Thành bại của nghiệp cầu thủ nằm ở tay đại diện, vì vậy hãy là người lựa chọn thông minh

THANH ĐÌNH (SPORT5), Theo Helino 15:59 17/01/2020

Với một người đại diện hay quản lý có tầm và có tâm, họ sẽ đặt sự nghiệp cầu thủ lên trên hết. Còn với những người nuông chiều, o bế cầu thủ và chỉ quan tâm tới lợi ích ngắn hạn, chỉ mang đến tai ương cho cầu thủ mà họ đại diện.

Bạn có biết ngày đầu gặp nhau, đại diện Mino Raiola nói với Zlatan Ibrahimovic gì không?

"Mày nghĩ mày giỏi lắm à? Với con số thống kê tồi tệ là mày chỉ ghi 5 bàn sau 25 trận? Nếu mày thực tâm muốn trở thành số 1, bán con xe của mày đi, bán luôn chiếc đồng hồ vàng chóe tởm lợm và tập gấp 3 vào", gã béo quái kiệt hét vào mặt Ibrahimovic, người khi ấy vẫn là một gã trai 20 tuổi, thích nổi loạn nhưng chưa có gì nổi bật.

Đó là khoảnh khắc đổi đời của Ibra. Anh bắt đầu lao vào khổ luyện với ý nghĩ duy nhất là bản thân vẫn chưa được như mong đợi, phải cố gắng hơn nữa, tập luyện nhiều hơn nữa, chuyện hưởng thụ tính sau.

Thành bại của nghiệp cầu thủ nằm ở tay đại diện, vì vậy hãy là người lựa chọn thông minh - Ảnh 1.

Ibrahimovic sẽ không trở thành một huyền thoại nếu không có sự nghiêm khắc của Raiola.

Và mỗi khi Ibrahimovic trễ nải hay tự mãn, Raiola lại xuất hiện với những lời mạt sát để anh chàng giữ đôi chân trên mặt đất. Như một lần, Ibra gọi điện than thở về việc bị thay ra sớm những mong nhận lại lời an ủi. Ai ngờ từ đầu dây bên kia, Raiola hét: "Đá như *** thay ra là đúng rồi. Tao mà là HLV, tao đã tống cổ mày ra ngoài sớm hơn".

Với nhiều HLV hay ông chủ đội bóng, Raiola là một con quỷ hút máu, sẽ rút sạch tiền trong két của họ vào một ngày. Nhưng với cánh cầu thủ, Ibra chẳng hạn, ông ta là ân nhân, trước khi kiếm về những thỏa thuận tốt nhất luôn cổ vũ để thân chủ trở thành ngôi sao. 

Trong khi đó ở Việt Nam, các đại diện - hoặc được cho là đại diện, và quản lý lại gây ngạc nhiên với cách hành xử chẳng giống ai.

Thành bại của nghiệp cầu thủ nằm ở tay đại diện, vì vậy hãy là người lựa chọn thông minh - Ảnh 2.

Bình luận của quản lý Kiều Trinh trên mạng xã hội.

Họ luôn có xu hướng phóng đại giá trị của cầu thủ, như thể đó là những ngôi sao bậc nhất. Và họ cũng cố gắng biến cầu thủ thành những "thương hiệu bạc tỷ", tận dụng tối đa sự nổi tiếng thành các hợp đồng quảng cáo, đại sứ thương hiệu hay xuất hiện ở các sự kiện.

Những người đứng sau quên mất rằng các cầu thủ trẻ mới bắt đầu bước vào sự nghiệp. Ưu tiên hàng đầu là cải thiện khả năng trên sân cỏ và không bị xao nhãng bởi bất kỳ lý do nào khác. Dường như họ đã quá vội vàng, sớm biến các sao mai thành cỗ máy kiếm tiền.

Đến khi các cầu thủ đi chệch hướng hoặc rơi vào khủng hoảng vì sai lầm hay vì phong độ kém cỏi, cách hành xử của quản lý, đại diện mới thật tệ. Nếu những đồng nghiệp trên thế giới chỉ hoạt động trong hậu trường và khuyến khích thân chủ nỗ lực nhiều hơn, đổ mồ hôi nhiều hơn, họ lại đăng các status khiêu khích và mạt sát người hâm mộ trên mạng xã hội.

Thành bại của nghiệp cầu thủ nằm ở tay đại diện, vì vậy hãy là người lựa chọn thông minh - Ảnh 3.

Với những bình luận thế này, hình ảnh của Dũng càng xấu đi trong mắt người hâm mộ.

Hồi AFF Cup 2018, quản lý Kiều Trinh đáp trả những lời chỉ trích Hà Đức Chinh bằng ngôn từ chợ búa. Đến bây giờ, vẫn quản lý ấy bảo vệ Bùi Tiến Dũng bằng tuyên bố "không có Tiến Dũng không có Thường Châu; không có Tiến Dũng, không có chuyện cầu thủ được hưởng những gì họ xứng đáng".

Bên cạnh đó, "ông chú" Nguyễn Đắc Văn - người được cho là đại diện của Tiến Dũng, cũng gây ngạc nhiên với bình luận "rất mừng vì không tìm thấy từ xin lỗi" trong status Tiến Dũng sau sai lầm đáng trách trước Triều Tiên, đồng thời vặn vẹo người hâm mộ "mày cho nó cái gì chưa mà đòi hỏi".

Tại sao không phải xin lỗi khi bạn khiến công sức đồng đội đi tong, và khiến hàng triệu người hâm mộ thất vọng? Tại sao người hâm mộ không có quyền đòi hỏi khi đây chính là những người góp phần tạo dựng danh tiếng cho cầu thủ?

Thành bại của nghiệp cầu thủ nằm ở tay đại diện, vì vậy hãy là người lựa chọn thông minh - Ảnh 4.

Những bình luận đầy tính khiêu khích của "ông chú" của Bùi Tiến Dũng.

Đó không phải cách hay để xử lý khủng hoảng, càng không phải cách hành xử nên làm của những người quản lý, đại diện cầu thủ. Họ có nghĩa vụ bảo vệ thân chủ, nhưng không phải bằng cách o bế, nuông chiều.

Những phản ứng kiểu này chỉ khiến các cầu thủ thêm hư. Họ nghĩ rằng cả thế giới đang chống lại và đối xử bất công với họ, thay vì ngồi xuống, lắng nghe và đối mặt với sự thật, rằng đây là một phần của cuộc chơi, và họ phải trả giá cho sai lầm mà lẽ ra họ đã có thể tránh được nếu chơi tốt hơn, tập trung hơn.

Các cầu thủ có thể tự do lựa chọn đại diện hay quản lý mà họ thích. Nhưng họ nên biết, nếu lựa chọn sai và gửi gắm mình vào tay những người chỉ quan tâm đến lợi ích ngắn hạn, sự nghiệp của họ sẽ bị ảnh hưởng theo hướng tiêu cực. Dĩ nhiên, để tìm ra những đại diện, quản lý có tầm nhìn và đặt lợi ích cầu thủ lên trên hết, không phải việc dễ dàng.

VTV24 lên án việc người quản lý thông qua mạng xã hội làm ảnh hưởng xấu tới hình ảnh các tuyển thủ quốc gia.