Tham vọng sống ở hành tinh khác của tỷ phú Amazon

Nguyễn Thanh Hải, Theo GD&TĐ 16:47 10/11/2018
Chia sẻ

Tại Blue Origin, nhà sáng lập Tập đoàn Amazon đang âm thầm chế tạo các loại tên lửa và lòng tràn trề hy vọng rằng một ngày gần nhất sẽ đưa toàn bộ người dân trên địa cầu đến sinh sống ở một hành tinh khác. Tỷ phú Jeff Bezos đã chuẩn bị được những gì cho đại tham vọng này?

BLUE ORIGIN

Ngày 17/7/2018 vừa qua, nhiệt độ hoang mạc tại Tây Texas đã vọt lên tới 100 độ C. Trái ngược với khí trời hầm hập như thiêu phía trên mặt đất, nhiệt độ trong tòa nhà trệt của tỷ phú Jeff Bezos lại mát mẻ dễ chịu vô cùng. Các công nhân của Amazon ở Âu châu đã làm việc rất năng nổ, và giá cổ phiếu của Amazon tăng lên vùn vụt đã đưa tài sản của Jeff Bezos vọt lên con số khủng khiếp: 150 tỷ USD, khiến ông chính thức trở thành người giàu nhất thế giới.

Tham vọng sống ở hành tinh khác của tỷ phú Amazon - Ảnh 1.

Cỗ xe bay đang được chế tạo tại nhà xưởng của Công ty Blue Origin ở Kent (Washington), nó sẽ được dùng để chở khách vào vũ trụ. Ảnh: Ian Allen

Tài sản quá khổng lồ khiến cho CEO Amazon nghĩ cách tiêu vơi bớt vài tỷ USD mỗi năm để theo đuổi giấc mơ thời thơ ấu của ông: Công ty Blue Origin. Tiền do Bezos kiếm được ở Amazon đã dùng để trang trải cho tòa nhà nơi ông ngồi, máy điều hòa nhiệt độ và tên lửa cao 18m nằm trong một nhà chứa gần đó, nó đang chờ để kéo vào bệ phóng và bắn vào tầng nhiệt; cũng như một khoản lớn tiền sẽ dùng để chi lương cho 1.500 công nhân làm việc cho Blue Origin (bao gồm 35 kỹ sư trong các căn phòng, và 10 kỹ sư khác luôn theo dõi các màn hình video tại trụ sở chính của Công ty Blue Origin ở Kent, Washington).

Cả nhóm người làm ngày làm đêm chuẩn bị cho ngày phóng tên lửa New Shepard. Bắt đầu vào năm tới 2019, Jeff Bezos sẽ sử dụng tên lửa New Shepard để đưa hành khách vào vũ trụ. Họ sẽ mặc đồ như trong bộ phim viễn tưởng Star Trek, tha hồ ngắm nhìn Trái đất từ cửa sổ của tên lửa. Dù không công bố giá, nhưng theo các nguồn tin thì mỗi đầu người bay lên vũ trụ sẽ có giá khoảng vài trăm ngàn USD, tỷ phú Bezos dự tính sẽ tăng tốc vài chuyến bay mỗi tuần.

Phần thứ hai trong kế hoạch của tỷ phú Bezos lại đang diễn ra tại một nhà máy khổng lồ ở Mũi Canaveral (tiểu bang Florida): Một siêu tên lửa cho hành trình lên quỹ đạo và xa hơn nữa. Jeff Bezos có khuynh hướng rất thận trọng khi nói tới các dự án kinh doanh của mình. Nguồn cảm hứng sống trong vũ trụ của Bezos đã đến từ các câu chuyện viễn tưởng của nhà văn Issac Asimov và nhà vật lý Gerald O’Neill. Ông O’Neill từng mô tả rằng trong tương lai, 90% nhân loại sẽ sống trong các trạm vũ trụ ở các quỹ đạo cách xa địa cầu. Khi đó Trái đất chỉ đơn giản là một vườn quốc gia.

So với tỷ phú Elon Musk, thì Bezos có vẻ là người kín tiếng hơn. Công ty Blue Origin ít được nhiều người biết tới so với Công ty SpaceX của Elon Musk (lượt theo dõi trên Twitter của SpaceX là 7 triệu, trong khi Blue Origin chỉ là 123.000; SpaceX đã phóng tên lửa Falcon 9 tới 60 lần thành công, và tuyển dụng hơn 6.000 người trong khi Blue Origin lại tiến hành chậm hơn). Ngoài ra các tỷ phú tham vọng khác như Richard Branson và Paul Allen cũng trao ngân sách cho các dự án mạo hiểm không gian của họ.

ĐAM MÊ VŨ TRỤ CHÁY BỎNG

Bước 1 đối với tỷ phú Bezos là chứng minh rằng tên lửa New Shepard sẽ không giết chết các hành khách, và có thể xử lý các trường hợp khẩn cấp ngoài không gian. Tỷ phú Bezos tin rằng, việc đưa những cá nhân không phải là phi hành gia vào vũ trụ có thể giúp nhân loại tiến gần hơn đến giấc mơ sống ngoài Trái đất, như các căn cứ trên Mặt trăng và các khu sống trong quỹ đạo. Jeff Bezos nhớ hồi 5 tuổi đã coi phim tài liệu về cảnh tàu Apollo 11 đáp lên Mặt trăng trong những thước phim đen trắng. Sự kiện đó đã đeo đuổi cả đời Bezos.

Tuổi thơ ông đã sống ở Houston và học trung học ở Florida. Bezos đọc ngốn ngấu những tác phẩm viết về vũ trụ của các nhà văn nổi tiếng như Robert Heinlein. Tại Trường THPT Palmetto ở Miami, học sinh Bezos đã hùng hồn tuyên bố với cô giáo Deana Ruel rằng: "Một ngày nào đó, em sẽ có một công viên Giải trí đầu tiên trên Mặt trăng".

Bezos từng có lần phát biểu với nhà vật lý Gerald O’Neillian rằng: "Trái đất là hữu hạn, và khi mà kinh tế và dân số thế giới ngày càng phình to, thì không gian để lối để đi". Đầu năm 2003, Jeff Bezos bắt đầu bỏ tiền ra thuê một đội ngũ các kỹ sư hàng không không gian giàu kinh nghiệm gồm những người mà trước đó đã làm việc cho một dự án do chính phủ Mỹ đài thọ có tên là DC-X.

Trong suốt 3 năm nghiên cứu, tỷ phú Bezos đi đến kết luận rằng: "Tên lửa không những là một giải pháp tốt cho việc bay khỏi Trái đất, mà còn hướng đến mục đích tái sử dụng hiệu quả". Có một nguyên tắc cốt lõi và gần như là một điều răn tại Công ty Blue Origin: "Tên lửa có đôi chân! Chúng nên hạ cánh!".

CHUẨN BỊ CHO DU LỊCH VŨ TRỤ

Tham vọng sống ở hành tinh khác của tỷ phú Amazon - Ảnh 2.

Tỷ phú Jeff Bezos khoe cỗ xe bay gắn với tên lửa New Shepard ở Texas. Ảnh: Ian Allen

Trung tâm tên lửa New Shepard của tỷ phú Bezos là một tòa nhà to lớn. Khoang chính của tên lửa có thể chứa được 6 hành khách ngồi thật thoải mái trên các hàng ghế. Nếu mọi thứ diễn ra suôn sẻ thì đâu đó vào lúc 3 giờ sáng, các nhân viên của Blue Origin sẽ đẩy tên lửa lên xe móc và lái đến bệ phóng ở cách đó khoảng 2 dặm.

Thứ mà du khách quan tâm là một khi tên lửa bay ra khỏi bầu khí quyển thì cỗ xe bay có thể tự đẩy ra khỏi bộ tăng cường phát nổ hay không? Họ cần chắn ăn rằng sẽ không bị uổng mạng trong một hành trình vũ trụ như thế. Bezos chắc nịch rằng, Blue Origin sẽ đưa nhân loại vào vũ trụ vào nửa đầu năm 2019, kế đó nó sẽ khởi động hoạt động du lịch dưới quỹ đạo có lẽ là đến hết năm 2019. Bezos đoán rằng hành khách của ông sẽ chỉ cần đến 1 ngày đào tạo.

Ông cũng dự đoán rằng hành khách sẽ phải ký một loại giấy khước từ (theo yêu cầu của Cục Hàng không Liên bang Mỹ). 6 cái ghế màu đen sẽ được xếp hình tròn, mỗi ghế nhìn ra ngoài khoảng không vũ trụ thông qua một ô cửa sổ khổng lồ. Một màn hình máy tính sẽ cho thấy các giai đoạn cất cánh, lực đẩy và việc tách buồng khách cùng những sự kiện khác.

Khi xe bay đi vào vũ trụ, hành khách sẽ có 4 phút để mở khóa và lơ lửng bên trong khoang. Sau đó sẽ vang lên một giọng nói tự động nhằm hướng dẫn hành khách quay lại chỗ ngồi. Ông Bezos xác nhận: "Không có tiếp viên nào đi theo hành khách cả. Cỗ xe bay chở họ hoàn toàn tự động". Toàn bộ chuyến bay sẽ kéo dài trong vòng 11 phút. Tỷ phú Bezos nhấn mạnh rằng, ngành du lịch là một nguồn sinh lợi, và các chuyến bay vào vũ trụ sẽ diễn ra như những chuyến bay hàng ngày.

TẦM NHÌN CHO TƯƠNG LAI CỦA NHÂN LOẠI

Tỷ phú Bezos nói rằng, ông rất hâm mộ vợ chồng ông bà Bill và Melinda Gates về cách họ đang giúp ích cho nhân loại, và ông cũng đang cân nhắc cho đi nửa số tài sản của mình để dùng cho các hoạt động từ thiện, ông chưa đặt bút ký kết.

Vào đầu tháng 10 này, Tập đoàn Amazon loan tin rằng, họ sẽ tăng lương cho nhân viên với mức 15 USD/giờ. Bất chấp những lời ra ý vào, tỷ phú Bezos tuyên bố rằng: "Tôi chỉ đang xây dựng cơ sở hạ tầng để đến một thời điểm nào đó, người ta nhận ra rằng họ cần đến nó". Theo ông trùm Amazon thì nhân loại cần bước ra vũ trụ để khai thác điện mặt trời tốt hơn.

Bên cạnh đó, Công ty Blue Origin cũng đang thiết kế một loại máy bay hạ cánh Mặt trăng gọi là Blue Moon, nó sẽ chở một khối lượng nặng tới 10.000 pound (tương đương 2 xe tải chở hàng Ford 150) có lẽ là vào năm 2023. "Mặt trăng là nơi cần thiết để xây dựng các thuộc địa vũ trụ như cách mô tả của nhà vật lý Gerald O’Neill. Ý tôi là, trên các thuộc địa Mặt trăng cũng sẽ có các trang trại, sông suối, có các trường đại học. Mỗi thuộc địa như vậy sẽ có lượng dân số vào khoảng 1 triệu người phân bổ trong các thành phố. Cá nhân tôi sẽ vừa sống trên Mặt trăng, vừa sống ở Trái đất".

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày