Chân tay thâm tím, đầu cũng sưng vù vì cuộc chiến tàn khốc vừa diễn ra trong cửa hàng, Kana Shimizu, 27 tuổi, làm nghề tạo mẫu tóc, tay vẫn cắp chặt hai túi chocolate Bỉ trị giá 10 nghìn yen (khoảng gần 2 triệu VNĐ) mà cô vừa liều mạng để có được ở một cửa hàng quà tặng tại quận Ginza, Tokyo. Kana cũng như nhiều cô gái khác ở đây, đang giành giật nhau từng miếng chocolate để làm quà tặng cho người mình yêu.
"Một túi là cho bạn trai tôi, một túi là của tôi, hắn đừng hòng tận hưởng niềm vui một mình", Kana hồ hởi chia sẻ.
Theo truyền thống của người Nhật, trong ngày Valentine phụ nữ sẽ là người chủ động tặng quà cho người mà các cô yêu thương, trong khi nam giới chỉ cần rung đùi thụ hưởng lễ vật. Sau đó đúng 1 tháng sau, ngày 14/03 hay còn gọi là Valentine trắng, các quý anh sẽ phải đi mua đồ "đáp lễ" cho cô gái đã từng tặng quà mình, từ kẹo chocolate cho tới đồ lót các kiểu.
Nhân viên đang mời khách hàng ăn thử chocolate.
Lễ Valentine năm nay cũng như thường lệ, lại là trận chiến sinh tử của các cô gái nhằm tìm cho người yêu những món quà ưng ý. Bởi món quà các cô tìm kiếm là "honmei-chocolate", tức chocolate dành cho người mà các cô yêu thương, thế nên ý nghĩa phải thật đặc biệt, không phải các loại chocolate đại trà chỉ dùng để tặng cho đồng nghiệp nam, hay bạn học, gọi là "giri-chocolate" -quà lịch sự.
"Mấy anh đồng nghiệp thì tặng loại rẻ rẻ thôi. Thật đấy, năm nào cũng khổ ơi là khổ", Kana cười phá lên.
"Tôi vào đây với vợ. Tôi thích mấy loại chocolate Bỉ cơ nhưng không biết bà xã có nghĩ tôi xứng đáng với loại đắt tiền ấy không nữa", Riki Taniguchi, một kỹ sư 42 tuổi tủm tỉm cười.
Ngày Valentine lần đầu tiên xuất hiện ở Nhật Bản vào cuối thập niên 50 của thế kỷ trước, sau khi nền kinh tế xứ sở hoa anh đào chập chững phục hồi kể từ đống đổ nát Thế chiến II. Sản phẩm của các nước phương Tây được yêu thích vô cùng tại đây do văn hóa tận hưởng cuộc sống xa hoa bắt đầu du nhập vào Nhật Bản.
Vào thời điểm ấy, hãng Mary Chocolate quảng cáo ngày 14/02 như "ngày duy nhất để phái nữ bày tỏ tình cảm thông qua những viên chocolate", đặt dấu mốc đầu tiên trong việc định nghĩa sự lãng mạn trong văn hóa Nhật Bản, đồng thời cũng làm giảm sút sức mua các món quà khác như hoa, nữ trang và đồ lót. Nói về sự xuất hiện của chocolate tại đây cũng khá thú vị. Đó là vào cuối thế kỷ 18, khi các thương nhân Hà Lan, quốc gia duy nhất được trao đổi thực phẩm ở Nhật đã sử dụng chocolate để thanh toán cho gái mại dâm.
Công nghiệp chocolate bùng nổ ở Nhật với sự ra đời của hàng loạt dịch vụ ăn theo với ngày lễ tình nhân. Từ mỳ ramen rắc chocolate vụn, khoai tây chiên chấm chocolate cho tới tắm bồn phủ đầy thức kẹo ngọt ngào màu nâu này. Một nửa trong số 11 tỷ USD doanh thu từ chocolate tại Nhật, lớn nhất trong số các nước Châu Á đến từ các hoạt động trong ngày lễ Valentine.
Phụ nữ Nhật đổ xô đi tìm quà cho bạn trai.
Tại Tokyo, sản phẩm chocolate được tung ra bởi ban nhạc rock Rolling Stones có hình biểu tượng của danh ca Mick Jagger nhằm kỷ niệm 25 năm tour diễn đầu tiên ở Nhật của ban nhạc đã nhanh chóng được bán hết. Một trung tâm thương mại ở Osaka cũng tung ra chiếc bánh chocolate được phủ 125 viên kim cương, định giá 125.000 USD cũng khiến bao nhiêu người phải thèm thuồng ngắm nghía.
"Tôi tranh thủ bữa trưa phi ngay ra cửa hàng để mua ít chocolate nhưng họ hết sạch hàng. Chẳng vui chút nào", Mariko Imai, một phụ nữ 45 tuổi cho biết. Rõ ràng, ở Nhật, không phải cứ muốn là có thể mua được thứ mình thích, kể cả có là ngày Valentine đi nữa.