Thẻ nhớ 1TB chỉ 100.000 đồng trên Shopee
Trên Shopee, không khó để người dùng tìm được những chiếc thẻ nhớ dung lượng khủng với giá rẻ giật mình. Chỉ bằng một cú pháp tìm kiếm đơn giản, chúng tôi có thể tìm được những chiếc thẻ nhớ 1TB đến từ nhiều hãng sản xuất danh tiếng như Samsung, SanDisk, Kingston, HP, Huawei với mức giá chỉ… 100.000 đồng.
Thẻ nhớ 1TB từ nhiều nhà sản xuất danh tiếng có giá chỉ 100.000 đồng trên Shopee.
Hiện nay, giá thị trường của một chiếc thẻ nhớ 1TB lên đến 5 triệu đồng. Vậy với mức giá rẻ 50 lần, liệu những chiếc thẻ nhớ trên Shopee có phải "món hời của thế kỷ" không?
Hàng nhái kém chất lượng, dung lượng thực chỉ vài chục GB
Câu trả lời ngắn gọn là không. Những chiếc thẻ nhớ 256GB, 512GB hay 1TB này đều là hàng nhái, có dung lượng thực tế thấp hơn rất nhiều và được giả dung lượng nhằm đánh lừa người mua.
Anh Vũ (sống tại Hà Nội) trong một lần tình cờ lướt Shopee đã bất ngờ tìm được một chiếc thẻ nhớ Samsung 256GB với giá 99.000 đồng. Do chiếc thẻ nhớ này được liệt kê trong chuyên mục Flash Sale của Shopee và chỉ những sản phẩm đã được Shopee phê duyệt mới xuất hiện ở trong mục này, vậy nên anh Vũ vẫn quyết định mua bất chấp rủi ro.
Một chiếc thẻ nhớ Samsung 256GB được Shopee Flash sale, thu hút được hàng chục lượt mua chỉ trong vòng chưa đầy 2 tiếng.
Sau vài ngày chờ đợi, anh Vũ nhận được chiếc thẻ nhớ của mình. Cả máy tính và điện thoại đều nhận diện chiếc thẻ nhớ này có dung lượng 250GB.
Bao bì của chiếc thẻ nhớ Samsung 256GB
Máy tính nhận diện chiếc thẻ nhớ này có dung lượng 250GB.
Thế nhưng, chiếc thẻ nhớ này chỉ tiếp nhận được khoảng 25-30GB dữ liệu. Tất cả dữ liệu sau khi copy vượt quá ngưỡng này sẽ đều bị hỏng (corrupt) và không thể sử dụng được. Đây là triệu chứng thường thấy của những chiếc thẻ nhớ giả khi dữ liệu bị ghi tràn khỏi dung lượng thực tế.
Dữ liệu (cụ thể lả file RAR) bị hỏng sau khi copy vào thẻ nhớ (ảnh: NEXTGEN).
Ngoài ra, chiếc thẻ nhớ này còn tồn tại một số dấu hiệu cho thấy đây là sản phẩm nhái. Ngay từ bao bì, người dùng có thể tìm thấy một vài lỗi chính tả, trong trường hợp của chiếc thẻ nhớ này là "Faster" được viết nhầm thành "Fastar". Sai chính tả là điều thường gặp trên các sản phẩm nhái từ Trung Quốc.
Lỗi sai chính tả trên bao bì thẻ nhớ.
Ngoài ra, chất liệu bề mặt của chiếc thẻ nhớ này cũng như chiếc áo thẻ nhớ được tặng kèm cũng là một chi tiết đáng lưu tâm. Các chi tiết được in không sắc nét, khi người dùng soi dưới ánh sáng còn có thể thấy được những vết hằn loang lổ trên bề mặt.
Lớp sơn sần sùi được phủ lên bề mặt thẻ nhớ.
Chiếc áo thẻ nhớ tặng kèm cũng được sơn nham nhở với mức độ đậm nhạt khác nhau.
Hàng giả vẫn được đánh giá cao trên Shopee
Mặc cho việc là hàng giả, hàng nhái, thế nhưng những chiếc thẻ nhớ này vẫn nhận được đánh giá cao trên Shopee. Ở thời điểm bài viết, chiếc thẻ nhớ Samsung 256GB ở trên nhận được đánh giá tới 4.4/5*, trong đó có rất nhiều đánh giá 5* khen ngợi.
Là hàng nhái, thế nhưng những chiếc thẻ nhớ này vẫn được đánh giá rất cao trên Shopee.
Hiện chưa thể xác minh được rằng đây là những đánh giá thật từ người đã mua sản phẩm, hay là những đánh giá giả, được chủ shop thao túng để "dụ" người khác mua hàng. Dù vậy, một giả thiết được đặt ra là người dùng sau khi nhận hàng chỉ kiểm tra dung lượng, khi thấy đủ 256GB/512GB/1TB... liền lập tức đánh giá 5*, trong khi chưa có quá trình sử dụng lâu dài để biết được rằng đây thực chất chỉ là dung lượng ảo.
Mua thẻ nhớ, làm sao để không dính hàng giả?
Shopee, cũng như nhiều trang thương mại điện tử khác, có sự tham gia của nhiều người bán khác nhau. Và ở bất kỳ khu chợ cũng vậy, bên cạnh những người bán hàng chân chính, sẽ có những kẻ lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dùng để tiêu thụ những sản phẩm hàng giả, hàng nhái kém chất lượng. Thứ mà người mua cần là tự trang bị cho mình vốn kiến thức về sản phẩm để từ đó có thể đưa ra quyết định đúng đắn.
Trong trường hợp của những chiếc thẻ nhớ nhái trên Shopee, có một điểm chung mà chúng tôi đã ghi nhận được là tất cả những sản phẩm này đều xuất phát từ người bán đến từ Trung Quốc. Người dùng có thể phân biệt một người bán đến từ trong hay ngoài nước nhờ vào dòng chữ nhỏ dưới tên người bán, cũng như vị trí kho hàng của người bán đó.
Những chiếc thẻ nhớ này đều có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Rõ ràng, không thể quy chụp tất cả người bán thẻ nhớ ở nước ngoài đều bán hàng giả. Thế nhưng, khi xét đến việc thẻ nhớ là một mặt hàng có giá trị bảo hành tương đối dài (thường là 3 năm), việc người dùng mua của các đơn vị nước ngoài để rồi đánh mất đi quyền lợi hậu mãi lớn như vậy là hoàn toàn không xứng đáng. Vì vậy, người dùng nên lựa chọn những cửa hàng trong nước.
Quan trọng hơn, người dùng cần hiểu rõ về giá trị thật của một sản phẩm. Một chiếc thẻ nhớ 256GB/512GB/1TB có giá trên thị trường lên đến vài triệu đồng, và cho dù có được "sale" mạnh đến mức nào đi chăng nữa cũng không thể có giá 100.000 đồng.
Cho dù có sale mạnh đến đâu, một chiếc thẻ nhớ 256GB, 512GB hay 1TB hàng thật sẽ không bao giờ có giá 100.000 đồng.
Nếu như người dùng cần thẩm định một chiếc thẻ nhớ là hàng thật hay nhái, hiện nay có một số công cụ như H2testw hay FakeFlashTest cho phép họ làm điều này. Hoặc, người dùng có thể tự mình kiểm tra bằng cách copy một lượng dữ liệu lớn, vượt ngưỡng của những thẻ nhớ hiện nay (9GB/17GB/33GB…). Nếu đến một ngưỡng nào đó mà dữ liệu đột nhiên bị lỗi, thì khả năng rất cao là chiếc thẻ nhớ đó là hàng nhái.
FakeFlashTest là một công cụ giúp người dùng kiểm tra thẻ nhớ của mình có phải là hàng nhái hay không.
Đương nhiên, người dùng có thể tránh khỏi tất cả những rắc rối trên bằng cách lựa chọn những địa chỉ bán hàng uy tín.