Đã bao giờ bạn tự hỏi mình, tại sao mình lại sử dụng Google mỗi khi tìm kiếm không?
Câu hỏi ngớ ngẩn nhỉ, dĩ nhiên là vì nó miễn phí! Ơ không, ý là còn lý do nào khiến bạn chỉ chọn Google mà không phải bất cứ công cụ tìm kiếm nào khác trên thế giới hay không. Phải chăng Google có sức hút đặc biệt nào khác ngoài việc nổi tiếng hơn các đồng nghiệp Yahoo hay Bing?
Cũng vì thắc mắc này, diễn giả Andreas Ekstrom, một tác gia cũng như nhà báo khá có tên tuổi người Thụy Điển đã đưa vấn đề này lên sân khấu của diễn đàn TED danh giá.
Diễn giả Andreas Ekstrom.
Một trong những câu hỏi mà diễn giả này thường xuyên đặt ra mỗi khi đến thăm các ngôi trường là "Tại sao các bạn lại dùng Google?"
"Bởi vì nó tốt!", ừ thì dĩ nhiên là nó tốt. Chứ không thì các vị cần gì đến nó mỗi khi làm luận văn hay bài tập lớn cơ chứ, nói thừa.
"Bởi vì tôi chả biết công cụ tìm kiếm nào nữa hết". Một trong các yếu tố quyết định sinh viên giỏi chính là biết Google mọi thứ, chả nhẽ viết mỗi cái dòng "công cụ tìm kiếm" lên Google nó khó khăn hay tốn calo vậy sao.
"Bởi vì Google cho tôi các kết quả tìm kiếm khách quan nhất"
Khách quan là thế nào? Đánh giá khách quan nghĩa là đánh giá không phụ thuộc vào ý niệm của con người. Tức là đánh giá sự việc một cách lạnh lùng không có sự can thiệp của tình cảm cá nhân. Phải rồi, Google là một cỗ máy tìm kiếm, mà máy móc thì làm gì có tình cảm. Thế nên các kết quả đưa ra chắc chắn là phải khách quan.
Nhưng điều đó không thực sự đúng. Google chẳng khách quan lắm đâu.
Nói tôi nghe vì sao bạn dùng Google?
Hãy nghe Andreas Ekstrom kể cho bạn nghe câu chuyện về hai con người, bạn sẽ phải công nhận cái thực tế ấy.
Nhân vật đầu tiên mà chúng ta nhắc đến là Đệ nhất phu nhân nước Mỹ Michelle Obama, vợ của vị Tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ Barack Obama. Con đường tiến lên vị trí Tổng thống của Barack Obama vốn không hề bằng phẳng khi mà định kiến về chủng tộc, màu da vẫn còn hiện hữu rõ rệt trong xã hội đất nước đáng lẽ ra phải là quê hương của tất cả những người đến từ những thế giới khác nhau.
Trong chiến dịch tranh cử của Obama, không hề thiếu những kẻ sẵn sàng moi móc đời tư và gốc gác màu da của ông nhằm hạ ứng vử viên Đảng Dân chủ này. Và đến khi ông chính thức trở thành Tổng thống Mỹ vào năm 2009, mọi chiêu trò công kích vẫn không hề ngừng lại. Nhưng họ chẳng nhắm vào ông nữa, họ chuyển sang một đối tượng yếu đuối và dễ bị tổn thương hơn. Đó là vợ ông, Michelle Obama.
Google tìm kiếm kết quả ảnh dựa theo 2 yếu tố chính: caption của tấm ảnh có chứa thông tin trùng với từ khóa được tìm kiếm hay không, hoặc tên file ảnh có chứa từ khóa tìm kiếm.
Nắm được cơ chế này của Google, những kẻ hèn hạ đã hò nhau cùng đăng ảnh chế mặt tân phu nhân tổng thống giống như một con khỉ lên mạng, ở ngay bên dưới họ chú thích là Michelle Obama, tên file cũng đặt là Michelle Obama. Thế là suốt một thời gian trong năm 2009 người ta tìm kiếm hình ảnh của Michelle Obama đều ra kết quả là hình ảnh của những gương mặt méo mó như khỉ. Đây là một hành động hèn hạ mang tính công kích nhẫn tâm vào một người phụ nữ yếu đuối của một nhóm người trong đó có cả những kẻ vỗ ngực tự xưng mình là "đàn ông".
Đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama trở thành nạn nhân của những trò châm chích miệt thị chủng tộc.
Dĩ nhiên Google biết được vụ việc này. Ngay lập tức họ cử đội kỹ thuật kiểm tra hệ thống code, tìm cách xử lý vấn đề, xóa bỏ hết tất cả những kết quả hình ảnh Michelle Obama là khỉ. Hoan hô Google.
Đến với câu chuyện thứ 2, câu chuyện về nhân vật có tên Anders Behring Breivik. Tên này chính là thủ phạm đứng sau vụ tấn công Na Uy ngày 22/07/2011. "Chiến tích" của gã khủng bố điên rồ này là phá hủy 3 tòa nhà chính phủ làm chết 8 người. Sau đó hắn lại nổ súng bắn chết nhiều thiếu niên khác tại một trại thiếu niên ở đảo Utoya. Tổng cộng có khoảng 80 người đã chết ngày hôm đó. Cái tên của Breivik cũng trở thành từ khóa được quan tâm nhất khoảng thời gian ấy.
Và người ta lên Google tìm kiếm về sự việc như một lẽ dĩ nhiên. Cái quy trình mà Breivik reo rắc nỗi kinh hoàng cho thế giới được gói gọn trong 2 bước. Bước 1: cho nổ bom các tòa nhà chính phủ. Bước 2: giết người. Tuy nhiên điều này không chính xác, bởi Breivik thực hiện vụ khủng bố này trong 3 bước, với bước thứ 3 chính là để lại ấn tượng cho thế giới về hình ảnh một gã đàn ông tàn nhẫn độc ác, một con ác quỷ giữa trần gian.
Gã khủng bố Anders Behring Breivik.
Lần này câu chuyện xảy đến với Michelle Obama lại diễn ra, nhưng với mục đích khác. Người ta hô hào cư dân mạng tìm ảnh những chú chó đang đi ị và gán caption cái tên của gã khủng bố, tên file cũng y như vậy. Kết quả khi tìm kiếm từ khóa Breivik trên Google từ ngày 22/07 ở Thụy Điển, các kết quả sẽ không được đẹp đẽ cho lắm. Người ta muốn dạy cho Google biết rằng gương mặt của tên khủng bố không phải là bản mặt của một con người, bởi sâu trong tim hắn đã chẳng còn là người.
Điều lạ là Google không can thiệp vào vụ việc lần này. Họ không xóa bỏ những tấm hình mang tính công kích Breivik, mặc cho nó xuất hiện. Vậy điểm khác nhau giữa hai sự việc này là gì? Tại sao Michelle Obama và Anders Behring Breivik, cả hai đều là con người nhưng lại bị đối xử khác biệt?
Cái khác biệt ở đây là nhân vật của các sự kiện đó. Trong khi Michelle Obama là đệ nhất phu nhân nước Mỹ, một người đẹp cả về nhân cách lẫn vẻ bên ngoài, luôn luôn hết mình vì cộng đồng và thế hệ sau, thì Breivik chỉ là tên sát nhân muốn nổi tiếng bằng việc chà đạp lên mạng sống của đồng loại.
Và Google, với hàng chục nghìn con người đằng sau nó, không hề khách quan như ta vẫn tưởng, Google chứa đầy tình nhân loại đằng sau mỗi kết quả tìm kiếm lạnh lùng kia.