Thần đồng đỗ đại học khi mới 11 tuổi đánh mất cả tương lai chỉ vì EQ kém, giờ lại sống cuộc đời khiến ai nhìn cũng lắc đầu

Trang Vũ, Theo Đời sống & Pháp luật 00:04 18/05/2025
Chia sẻ

Học giỏi đến mấy mà EQ kém cũng buồn.

Trí tuệ cảm xúc (EQ) là yếu tố quan trọng giúp con người không chỉ hiểu bản thân mà còn biết cách ứng xử, kết nối với mọi người xung quanh. Dù bạn có thông minh đến đâu, nếu thiếu đi EQ, thành công cũng rất khó bền vững. Câu chuyện của Tạ Ngạn Ba, một thần đồng đỗ đại học khi mới chỉ 11 tuổi chính là một minh chứng cho điều đó.

Sinh ra trong một gia đình trí thức ở Hồ Nam (Trung Quốc), cả cha lẫn mẹ đều là giáo sư đại học, nhưng vì công việc bận rộn, Tạ Ngạn Ba được gửi về quê sống với bà ngoại từ nhỏ. Khi trở lại thành phố là lúc 5 tuổi, ông đã thể hiện năng lực học tập phi thường: đọc sách là nhớ, giải toán vượt cấp độ từ lớp 2 đến trung học phổ thông. Đến năm lớp 5, khi bạn bè còn đang học phép nhân chia, Tạ Ngạn Ba đã làm quen với hình học giải tích và vi phân. Ở tuổi 11, ông trở thành sinh viên trẻ nhất lịch sử Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc (USTC), hoàn thành chương trình đại học chỉ trong ba năm và lấy bằng thạc sĩ khi mới 18 tuổi. Con đường sự nghiệp trải đầy hoa hồng, nhưng cũng chính từ đây, bi kịch bắt đầu.

Thần đồng đỗ đại học khi mới 11 tuổi đánh mất cả tương lai chỉ vì EQ kém, giờ lại sống cuộc đời khiến ai nhìn cũng lắc đầu- Ảnh 1.

Tương lai của thần đồng đỗ đại học khi mới 11 tuổi từng được nhiều người kỳ vọng.

Tạ Ngạn Ba dù có IQ vượt trội nhưng khả năng giao tiếp xã hội lại cực kỳ kém. Từ bé, ông đã không nói chuyện lưu loát và rất khó kết nối với người khác. Một tâm hồn chưa trưởng thành bị đẩy vào môi trường toàn những người lớn, nơi những mối quan hệ không còn đơn thuần như sách vở đã khiến ông lạc lối. Sau khi sang Mỹ học tiến sĩ, ban đầu Tạ Ngạn Ba được một nữ giáo sư người Hoa đỡ đầu, người yêu quý và nuông chiều ông như con ruột. Nhưng vì ngưỡng mộ giáo sư Anderson, ông quyết định rời bỏ người thầy của mình, mang bản thảo luận án nộp cho Anderson mà không một lời báo trước. Đó là một cú phản bội khiến người từng hết lòng với ông cảm thấy ê chề và tổn thương.

Đáng tiếc thay, Anderson đã từ chối. Lý do đưa ra là "Tiếng Anh của bạn quá tệ!", nhưng ẩn ý sâu xa là do luận điểm của Tạ Ngạn Ba đi ngược hoàn toàn với trường phái lý luận của Anderson. Không chấp nhận thất bại, ông cố gắng học tiếng Anh, lấy bằng thạc sĩ văn chương, viết lại luận án và tiếp tục gửi lên Anderson. Nhưng lại một lần nữa, ông tiếp tục bị từ chối, lần này với lý do "liên quan đến vấn đề trường học". Ngạn Ba không thể chịu đựng được việc bị bác bỏ. Từ nhỏ đến lớn, ông luôn là "cái rốn của vũ trụ", được khen ngợi, nuông chiều nên sự từ chối ấy như một cú tát trực diện vào cái tôi chưa từng bị tổn thương.

Trong một cơn bốc đồng, ông tìm đến nhà giáo sư Anderson lúc nửa đêm để tranh cãi. Khi Ngạn Ba đưa tay vào túi quần, gia đình Anderson hoảng sợ cực độ vì tưởng rằng ông chuẩn bị rút súng khiến vụ việc càng trở nên nghiêm trọng. Cuối cùng, USTC phải cử người sang đón ông về nước. Từ một thần đồng rực rỡ, Tạ Ngạn Ba trở thành một giảng viên vật lý bình thường, với tấm bằng thạc sĩ và khép lại cả chặng đường học thuật từng được kỳ vọng chạm đến đỉnh cao.

Thần đồng đỗ đại học khi mới 11 tuổi đánh mất cả tương lai chỉ vì EQ kém, giờ lại sống cuộc đời khiến ai nhìn cũng lắc đầu- Ảnh 2.

Học giỏi đến mấy mà EQ kém cũng khó lòng cứu vớt được tương lai của một thiên tài.

Dù sở hữu IQ tuyệt vời nhưng vấn đề lớn nhất của Tạ Ngạn Ba là sự thiếu thấu cảm, ông luôn cho rằng mình đúng, rằng người khác nên nhường ông, chấp nhận ông và không ai có quyền từ chối ông. Ngạn Ba từng không thấy xấu hổ khi bỏ rơi người hướng dẫn đã dìu dắt mình, nhưng lại không chấp nhận được việc bị thần tượng từ chối. Đó là một biểu hiện điển hình của một người EQ thấp: Không thể đặt mình vào vị trí người khác, không thể hiểu cảm xúc, kỳ vọng hay giới hạn của người đối diện.

Trong lớp học, nhiều sinh viên mô tả Tạ Ngạn Ba giống như sở hữu "nụ cười Mona Lisa", nửa như dịu dàng, nửa như xa cách, đôi khi lại khiến người khác cảm thấy rợn ngợp. Một số người nghĩ ông bị tâm thần, số khác thì cho rằng ông đang ngầm khinh thường học trò, như thể thấy tất cả đều ngốc nghếch.

Thần đồng đỗ đại học khi mới 11 tuổi đánh mất cả tương lai chỉ vì EQ kém, giờ lại sống cuộc đời khiến ai nhìn cũng lắc đầu- Ảnh 3.

Thần đồng đỗ đại học khi mới 11 tuổi có cuộc sống hiện tại gây tiếc nuối.

Cuộc sống hiện tại của Tạ Ngạn Ba khiến người ta không khỏi tiếc nuối. Một thiên tài hiếm có, lẽ ra đã có thể tiến xa hơn bất kỳ ai, lại thất bại chỉ vì thiếu kỹ năng sống, thiếu khả năng đồng cảm và thích nghi. Câu chuyện của Ngạn Ba cũng không phải là hiếm trong giới thần đồng. Rất nhiều trẻ em có IQ cao vượt trội, được tung hô, kỳ vọng và sống trong một thế giới nơi mọi người nể phục trí tuệ của mình. Nhưng khi trưởng thành, chính sự thiếu hụt về EQ lại trở thành lý do khiến họ không thể hòa nhập và phát triển bền vững.

Thông minh không đồng nghĩa với khôn ngoan. EQ thấp khiến thiên tài dễ hiểu lầm, dễ nổi nóng, không biết nhún nhường và đặc biệt là không biết "giữ người", một điều quan trọng trong mọi con đường sự nghiệp. Chính vì vậy, khi nuôi dưỡng tài năng, dù là của bản thân hay của con trẻ, chúng ta không nên chỉ tập trung vào việc học kiến thức thuần túy. Việc dạy cách sống, cách yêu thương, cách cảm thông và cách lắng nghe người khác mới là điều cần thiết để tạo nên một con người toàn diện. IQ có thể giúp bạn đi nhanh, nhưng chỉ có EQ mới quyết định bạn sẽ đi được bao xa và bền vững như thế nào trên hành trình đời mình.

Theo Sohu

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày