Y học hiện đại đã phát triển vượt bậc trong khoảng 100 năm trở lại đây. Nhưng ít ai biết rằng vào thế kỉ 18, ngành giải phẫu học đã bắt đầu nhen nhóm tại Châu Âu. Vào thời kì đó không có các máy móc thiết bị hiện đại để hỗ trợ nội soi, chụp x-quang cắt lát...thì người giải phẫu sẽ nhận biết các bộ phận cơ thể thế nào? "Thần vệ nữ bị mổ bụng" chính là câu trả lời cụ thể và trực quan nhất cho câu hỏi này, cũng như giúp chúng ta, những người luôn nghĩ mình hiện đại phải thán phục sự nghiên cứu, tìm tòi và kho tàng hiểu biết của cổ nhân xưa.
“Một bào thai bé xíu, chân bé đạp ra khỏi tử cung, đoạn ruột chất đống bên cạnh sinh vật không chút sự sống, thân xác của người phụ nữ được phanh bụng từ sợi dây chuyền trên cổ cho đến xương chậu…” liệu ai sẽ dám đến gần tạo vật chỉ nghe vài từ mô tả thôi đã thấy quá sức rùng rợn này? Nhưng xin hãy chậm lại, hãy tiếp tục quan sát hình ảnh sau đây:
(Ảnh: Joanna Ebenstein)
Bạn có một chút xiêu lòng nào trước nhan sắc như sương như ngọc, mái tóc dài óng ả, làn da được tả tỉ mẩn ánh lên sắc căng mịn màng chứa đầy sự sống của “bức tượng sáp” này chưa? Đây là người đẹp y học có tên “The Anatomical Venus” - một trong những mô hình giải phẫu học đầu tiên được làm ra tại một xưởng sản xuất ở La Specola, Florence trong thời gian 1784-1788, và được trưng bày trong tủ kính bằng gỗ cẩm lai và kính Venice tại Josephinum, Vienna, Áo. Nàng chính là hiện vật mà đoạn mô tả “ghê rợn” bên trên vừa nêu. Và chúng ta chỉ cảm thấy sợ hãi khi từng bước lột trần và khám phá nàng vào sâu bên trong, như thế này.
(Ảnh: Joanna Ebenstein)
(Ảnh: Joanna Ebenstein)
Vào thế kỉ 18, khi ngành giải phẫu học bắt đầu phát triển hơn tại Châu Âu, các nhà nghiên cứu, bác sĩ chỉ có thể thực hành trên các tử thi và gặp phải vô vàn khó khăn do điều kiện bảo quản lạc hậu, cũng như lượng tử thi được “chấp nhận” làm vật thí nghiệm giới hạn. Chính vì vậy, các mô hình sáp ra đời để tạo điều kiện cho việc học tập và nghiên cứu y học một cách trực quan hơn.
Những người sáng tạo ra "Thần vệ nữ bị mổ bụng" với mong muốn mang giải phẫu học ra khỏi mồ và phổ biến rộng rãi hơn cho công chúng. "Hầu hết kiến thức giải phẫu học đều có nguồn gốc từ thi thể người chết, và điều này không thích hợp lắm với công chúng," Ebenstein - tác giả cuốn sách “The Anatomical Venus” cho biết.
(Ảnh: Joanna Ebenstein)
"Vì thế, làm cách nào mà bạn có thể tạo ra một vật thể có thể lấy chút gì đó từ dưới mồ và từ các xác chết đã tạo nên nó, nhưng phải làm người xem không hoảng sợ và khiến họ bị chúng - những tượng sáp mô phỏng thu hút?”
Để giải bài toán hóc búa này, các họa sĩ, nhà điêu khắc, nhà giải phẫu học thế kỉ 18 đã tạo ra những bức tượng sáp "Thần vệ nữ bị mổ bụng" với mái tóc làm từ tóc người thật, làn da, ngũ quan được tạo hình và chế tác tỉ mẩn, sống động đẹp đẽ nhất có thể, khiến người xem bị thu hút và muốn tìm hiểu sâu hơn nhưng không cảm thấy sợ hãi.
(Ảnh: Joanna Ebenstein)
"Nằm ngửa trong tủ kính, nàng mời gọi với nụ cười duyên dáng hoặc với ánh nhìn gợi cảm ngây ngất. Một phong thái thư thả với bím tóc bện vàng óng làm từ tóc người thật, một cách thể hiện sự sang trọng, tấm nệm bằng vải sa tanh đã bị mọt ăn trong khung kính của nàng cũng như thân thể nàng gợi cảm giác tự nhiên trong trạng thái phẫu thuật nhưng không có máu” - đoạn mô tả đầy chất thơ của Ebenstein mô tả về “Tượng vệ nữ” trong cuốn sách của bà đã cho thấy các tác giả bức tượng đã mã khóa thành công việc tạo ra một tạo hình tượng sáp mô phỏng thu hút công chúng.
Dù các bức tượng sáp này có vẻ đẹp kỳ lạ đến đâu, chúng vẫn được dùng vào mục đích chính là dạy học. Theo Ebenstein, "mỗi mẫu tượng sáp nguyên sơ tại bảo tàng là sản phẩm của nghiên cứu cẩn trọng các xác chết được chuyển đến xưởng chế tác từ bệnh viện Santa Maria Nuova."
Và sau 200 năm được tạo ra, tượng sáp giải phẫu học "Thần vệ nữ bị mổ bụng" của La Specola vẫn được nhìn nhận là cực kỳ chính xác. Một vài bức tượng trong đó thể hiện những cấu trúc giải phẫu học còn chưa được đặt tên hoặc mô tả vào thời chúng được tạo ra. Đồng thời, chúng cũng chính là những tác phẩm nghệ thuật mang tính cách mạng, cùng chiêm ngưỡng thêm về các tuyệt tác “tượng sáp giải phẫu” có tuổi đời hơn 200 năm nhé.
Hình ảnh trong cuốn sách The Anatomical Venus (Ảnh: Artbook)
Một vài tượng sáp mô phỏng giải phẫu khác (Ảnh: Artbook)
"Thần vệ nữ" khi được lột trần (Ảnh: Joanna Ebenstein)
Một tượng sáp nữ giải phẫu khác (Ảnh: Joanna Ebenstein)
Bào thai mô phỏng trong bụng 1 tượng sáp (Ảnh: Artbook)
(Nguồn: BBC, The Anatomical Venus, Morbid Anatomical)