Mới đây, trong một cộng đồng chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức tài chính cá nhân, tâm sự của một chàng trai 27 tuổi về khoản nợ hơn 300 triệu đã khiến nhiều người cảm thông.
"Em là nam năm nay 27 tuổi, công việc ổn định, lương trung bình khoảng 18 triệu/tháng. Chuyện là cuối năm 2022, em có vay tiền để góp vốn kinh doanh cùng bạn, được 1 thời gian thì bị thoái trào. Em quay lại với công việc và trả nợ dần. Trung bình khoản tiền nợ chiếm 1/2 thu nhập, hiện giờ em vẫn còn nợ 200 triệu nữa chưa trả hết.
Sang năm tới, em và bạn gái dự định kết hôn vì 2 bên gia đình cũng hối thúc. Tiền làm đám cưới em không phải lo gì. Bạn gái em cũng chưa biết em nợ, vì em chỉ bảo kinh doanh không thuận lợi nên thôi.
Em thì muốn tự lo khoản nợ của mình, nếu cứ đóng lãi và trả gốc thì sẽ rất lâu, khoảng 3 năm nữa mới trả xong. Sắp lập gia đình nên em muốn trả càng sớm càng tốt để đỡ tiền lãi.
Em có nên nói với gia đình ko hay nhờ những người bạn có kinh tế hơn giúp ạ?" - Chàng trai chia sẻ.
Trong phần bình luận của bài đăng, nhiều người khuyên anh chàng này nên nói với vợ sắp cưới về khoản nợ 200 triệu, sau đó, 2 bạn nên bàn tính với nhau. Chuyện có nói cho bố mẹ 2 bên biết hay không thì chưa chắc, và cũng tùy vào quyết định của 2 bạn, nhưng chắc chắn là chàng trai không nên giấu vợ sắp cưới chuyện này.
Công tâm mà nói, lỗi sai lớn nhất của chàng trai trong câu chuyện phía trên chính là đã vay tiền để làm ăn, kinh doanh trong khi bản thân chưa có nhiều kinh nghiệm. Dùng đòn bẩy tài chính không xấu, nhưng nếu 100% tiền vốn đều là đi vay thì quả thực, rủi ro quá lớn. Cũng may, khoản nợ hiện tại chỉ còn 200 triệu - số tiền không nhỏ nhưng cũng không đến mức quá khả năng chi trả.
Tuy nhiên, giống như những lời khuyên mà CĐM dành cho chàng trai này, nếu nhất quyết giấu vợ sắp cưới việc mình đang nợ nần, rất có thể sau này, nếu vợ phát hiện ra, đó sẽ trở thành nguyên nhân khiến "cơm không lành, canh chẳng ngọt".
Vậy các cặp đôi sắp cưới cần làm gì để hạn chế mẫu thuẫn tài chính trong hôn nhân? Câu trả lời khá đơn giản, gói gọn trong 2 gạch đầu dòng dưới đây.
1 - Thành thật về mức thu nhập và các khoản nợ của mỗi người
Tiền bạc phân minh, ái tình dứt khoát chỉ là chuyện khả thi khi chưa về chung một nhà. Chẳng ai muốn kết hôn xong lại phải đi gánh những khoản nợ mà bản thân mình chẳng phải người đi vay.
Lúc ấy, bỏ thì thương, vương thì tội. Tựu trung là cả hai chẳng ai vui vẻ, hạnh phúc được. Vì vậy, hãy thành thật với nhau về mức thu nhập hoặc các khoản nợ, không chỉ thể hiện sự tôn trọng dành cho đối phương, mà còn hạn chế nhiều cuộc xung đột không đáng có trong hôn nhân.
2 - Làm rõ trách nhiệm tài chính của từng người trong hôn nhân
Sau khi thành thật với nhau về mức thu nhập hiện tại cũng như các khoản nợ, có 4 câu hỏi mà các cặp đôi nên làm rõ.
1. Ai là người quản lý tài chính trong gia đình?
2. Tỷ lệ đóng góp của mỗi người cho các khoản chi phục vụ đời sống, khoản tích lũy, khoản tiết kiệm phục vụ các mục tiêu lớn (sinh con, mua nhà, mua xe,...)?
3. Hàng tháng hoặc lễ Tết, sẽ biếu nhà nội - nhà ngoại bao nhiêu tiền? Số tiền này là cả hai vợ chồng cùng đóng góp và cùng lo, hay vợ lo nhà vợ, chồng lo nhà chồng?
4. Mỗi người sẽ dành bao nhiêu % thu nhập để phục vụ sở thích cá nhân của mình?
Phải làm rõ được những vấn đề này, việc quản lý tài chính trong hôn nhân, cũng như việc tích lũy tiền bạc để thực hiện các mục tiêu lớn trong tương lai, mới bớt phần trắc trở. Vì chắc chắn, chẳng ai muốn vợ chồng cứ tối ngày cãi vã, xích mích chuyện tiền bạc, đúng không?