Tháng 7 năm 2023, Địa đạo Củ Chi của Việt Nam bất ngờ lọt vào danh sách "20 đường hầm kỳ thú nhất thế giới" của CNN. Đây cũng là một trong 7 điểm đến kỳ lạ nhất ở khu vực Đông Nam Á và là một trong 6 công trình nhân tạo đặc biệt nhất thế giới.
Vậy điểm đến này có gì đặc biệt mà lại khiến cả thế giới phải chú ý đến vậy?
"Kỳ quan" độc đáo có một không hai ở Việt Nam
Cách trung tâm thành phố Hồ Chí Minh 70km về hướng Tây Bắc, Địa đạo Củ Chi là điểm đến thú vị thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến tham quan và tìm hiểu về lịch sử của Việt Nam.
Theo đó, địa điểm này được hình thành trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 – 1948) khi quân dân của 2 xã Tân Phú Trung và Phước Vĩnh An đào những đoạn hầm ngắn với cấu trúc đơn giản để ẩn nấp, cất giấu vũ khí và tài liệu. Thời gian đầu, mỗi làng xây dựng một địa đạo riêng, tuy nhiên do nhu cầu đi lại giữa các làng xã, các địa đạo này đã được các quân nhân nối liền và mở rộng, tạo thành một hệ thống đường hầm liên hoàn, phức tạp.
Khu hầm Địa đạo Củ Chi
Cụ thể, Địa đạo Củ Chi có tổng chiều dài 250km, có 3 tầng sâu khác nhau, tầng cao nhất cách mặt đất khoảng 3m, tầng giữa cách mặt đất 6m và tầng sâu nhất cách tới 12m. Đặc biệt, bên trong hệ thống đường hầm này có đầy đủ các công trình như: chiến hào, kho cất giấu lương thực, bếp ăn, giếng nước, phòng ở, phòng làm việc, bệnh xá, phòng học, bếp Hoàng Cầm…
Nhờ vào kiến trúc chằng chịt như mạng nhện cùng với hệ thống thông hơi lên mặt đất được ngụy trang một cách bí mật và khoa học, địa đạo này đã trở thành nơi ẩn náu bí mật, nơi sinh hoạt, hội họp quân sự, cứu thương, chế tạo, tàng trữ vũ khí và che chở cho biết bao cán bộ, nhân dân ta trong thời kỳ kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Từ đó, góp phần không nhỏ tạo nên những chiến thắng vẻ vang trong Chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, đại thắng mùa Xuân 1975 thống nhất Đất nước…
Kết cấu Địa đạo Củ Chi
Sau khi chiến tranh kết thúc, nơi đây trở thành di tích lịch sử cấp Quốc gia và đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động năm 2015. Đến năm 2016, địa đạo Củ Chi tiếp tục đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt. Báo điện tử Đài tiếng nói Việt Nam cũng gọi Địa đạo Củ Chi là "Thành phố dưới lòng đất" và miêu tả di tích này như một 'kỳ quan' có một không hai của Việt Nam
Điểm du lịch kỳ thú với nhiều trải nghiệm độc đáo
Tuy là một điểm di tích lịch sử nhưng Địa đạo Củ Chi là một điểm đến không hề nhàm chán. Trong năm 2023, điểm đến này đón 1 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế chiếm tỷ lệ gần 50%. Bởi đến đây, du khách sẽ được khám phá và trải nghiệm nhiều điều mới mẻ, bất ngờ về văn hóa, lịch sử của nước nhà.
Ảnh: FB Khu Di Tích Lịch Sử Địa Đạo Củ Chi
Trong quá trình tham quan, ngoài việc thám hiểm các lối đi bí mật xuống Địa đạo Củ Chi, du khách còn có thể tham gia nhiều hoạt động vui chơi khác như thuê xe đạp đi dạo, bơi lội, cắm trại, ăn uống, chèo thuyền, đi ca nô, đạp vịt. Nếu có nhu cầu, du khách có thể mua vé để tham quan thêm khu tái hiện vùng giải phóng Củ Chi để có thêm nhiều trải nghiệm thú vị.
Ảnh: FB Khu Di Tích Lịch Sử Địa Đạo Củ Chi
Không chỉ vậy, đi vòng quanh khu du lịch Địa đạo Củ Chi cũng là một trải nghiệm đáng thử. Không khí trong lành cùng cảnh quan xanh mát tuyệt vời sẽ đem lại cho du khách một cảm giác thư thái lạ kỳ cùng những trải nghiệm đáng nhớ với người thân và bạn bè.
Ảnh: Khu Di Tích Lịch Sử Địa Đạo Củ Chi
Với giá vé vào cổng tham quan chỉ 35.000đ/người đối với du khách Việt và 70.000đ/người đối với khách nước ngoài, khu du lịch Địa đạo Củ Chi là một điểm đến lý tưởng, hứa hẹn mang đến cho bạn những trải nghiệm bất ngờ về văn hóa, lịch sử và cả ẩm thực không thể bỏ qua.
(Tổng hợp)