Thể dục ơi, bao giờ hết chán?

Nhật Chung; Design: Anhgreen, Theo Trí Thức Trẻ 00:07 10/10/2016
Chia sẻ

Vấn đề không chỉ ở cách dạy, mà ngay cả cách học của chúng ta cũng đang góp phần khiến bộ môn thể dục ngày càng nhàm chán hơn.

Sau khi bài viết "Không phải toán chẳng phải văn, thể dục mới thật sự là cơn ác mộng" được lên sóng thì đã có hàng trăm bình luận thể hiện sự đồng cảm với nội dung bài viết. Những "bi kịch" hài hước xung quanh môn học này giờ đây đã không còn là câu chuyện của riêng ai mà mỗi người, dù ít hay nhiều đều tìm thấy mình trong đó.

Bỏ mấy chuyện mắc cười qua một bên, cách đây vài ngày tôi lại đọc được một bài báo với nội dung chiều cao trung bình của nam giới Việt Nam chỉ đạt 163,7 cm, thấp hơn 13 cm so với chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Chiều cao trung bình của nữ thanh niên Việt Nam là 153 cm, thấp hơn 10,7 cm của WHO. Đọc xong mà giật mình. Trong khi bạn bè láng giềng càng ngày càng cao, cụ thể người Nhật trước năm 1950 chỉ cao trung bình 1m50 nhưng đến nay đã lên đến hẳn 1m7, người Hàn trước chỉ "lọt thỏm" với chiều cao 1m62 nhưng giờ cũng đã vượt mức 1m73 thì chúng ta vẫn mãi dậm chân tại chỗ và an phận làm "hoàng tử bé". Phải chăng đây chính là hậu quả của thái độ hời hợt, qua loa mà chúng ta dành cho môn thể dục suốt bao năm nay?

1. Cơ sở vật chất không có thì... học bằng niềm tin

Dù thể dục từ đó tới giờ vẫn luôn được xem là môn phụ, môn để kéo điểm và giáo viên bộ môn lúc nào cũng bị đánh giá thấp nhưng không vì thế mà tất cả giáo viên thể dục đều nản lòng và không tâm huyết với nghề. Thật ra vẫn có nhiều thầy cô tận tâm và muốn giúp học trò mình khỏe mạnh hơn lắm chứ. Nhưng biết làm sao đây khi tất cả những gì mà họ được trang bị chỉ là... một khoảng sân trường bé nhỏ. Đã vậy lại còn là sân chung nên thường xuyên bị chiếm mất nếu chậm chân.

Thể dục ơi, bao giờ hết chán? - Ảnh 1.

Những mảng sân này đa phần là sân bê-tông, không có mái che, không có vạch kẻ, mỗi lần muốn thi thố gì là giáo viên lại phải hì hụi lấy phấn ra nguệch ngoạc trên sân, những thứ như lưới bóng chuyền, cột bóng rổ cũng được xây dựng tạm bợ cho có. Nhưng như vậy đã là tốt chán, không ít trường... đến cả cái sân còn chẳng có. Cứ đến tiết thể dục là thầy trò dắt díu nhau qua bên... sân đá banh gần đó tập tạm.

Số lượng trường học có nhà thi đấu đa năng ở Việt Nam chắc chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong khi đó tại các trường nước ngoài luôn có những khu sport hall to oành tha hồ để tập luyện. Chính vì sự hạn hẹp trong cơ sở vật chất khiến bao năm nay giáo án môn học này chỉ quanh quẩn vài "gương mặt thân quen" như bật xa, nhảy cao, đá cầu... đơn giản vì những môn này chẳng đòi hỏi gì sất! Thầy cô có muốn dạy những môn nâng cao hơn thì cũng chả có cơ hội vì biết dạy ở đâu, dạy bằng cái gì bây giờ?

2. Ước gì môn thể dục đừng lấy điểm

Đây chắc chắn là một trong những ước mong lớn nhất của đời học sinh. Năm nào thầy cô và nhà trường cũng ra rả điệp khúc "tập thể dục là để cơ thể khỏe mạnh, đầu óc minh mẫn, tinh thần thư thái". Tuyệt nhiên không ai nhắc gì đến điểm số. Nhưng rồi sao? Đến kì kiểm tra liệu có ai thèm hỏi "sau ba tháng tập môn này em khỏe hơn chưa?" hay chỉ chăm chăm vào cái vạch 1m8 của môn nhảy xa, ai không nhảy qua được thì 4 điểm về chỗ chờ lịch thi lại?

Thể dục ơi, bao giờ hết chán? - Ảnh 2.

Bản thân việc tập thể dục là phải thoải mái để cơ thể có thể giải phóng hết năng lượng. Ấy vậy mà giờ học thể dục ở nước ta không những không được để cơ thể thả lỏng mà đầu óc cũng phải gồng lên vì sợ nếu làm sai có thể bị điểm kém bất cứ lúc nào. Những con điểm khiến các bạn học sinh, và đôi khi ngay cả các giáo viên quên mất mục đích chính của việc học thể dục là để làm gì.

Thể dục ơi, bao giờ hết chán? - Ảnh 3.

Thay vì đánh giá bằng sự cố gắng, thái độ chăm chỉ hay sự tiến bộ trong thể lực thì tất cả lại được quy đổi thành những con số cụ thể nhưng vô nghĩa như 7/10 quả cầu thì sẽ được qua môn, bật xà hơn 1m5 sẽ được 10 điểm... Vậy lỡ những bạn nữ không chơi đá cầu từ nhỏ như các bạn nam thì sao, lỡ những bạn thể lực vốn kém không bật qua được thì biết thế nào? Ai cũng bảo "tập cho khỏe", nhưng sao cuối cùng lại chỉ quan tâm được mấy điểm?

3. Giờ học bị chèn ép một cách thảm thương

Vì bị coi là môn phụ, có cũng được không có cũng chẳng sao nên giờ học thể dục của nhiều trường cũng rất ư là trời ơi đất hỡi. Bình thường một tuần sẽ có 2 tiết dành riêng cho thể dục nhưng đến những hôm sắp thi hay có kì kiểm tra quan trọng thì nhiều trường sẽ tự động "thủ tiêu" những giờ học hiếm hoi này trong thời khóa biểu. Nếu trường không làm thì đích thân những giáo viên môn khác sẽ đi năn nỉ giáo viên thể dục nhường giờ cho mình hay cho xin thêm 10 - 15 phút để giải nốt cái đề. Ngay đến bản thân của các giáo viên còn không rạch ròi và tôn trọng giờ học thì học sinh phải biết làm sao.

Thể dục ơi, bao giờ hết chán? - Ảnh 4.

Hay hài hước hơn, vì không thể tìm được buổi nào cùng có hai tiết trống nên nhiều trường chữa cháy bằng cách đầu tuần cho học một tiết, cuối tuần cho học một tiết. Chỉ tính thời gian di chuyển từ lớp xuống sân, điều chỉnh đội hình, điểm danh và khởi động thôi là đã tròn 30 phút. Còn 15 phút nữa chả làm được gì, thầy và trò đành nhìn nhau bó tay rồi chờ đánh trống đi về. Những giờ học thể dục cứ thế bị chèn ép và tuồn tuột trôi qua mà không đọng lại bất cứ điều gì.

4. Chính chúng ta đang làm môn thể dục ngày một chán hơn

Không thể phủ nhận rằng có nhiều yếu tố bên ngoài khiến môn thể dục trở nên "chán hẳn", nhưng cũng đừng quên chính những người ngày ngày than vãn "sao chán thế", "sao trên đời lại có cái môn như thế này" cũng đang góp phần khiến thực trạng dạy & học môn này ngày càng tệ hơn. Đa phần mọi người chỉ biết ỉ ôi than vãn rằng trường thế này, thầy thế nọ mà không một ai chịu lên tiếng. Thay vì thẳng thắn góp ý và cùng nhau sửa đổi để tiến bộ hơn thì ai ai cũng ôm trong mình tư tưởng "sống chung với lũ" rồi cứ mặc kệ ra sao thì ra.

Đến giờ học thì mặc cho giáo viên khản cổ gào thét giữa trưa nắng nóng, nhiều tốp học sinh vẫn thản nhiên tâm sự hay giải quyết "ân oán hận thù" các kiểu. Học sinh nữ đến giờ tập thì sợ hư tóc, sợ đổ mồ hơi, sợ trôi son, sợ rớt lông mi giả nên đến nhấc cái tay lên cũng uể oải chán chường. Học sinh nam thì lên cơn tăng động chạy đầu này đầu kia chọc phá bạn bè. Thử hỏi như thế thì sao giáo viên không phát điên lên được.

Thể dục ơi, bao giờ hết chán? - Ảnh 5.

Để thay đổi cách dạy & học môn thể dục, giúp môn này trở nên thú vị và truyền cảm hứng hơn chắc chắn sẽ tốn rất nhiều công sức, thời gian và kể cả tiền bạc. Khó nhưng không có nghĩa là không thể. Chỉ cần thầy - trò chịu lắng nghe ý kiến, nỗi niềm của nhau để dung hòa và tùy chỉnh môn học sao cho phù hợp nhất. Dù là người dạy hay người học thì cũng đừng âm thầm chịu đựng một mình rồi trách móc đối phương nữa.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày