Nguyên nhân gây nên cuộc khủng hoảng tị nạn Châu Âu

Lương Hồng Phúc, Theo Trí Thức Trẻ 07:00 20/09/2015

Cuộc khủng hoảng tị nạn tại Châu Âu vẫn vẫn đang ở điểm sôi và chưa có dấu hiệu kết thúc. Đây là những gì bạn nên biết về nguyên nhân gây ra làn sóng di dân khổng lồ đã gây sóng gió trên truyền thông thế giới thời gian qua.

Trong lúc vấn đề cuộc khủng hoảng di dân ở các nước Châu Âu vẫn chưa có hồi kết, thậm chí còn đang có nguy cơ xấu đi sau khi người tị nạn hò nhau phá hàng rào phân cách biên giới Hungary-Serbia, hành hung cảnh sát chống lại quyết định đóng của biên giới của Hungary. Vậy nguyên nhân sâu xa của vụ khủng hoảng này là gì, tại sao lại có hàng triệu người rời bỏ quê hương bất chấp nguy hiểm tính mạng đi tìm miền đất hứa?

Đoạn phim hoạt hình giải thích về khủng hoảng tị nạn Châu Âu hiện nay.

Quay trở về với Syria, quê hương của hơn 4 triệu người đang tha hương cầu thực, sống vất vưởng ở các khu vực biên giới Châu Âu hiện nay. Đất nước này nằm ở Trung Đông, một vùng đất giàu có, màu mỡ có tuổi đời đã 10.000 năm. Từ những năm 1960, đất nước này được điều hành bởi gia đình nhà Al-Assad, một dòng họ lâu đời nhiều quyền hành ở Trung Đông. Gia đình này xây dựng bộ máy chính quyền Syria theo thể chế cha truyền con nối và có xu hướng độc tài. Tới đời tổng thống mới nhất là Bashar Al-Assad, dân chúng Syria và các phe phái khác luôn phản đối, chỉ trích ông này vì những quyết định coi thường nhân quyền, sai lầm trong phát triển kinh tế đất nước và đặc biệt là tham nhũng. Bashar bị tố cáo có hành vi bỏ tù, tra tấn và ám sát các đối thủ chính trị, cấm đoán mạng xã hội và không cho người dân quyền tự do ngôn luận.

86235084-66d23
Đương kim tổng thống Syria Bashar Al-Assad.

Năm 2011, sự kiện "Arab Spring" đã khơi dậy làn sóng cách mạng ở các nước Châu Phi, Trung Đông nhằm lật đổ các nhà cầm quyền. Rất nhiều bộ máy lãnh đạo bị phá hủy, nhiều tổng thống, người đứng đầu quốc gia phải từ chức hoặc bị phế truất, tuy nhiên Bashar Al-Assad nhất quyết không chịu thoái vị. Thậm chí vị tổng thống Syria còn phát động cuộc nội chiến chống lại quân cách mạng. Chiến sự xảy ra ở khắp nơi, mọi mặt trận, mọi phe phái. Nhân lúc hỗn loạn, nhà nước Hồi giáo tự xưng ISIS đã quyết định nhảy vào cuộc chiến với mong muốn xây dựng một Đế chế Hồi Giáo lớn mạnh ngay tại Syria.

Chiến sự căng thẳng giữa các bên với hàng loạt vũ khí hóa học được sử dụng, tra tấn tù nhân, hành quyết tập thể và tấn công dân thường đã làm người dân Syria hoảng sợ. Hơn 4 triệu người đã tìm cách thoát khỏi đất nước loạn lạc đến trú ẩn ở các trại tị nạn các nước láng giềng như Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Lebanon, Jordan và Ai Cập, các quốc gia thuộc khối Vùng vịnh giàu mạnh không hề tiếp nhận dù chỉ 1 người tị nạn.


2015-04-16-1429227908-6899519-JordanianRefugeeCamp-66d23
Jordan hiện đang cưu mang hơn 600.000 người tị nạn từ Syria.

Tuy nhiên do số lượng dân tị nạn quá đông, các trại tập trung trở nên quá tải, Chương trình lương thực thế giới cũng không kịp đối phó với số lượng người quá đông như vậy. Hậu quả là, tị dân phải sống trong cảnh khổ sở không được hỗ trợ đủ, bị cảm cúm, mắc bệnh dịch, đói khát. Mất dần hi vọng vào trợ cấp phúc lợi, những người này bắt đầu tự mình đi xin tị nạn tại các nước Châu Âu giàu mạnh hơn. Họ chọn cách băng qua Địa Trung Hải bằng những phương thức mạo hiểm nhất, ví dụ như sử dụng xuồng cao su thông qua dịch vụ của những kẻ buôn người.

Khi đến Châu Âu rồi, dân tị nạn lại vấp phải nhiều trở ngại mới. Hiệp ước Dublin buộc người tị nạn phải ở lại nơi mà họ tới đầu tiên, vì vậy các nước vùng biên giới sẽ phải chịu rất nhiều áp lực từ số lượng tị dân quá đông. Một trong những nước đó là Hi Lạp, vốn đang trong tình trạng suy thoái kinh tế sẽ không thể ngay lập tức tiếp nhận, cưu mang con số người tị nạn khổng lồ như vậy. Hậu quả là, hòn đảo Lesbos, địa điểm du lịch ưa thích của du khách trở nên xấu xí với hình ảnh tị dân vạ vật, ốm đói chờ ngày được tiến vào lãnh thổ Châu Âu. Trong lúc này, đáng ra Liên minh Châu Âu phải đoàn kết cùng san sẻ gánh nặng từ cuộc khủng hoảng di dân lại trở mặt với nhau. Hàng loạt các quốc gia từ chối không nhận người tị nạn, khiến các nước vùng biên giới phải tự mình vật lộn xoay sở với con số quá đông.

6-0b9ca
Các quốc gia vùng biên giới đang phải tự vật lộn với số lượng dân tị nạn quá đông.

Mọi chuyện bắt đầu đổi khác khi hình ảnh em bé Syria chết trên bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ đã làm cả thế giới phải quay lại với những gì đang diễn ra mỗi ngày ở các nước vùng biên giới. Vài nước Châu Âu đã mở cửa đón nhận dân tị nạn, trong đó nhiệt tình nhất có lẽ là Đức. Số lượng tị dân đổ vào nước này ngày một nhiều, hàng trăm nghìn người chỉ chờ ngày mở cửa biên giới để tiến vào, gây ra sự hỗn loạn khó kiểm soát. Chính vì thế, Hungary lại một lần nữa tạm đóng cửa biên giới để điều chỉnh lại làn sóng nhập cư quá ồ ạt này, từ đó cuộc bạo loạn giữa những kẻ đi kiếm tìm vùng đất mới và chính quyền nổ ra.

Những con số đáng báo động về làn sóng tị nạn và di cư vào Châu Âu kể từ đầu năm 2015 đến nay:

Untitled-1-17e43