... vẫn như mới.
Chi tiết thí nghiệm, hãy xem qua trong video dưới đây.
Thí nghiệm bánh burger qua 30 ngày: quái vật sống sót qua 30 ngày không mốc?
1 chiếc bánh 30 ngày không hỏng - thông tin này nhanh chóng nhận được sự quan tâm của cộng đồng mạng. Thậm chí có người còn tìm ra thông tin có người từng mua một chiếc bánh hamburger của McDonald's từ năm 1996 rồi cất nó đi, nhưng sau 12 năm chiếc bánh trông vẫn như mới, chỉ có mùi hơi lạ mà thôi.
Về mặt nguyên tắc, không một sản phẩm hữu cơ nào có thể chống lại tác động của thời gian, vậy mà chiếc bánh của McDonald's cứ như "bất tử". Nhưng làm sao có chuyện như vậy được? Là chất bảo quản, hay McDonald's có một bí kíp gì đó đằng sau chuyện này?
Trong video, Buzzfeed không đưa ra lời giải thích nào. Tuy nhiên, mọi thứ đều có thể lý giải bằng khoa học.
Sự thực đằng sau chiếc bánh 30 ngày vẫn như mới!
Sau khi nghe tin, J. Kenji López-Alt - bếp trưởng và là quản trị viên của một blog chuyên về ẩm thực có tên Serious Eats đã quyết định thực hiện thí nghiệm để tìm hiểu lý do đứng sau chiếc hamburger "bất tử" này. Ông đặt ra 5 giả thuyết hợp lý nhất có khả năng ngăn mốc mọc lên, cụ thể như sau:
1. Bánh hoặc thịt có chứa loại chất bảo quản đặc biệt.
2. Có nhiều muối trong bánh
3. Độ ẩm rất thấp
4. Không có bất kỳ bào tử nấm nào lọt vào bánh
5. Bánh không tiếp xúc với không khí trong quá trình chuẩn bị
Kenji sử dụng phương án loại trừ, với 2 giả thuyết cuối nhanh chóng bị loại bỏ bởi bánh phải được nướng trong môi trường có không khí, và bào tử nấm có thể xuất hiện ở bất kỳ đâu dù có bị tiêu diệt trong quá trình nướng.
Giả thuyết 1 cũng có thể bỏ qua, vì thành phần làm vỏ bánh và thịt của McDonald's cũng không khác gì so với bình thường.
Còn 2 giả thuyết cuối. Để chứng thực, Kenji quyết định làm một thí nghiệm với đối tượng là bánh của McDonald's và bánh do chính tay ông tự làm. Tổng cộng có 9 loại bánh được tạo ra, trong đó một số được ông bỏ thêm khá nhiều muối. Kenji không chạm tay trần vào bánh trong suốt quá trình làm, sau đó tất cả được để ở nơi thoáng đãng.
Sau 3 tuần, những chiếc bánh của McDonald's đều không bị hỏng, nhưng cả bánh do ông làm cũng vậy. Trong đó, bánh thêm muối và bánh bình thường đều không có sự khác biệt, nên ở đây có thể loại được giả thuyết thứ 2.
Đáp án cuối cùng: Độ ẩm
Đó chính là mấu chốt của câu chuyện. Những chiếc bánh trong thí nghiệm của Kenji đã mất 1/4 trọng lượng sau 1 tuần - dấu hiệu cho thấy nước bên trong đã bay hơi. Khi không có hơi ẩm, nấm mốc không thể phát triển.
Kenji cho biết bánh của McDonald's sử dụng vỏ mỏng với diện tích bề mặt lớn, nên chúng sẽ khô rất nhanh và rất khó để hỏng. Đây cũng chính là nguyên tắc đứng sau món "thịt bò khô" mà chúng ta vẫn thường ăn. Nếu chiếc bánh được bỏ trong túi nhựa kín thì chỉ sau 1 tuần, mốc sẽ phủ kín bề mặt bánh (vì hơi ẩm không thoát đi được).
Theo Kenji thì nhiều khả năng các loại bánh trong video của Buzzfeed có độ dày khác nhau, chưa kể đến sự khác biệt về nguyên liệu bên trong (phomai, sốt, thịt...) cũng làm tăng độ ẩm, nên mới có chuyện độ mốc của từng chiếc bánh không tương đồng. Ngoài ra, cũng không thể biết được liệu những chiếc bánh có được đóng vào lọ ngay sau khi xuất xưởng, hay đã được để thoát hơi nước bên ngoài từ trước.
Nói cách khác, thí nghiệm của Buzzfeed không nói lên được gì về chất lượng của từng thương hiệu. Và điều quan trọng nhất nên nhớ là: đừng ăn nhiều fastfood và thực phẩm chế biến sẵn, vì chúng không tốt đâu.