Mỗi ngày, người dân ở thành phố Malatya, Thổ Nhĩ Kỳ đều được chứng kiến hình ảnh một người đàn ông "cưỡi" trên một cây gậy có gắn biểu tượng Mercedes ở đằng trước, tham gia giao thông. Mặc dù đó là 1 hình ảnh lạ lùng nhưng không một cảnh sát, người dân nào ngăn cản hay cười nhạo anh.
Người đàn ông "cưỡi gậy" trên đường, cảnh tượng quen thuộc của người dân thành phố Malatya.
Người đàn ông trong bức ảnh trên là Mersedes Kadir, bị tâm thần. Kadir luôn nghĩ cây gậy của mình là một chiếc ô tô thực thụ, và ông trang trí cho chiếc "xế hộp" không thiếu thứ gì, từ gương chiếu hậu, cho đến động cơ. Kadir tham gia giao thông như một người bình thường, gặp đèn đỏ thì dừng, đèn xanh đi, nhường đường cho các phương tiện khác. Điều lạ là, chẳng ai phàn nàn hay bức xúc gì với việc một người không bình thường "làm loạn" trên đường phố như vậy.
Kadir tham gia giao thông như bình thường.
Tuy nhiên, mọi sự đều có cái lý do của nó. Người dân không phải không quan tâm đến Kadir, ngược lại còn coi ông như một đối tượng ưu tiên cần quan tâm đặc biệt. Tất cả sự thờ ơ của họ là một cách để người đàn ông này được sống như một người bình thường, được đối xử bình đẳng.
Thậm chí, có một ngày "chiếc xe" của Kadir... bị hỏng và cần được "sửa chữa", các nhân viên xưởng xe cũng sẵn sàng tiếp nhận, "báo bệnh" và thời gian sửa chữa. Đặc biệt, người đàn ông này còn được cảnh sát Cục đăng kiểm Malatya cấp giấy phép và một biển số 44MK4444. Đôi lúc, Kadir còn bị cảnh sát "hỏi thăm" vì... đi quá tốc độ và đỗ xe không đúng nơi quy định!
"Xế hộp" có hẳn hệ thống làm mát cực bảnh.
Đôi lúc Kadir cũng bị cảnh sát "hỏi thăm".
Từ câu chuyện trên, nhiều người nhận ra rằng không thể chỉ nhìn vào một phía của sự việc để phán xét cả một tập thể, bởi người ngoài nhìn vào có thể nghĩ rằng đây là một câu chuyện điên rồ hay những người ác ý sẽ nói người dân Malatya hùa nhau lấy một kẻ không bình thường làm trò cười. Tuy nhiên, sâu xa phía sau hình ảnh người đàn ông cưỡi gậy tham gia giao thông ấy, chúng ta có thể thấy rằng những con người này có cách đối xử rất riêng và nhân văn. Thay vì cô lập, tống ông Kadir vào trại tâm thần, họ đã chọn cách để ông được hòa nhập với cộng đồng.