Bị dân trộm gạch, 1/3 Vạn Lý Trường Thành "bốc hơi" hoàn toàn

Trí Thức Trẻ, Theo 18:37 30/06/2015

Bài báo đăng trên tờ Beijing Times hôm 29/6 vừa qua về thực trạng của Vạn Lý Trường Thành đã khiến nhiều người Trung Quốc không khỏi lo lắng cho biểu tượng của đất nước này.


Tình trạng xuống cấp nghiêm trọng của di sản thế giới Vạn Lý Trường Thành

Theo bản báo cáo được Beijing Times trích từ số liệu của Cục Quản lý Di tích Văn hóa Trung Quốc, gần 1/3 chiều dài Vạn Lý Trường Thành đã biến mất kể từ khi kì quan này được hoàn thành, một con số thực sự đáng báo động.

Cụ thể, trong tổng thể 8.000 km chiều dài Vạn Lý Trường Thành, hiện 1961 km đã "bốc hơi" hoàn toàn, và 1185 km khác đang ở tình trạng "nguy kịch" cần được khẩn trương tu sửa.

Theo bản báo cáo, nguyên nhân của sự xuống cấp này chủ yếu là do sự tàn phá của con người, trong đó nổi bật nhất là các hành vi trộm gạch đến từ những người dân địa phương. Do hoàn cảnh khó khăn, họ lấy gạch "chùa" mang về xây nhà hoặc đem bán.

Nhận định về vấn đề này, ông Thành Đại Lâm, chuyên gia nghiên cứu Vạn Lý Trường Thành thuộc Hiệp hội Di sản Văn hóa Trung Quốc cho biết, còn có một số lý do khác đi kèm với sự thiếu ý thức của người dân.

"Người dân sống gần khu vực Vạn Lý Trường Thành thường kéo đổ gạch mang về xây nhà. Thêm vào đó, một phần không nhỏ của kì quan này cũng bị phá hủy hoàn toàn trong giai đoạn đô thị hóa cũng như trong xây dựng đường xá" - ông Thành phát biểu.


Một đoạn Vạn Lý Trường Thành xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: News.cn

Ngoài ra, theo báo cáo của Beijing Times, phong trào khám phá những khu vực chưa được bảo tồn của Vạn Lý Trường Thành trong nhiều năm gần đây đã thu hút một lượng du khách vượt quá "sức chứa" của các phân đoạn thành này, khiến chúng bị hư hại nghiêm trọng.

Yếu tố tự nhiên cũng là một nguyên nhân dẫn tới sự xuống cấp của kì quan này, theo phân tích của ông Hà Tân Dư, chuyên viên phụ trách bảo tồn Vạn Lý Trường Thành thuộc Bảo tàng Ninh Hạ.

"Sấm sét, động đất, hay mưa lũ đã, đang, và sẽ vẫn là những yếu tố gây tổn hại cho Vạn Lý Trường Thành. Chính phủ cần tính đến những biện pháp phòng ngừa và giảm thiểu tối đa ảnh hưởng từ yếu tố khí hậu và địa lý đối với kì quan này" - ông Hà nhận xét.

Trở lại với nguyên nhân chủ quan là ý thức con người, thực chất, việc cư dân địa phương trộm gạch đá từ công trình biểu tượng của Trung Quốc không phải là điều gì mới mẻ. Vấn đề này đã tồn tại được một thời gian dài nhưng chưa có cách giải quyết triệt để.

Trên một lượng không nhỏ gạch đá được người dân Trung Quốc mang về làm "vật liệu xây dựng" có khắc những dòng chữ cổ, và chúng được các nhà nghiên cứu đánh giá là những di sản văn hóa vô giá.

Tuy nhiên, khi ra chợ, những "di sản văn hóa vô giá" này chỉ được đổi lấy được vài đồng lẻ.

Nhằm cải thiện tình hình, trước đây, cụ thể là vào năm 2006, Trung Quốc trên giấy tờ đã bắt đầu áp dụng mức phạt lên tới 5.000 nhân dân tệ (khoảng 17 triệu đồng) đối với các cá nhân có hành vi gây tổn hại tới Vạn Lý Trường Thành.

Nhưng theo các chuyên gia, vấn đề ở đây là không có một cơ quan hay tổ chức cụ thể nào đứng ra áp đặt luật lệ. Các vụ việc "chảy máu" gạch đá thường mất rất nhiều công đoạn để trình lên cấp trên, và còn rắc rối hơn nếu khu vực bị ảnh hưởng nằm giữa biên giới hai tỉnh.


Một đoạn Vạn Lý Trường Thành bị phá hủy hoàn toàn. Ảnh: Telegraph

Phản ứng của người dân

Bài viết trên Beijing Times sau khi được đăng tải đã ngay lập tức dấy lên một làn sóng lo ngại trong cộng đồng mạng Trung Quốc.
Trên Weibo, một cư dân mạng không giấu nổi sự bức xúc trước những hành vi thiếu ý thức của các đồng hương: "Những người Trung Quốc ngày nay đang làm những điều mà hàng thế kỉ qua ông cha ta vì sợ tủi nhục nên không dám làm còn những kẻ xâm lược thì không thể làm. Vạn Lý Trường Thành đang bị phá hủy dưới bàn tay của chính người Trung Quốc".

Thời báo Hoàn Cầu thậm chí còn tỏ ra bi quan hơn. Trên mạng xã hội Twitter, báo này viết: "Gần 1/3 chiều dài Vạn Lý Trường Thành đã biến mất rồi. Có ai muốn đi thăm nó một lần trước khi phần còn lại cũng 'ra đi' nốt không?"