Trương Hiểu Dũng sinh năm 1974 tại Hồ Nam (Trung Quốc) trong một gia đình nông dân nghèo. Với mong muốn con trai có thể thoát khỏi cuộc sống lam lũ, cha mẹ anh đã quyết định bán tất cả tài sản quý giá mà gia đình họ có để gửi anh đến trường học. Trong mắt của cha mẹ, đó là hy sinh cần thiết, là sự đầu tư vào tương lai của con.
Trương Hiểu Dũng bộc lộ một trí tuệ xuất chúng, được mệnh danh là thần đồng tại địa phương khi có thành tích xuất sắc ở các môn tự nhiên. Vượt qua kỳ thi tuyển sinh đại học đầy cạnh tranh, anh được nhận vào Đại học Thanh Hoa, trường đại học danh giá bậc nhất Trung Quốc với số điểm gần như tuyệt đối.
Đại học Thanh Hoa
Anh là thủ khoa khối tự nhiên của ngôi trường này khi mới 17 tuổi, trở thành niềm tự hào của gia đình và cả làng. Đó là bởi mỗi năm có hàng triệu thí sinh Trung Quốc tham gia Cao khảo nhưng chỉ 2% trong số đó vào được các trường đại học hàng đầu cả nước. Tỷ lệ trúng tuyển ở 2 ngôi trường danh giá nhất nhì là ĐH Thanh Hoa và ĐH Bắc Kinh càng thấp hơn, chỉ khoảng 0,05%.
Khi vào đại học, Trương Hiểu Dũng chọn ngành Khoa học và Công nghệ Sinh học, một ngành học nghe có vẻ đầy triển vọng và chuyên sâu. Thành tích học tập xuất sắc trong những năm tháng đại học khiến anh trở thành sinh viên xuất sắc, luôn đứng trong top 5 của chuyên ngành.
Sau khi tốt nghiệp, Trương Hiểu Dũng đứng trước nhiều sự lựa chọn. Các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp lớn đều đưa tay mời gọi anh. Tuy nhiên, anh đã từ chối tất cả những cơ hội này để chọn làm việc cho một công ty liên doanh nước ngoài về sản phẩm hóa chất. Mức thu nhập cao, cùng với chế độ phúc lợi hấp dẫn, khiến Trương Hiểu Dũng cảm thấy hài lòng. Anh nghĩ rằng nếu công việc có thể phù hợp với chuyên ngành và mang lại thu nhập cao, thì đó chính là sự lựa chọn hợp lý.
Tuy nhiên, những gì anh nhận được lại không như kỳ vọng. Công ty không có hệ thống nghiên cứu phát triển (R&D) mạnh mẽ tại Trung Quốc, công việc mà anh được giao không liên quan gì đến chuyên ngành của mình, đơn thuần chỉ là chăm sóc khách hàng.
Chân dung Trương Hiểu Dũng
Trải qua 5 năm, Trương Hiểu Dũng nhận ra rằng những lời hứa hẹn về cơ hội phát triển nghề nghiệp chỉ là hình thức, và công ty chỉ chú trọng đến hiệu quả kinh tế mà không quan tâm đến sự phát triển cá nhân của nhân viên. Dù đã gửi nhiều đơn xin chuyển công tác, anh vẫn không nhận được câu trả lời thỏa đáng. Sự thất vọng dần tích tụ, nhưng vì trách nhiệm với gia đình, anh không dám từ bỏ công việc.
Mọi thứ thay đổi khi bố anh mắc bệnh hiểm nghèo và cần sự chăm sóc đặc biệt. Trương Hiểu Dũng quyết định từ bỏ công việc ở Quảng Châu, quay về quê hương chăm sóc bố. Anh cảm thấy mình đã lãng phí 5 năm tuổi trẻ và không thể tiếp tục sống trong tình trạng bế tắc này.
Tại quê nhà, Trương Hiểu Dũng làm việc tại một công ty bất động sản trong 2 năm, nhưng công việc này cũng không mang lại triển vọng tương lai, thu nhập không ổn định. Ở địa phương không có nhiều công việc phù hợp, hơn nữa những công việc tương đối tốt lại không cho phép anh có thời gian chăm sóc gia đình. Cuối cùng, anh chọn làm nhân viên bảo vệ tại Chợ gốm sứ Mã Vương Đôi gần bệnh viện nơi cha anh điều trị.
Cuộc sống của Trương Hiểu Dũng cũng vì lựa chọn này mà rẽ hướng. Mặc dù công việc bảo vệ có thu nhập chỉ 2.000 nhân NDT (khoảng 7 triệu đồng), nhưng anh cảm thấy bằng lòng khi ở gần gia đình và có thể dành thời gian chăm sóc người thân.
Khi những người xung quanh biết về câu chuyện về thần đồng đỗ thủ khoa một thời nay lại đi làm bảo vệ, họ nhìn Trương Hiểu Dũng bằng ánh mắt tiếc nuối. Một số khác lại cảm thấy tiếc nuối, nếu Trương Hiểu Dũng chọn con đường nghiên cứu, có lẽ giờ này anh đã trở thành một giáo sư nổi tiếng.
Đối với Trương Hiểu Dũng, anh không hối hận vì đã ưu tiên chăm sóc cha mẹ, dù điều đó có nghĩa là từ bỏ ước mơ nghề nghiệp mà anh từng theo đuổi. Trong mắt Trương Hiểu Dũng, sự lựa chọn của anh dù có vẻ là "thiển cận" và không đem lại sự nghiệp thành đạt như mong muốn nhưng lại là một minh chứng cho lòng hiếu thảo và sự dũng cảm trong việc đối mặt với thực tế cuộc sống.
(Theo Toutiao)