“Mức độ tàn phá tại Myanmar có thể nói nặng nề chưa từng thấy trong hơn một thế kỷ ở châu Á” , Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ Quốc tế (IFRC) viết trong một bài đăng trên mạng xã hội X.
“ Đây không chỉ là một thảm họa, nó là một cuộc khủng hoảng nhân đạo mang tính phức tạp ”, Alexander Matheou, Giám đốc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của IFRC, cho biết.
“ Mức độ nghiêm trọng của thảm họa này rất lớn, nhu cầu hỗ trợ rất cấp bách và cần thiết ”, ông nói thêm. IFRC phát động chiến dịch cứu trợ khẩn cấp với mục tiêu huy động 100 triệu CHF (tương đương 2,8 tỷ đồng) nhằm hỗ trợ những người gặp nạn tại Myanmar.
Hiện trường động đất tại Myanmar (Ảnh: Reuters)
Hội Chữ thập đỏ Myanmar (MRCS) huy động hàng trăm tình nguyện viên được đào tạo để sơ cứu, chăm sóc sức khỏe, cũng như phân phát vật dụng thiết yếu như chăn màn, đồ vệ sinh cá nhân cho người bị nạn.
Tuy nhiên, Liên hợp quốc cho biết đội ngũ của cơ quan này gặp khó khăn trong công tác cứu trợ do bị cản trở bởi các con đường bị hư hại nặng nề. Các bệnh viện ở miền Trung và Tây Bắc Myanmar gặp khó khăn trong việc tiếp nhận, chữa trị lượng lớn bệnh nhân.
Tại một số khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất của Myanmar, cư dân cho biết họ nhận được rất ít hỗ trợ từ chính phủ, khiến cuộc sống càng khổ sở. Chính quyền quân sự Myanmar lần hiếm hoi kêu gọi viện trợ quốc tế. Trung Quốc và Ấn Độ là những quốc gia đầu tiên gửi hàng cứu trợ đến Myanmar.
Sáng 30/3, theo đề nghị của Malaysia, nước Chủ tịch ASEAN 2025, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã có cuộc họp khẩn theo hình thức trực tuyến để bàn về công tác khắc phục hậu quả trận động đất xảy ra ngày 28/3 tại Myanmar và Thái Lan.
Theo báo cáo tại hội nghị, tính đến sáng nay, tại Myanmar đã có 1.644 người thiệt mạng, hàng trăm tòa nhà, cơ sở hạ tầng bị đổ sập hoặc hư hại nghiêm trọng, trong đó có nhiều bệnh viện, công trình hạ tầng, tòa nhà văn phòng…
Các chuyên gia địa chất cho hay trận động đất bắt nguồn từ đường đứt gãy Sagaing kéo dài từ bắc xuống nam Myanmar, gây ra các chuyển động ngang trên mặt đất. Đây là khu vực thường xuyên xảy ra động đất ở Myanmar, với 6 trận động đất mạnh 7 độ trở lên được ghi nhận trong giai đoạn 1930-1956.
Bị ảnh hưởng nặng nề sau cuộc nội chiến kéo dài 4 năm, cơ sở hạ tầng của Myanmar đã không được chuẩn bị để đối phó với trận động đất mạnh như vậy, theo giới quan sát. Cơ sở hạ tầng xuống cấp, quy hoạch đô thị kém cũng khiến các khu vực đông dân nhất ở đất nước này dễ bị ảnh hưởng trước động đất và thảm họa khác.