Từng là nạn nhân của dịch vụ "dâu quay", chia sẻ với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, M.L. (30 tuổi) trải lòng, dù đã 2 năm trôi qua nhưng cô vẫn chưa hết sợ hãi khi nhớ lại cảm giác bỏ trốn khỏi nhà chồng tại Trung Quốc. M.L. cho biết, sau khi có ý định lấy chồng Trung Quốc, cô tìm đến một "bà mối" tên C. chuyên môi giới hôn nhân trên mạng xã hội.
Ngay sau khi kết nối, "bà mối" đon đả gợi ý cho M.L. nên làm "dâu quay" để vừa có tiền vừa không phải làm vợ, tránh tình cảnh bị bạo hành như báo chí từng phản ánh. Thậm chí, "bà mối" C. còn vẽ viễn cảnh, nếu khôn khéo và có sự giúp đỡ tận tình từ "bà mối", L. có thể kiếm hàng trăm triệu dễ như trở bàn tay. Yêu cầu duy nhất "bà mối" đưa ra là "cô dâu" phải diễn tròn vai và nhanh nhạy trong việc lựa chọn tài sản để bỏ trốn.
"Khi đưa em sang Trung Quốc, họ đã chuẩn bị chỗ ở và có xe đưa đón em đầy đủ. Họ dặn em nên trốn vào ban đêm bởi đây là thời gian lý tưởng để không ai phát hiện ra hoặc đuổi theo. "Bà mối" thường động viên em và các cô dâu khác đừng sợ, họ đã bố trí người cẩn thận đảm bảo an toàn tuyệt đối cho từng "dâu quay". Họ cũng dặn dò em phải tìm mọi cách mang theo tiền, trang sức mà gia đình nhà chồng cho tặng hôm cưới, quần áo bỏ hết lại. Xong xuôi, em sẽ có tiền lo cho gia đình", L. chia sẻ.
Vì tiền, nhiều cô dâu chấp nhận làm “dâu quay”
M.L hồi hộp kể lại, sau 5 ngày ở Trung Quốc cô bắt đầu lục lại chiếc điện thoại giấu mang theo để bắt liên lạc với bà mối. Tuy nhiên hôm đó, gia đình nhà chồng có người thân đến chơi cả ngày nên L. không có cơ hội liên lạc ra ngoài.
"Chờ đến tối, trong lúc đi tắm, tôi lén mang theo điện thoại để bắt liên lạc với C. nhưng không ai trả lời. Tiếng chuông vừa dứt, tôi lo sợ đến mức người run lên bần bật. Tôi cố liên lạc vài lần thì chiếc điện thoại hết pin, lúc đó tất cả với tôi như sụp đổ. Tối hôm đó, tôi không sao ngủ được và nghĩ mình sẽ mãi lưu lạc nơi đất khách quê người.
Khoảng 10 ngày sau, tôi phát hiện chiếc sạc điện thoại của "mẹ chồng" giống loại của mình, nhưng không dễ lấy được vì bà thường xuyên ở nhà. Vài hôm sau, trong lúc bà đang nấu ăn dưới bếp, tôi lấy hết can đảm lẻn sang lục sạc điện thoại.
Dịch vụ mai mối hôn nhân Trung Việt tràn lan mạng xã hội
Vừa cắm sạc được vài phút, mỗi khi nghe thấy có tiếng động vang lên là tim tôi như nhảy khỏi lồng ngực. Trong vài phút chờ điện thoại lên nguồn mà tôi như ngộp thở. Điện thoại vừa sáng màn hình tôi nhắn ngay cho C., may mắn là cô ấy bắt máy nên tôi hẹn được lịch bỏ trốn. Vì quá lo lắng nên hôm trốn tôi cũng quên luôn chuyện trộm của", M.L. nhớ lại.
M.L. tiết lộ với PV, đa phần các cô dâu trốn được không về nước ngay mà đến chỗ ở của nhóm môi giới tại Trung Quốc. Sau vài ngày thấy "sóng yên, biển lặng", họ tiếp tục được nhóm môi giới kết nối cho nhà chồng khác rồi dùng chiêu bài ôm tiền bỏ trốn như "kịch bản" mà những "bà mối" trước đó hướng dẫn. "Bà mối" khẳng định, Trung Quốc bao la rộng lớn, một khi "dâu quay" đã bỏ trốn được thì nhà chồng khó có thể tìm được. Thậm chí, dù nhà chồng có cho người đi truy tìm khắp nơi cũng không khác "tìm kim đáy bể". Chính vì vậy, các cô dâu cứ thoải mái trong vai cô dâu ngoan hiền rồi sẽ có số tiền lớn mang về Việt Nam!.
Trao đổi với PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp Luật về vấn đề này, LS. Giang Hồng Thanh – Văn phòng luật sư Giang Thanh cho rằng, việc làm của nhóm môi giới và những "cô dâu" có dấu hiệu của hành vi vi phạm pháp luật hình sự và pháp luật về hôn nhân, gia đình Việt Nam.
Về việc môi giới cho người Việt Nam kết hôn với người nước ngoài, theo quy định tại Điều 51 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014, chỉ có các trung tâm thuộc Trung ương hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam hoặc hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương mới được phép hoạt động tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài. Vì vậy việc nhóm môi giới cho "cô dâu" lấy chồng Trung Quốc là hoạt động bất hợp pháp.
Người thực hiện hoạt động này có thể bị xử phạt hành chính từ 20- 30 triệu đồng đối với hành vi môi giới kết hôn trái pháp luật và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm trên. Ngoài ra, nhóm người đưa "cô dâu" sang Trung Quốc nếu không tuân thủ các quy định về xuất cảnh, nhập cảnh, còn có thể bị xử lý hình sự về tội Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép theo Điều 349 Bộ luật Hình sự 2015. Mức án của tội này có thể bị phạt lên tới 15 năm tù.
Cũng theo LS. Thanh, việc "cô dâu" Việt Nam lấy trộm tài sản của người Trung Quốc có thể sẽ bị xử lý hình sự về tội Trộm cắp tài sản theo quy định của pháp luật Việt Nam. Trong trường hợp này, căn cứ vào Hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự và hình sự ký giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày 19/10/1998, "cô dâu" Việt Nam có thể được đưa về Việt Nam để truy cứu trách nhiệm hình sự.
"Nguy cơ lớn hơn cả là "cô dâu" Việt Nam khi vi phạm pháp luật ở Trung Quốc, có thể sẽ bị xâm hại đến sức khỏe, tính mạng do cơ quan chức năng ở Việt Nam không thể có mặt kịp thời để bảo vệ" luật sư Thanh nhấn mạnh.