Theo Sohu, vào tối ngày 11/2/2022, anh Duân dự tiệc của một người bạn tại nhà hàng ở Thạch Gia Trang, Trung Quốc. Sau khi sử dụng đồ uống có cồn trong bữa tiệc, anh biết mình không thể lái xe trở về nhà. Thay vì để xe tại cửa hàng và gọi người đến đón, người đàn ông này quyết định nằm ngủ luôn trong ô tô. Để thoải mái, anh khởi động xe, bật điều hòa rồi ngủ thiếp đi trên ghế lái.
Ảnh minh họa
Do đỗ xe bên lề đường quá lâu, cảnh sát giao thông khu vực đã có mặt để kiểm tra. Sau khi đánh thức chủ xe và yêu cầu hạ cửa sổ ô tô, cảnh sát ngửi thấy mùi cồn bên trong. Lập tức, người này yêu cầu, anh Duân xuống xe để kiểm tra nồng độ cồn. Kết quả cho thấy nồng độ cồn trong máu của anh cao hơn nhiều so với tiêu chuẩn.
Không chần chừ, cảnh sát tiến hành lập biên bản xử lý anh Duân về hành vi điều khiển phương tiện giao thông khi nồng độ cồn vượt ngưỡng. Theo đó, chủ phương tiện bị thu hồi giấy phép lái xe và phải nộp phạt theo yêu cầu.
Tuy nhiên, anh Duân không đồng ý với nội dung biên bản cảnh sát lập ra. “Ở thời điểm cảnh sát kiểm tra, tôi không điều khiển phương tiện, chỉ đang nằm ngủ trong xe. Tôi không vi phạm trong trường hợp này”, người đàn ông này đưa ra ý kiến.
Không chấp nhận lời giải thích trên, cảnh sát khẳng định anh Duân cần làm theo yêu cầu. Anh bị thu hồi giấy phép lái xe, nộp phạt 5.000 NDT (khoảng 17 triệu đồng) theo yêu cầu và bị giữ xe trong 15 ngày.
Tòa án phán quyết thế nào?
Yêu cầu xử phạt trên không thuyết phục được anh Duân. Anh quyết định đưa vụ việc này ra tòa án thành phố Thạch Gia Trang, Trung Quốc.
Tại phiên tòa, 2 bên đã có cuộc tranh luận vô cùng gay gắt. Luật sư của anh Duân cho rằng: “Thân chủ của tôi chỉ ngủ trong xe sau khi đã sử dụng đồ uống có cồn. Anh ấy hoàn toàn không lái xe. Theo Luật An toàn giao thông đường bộ Trung Quốc, lái xe có nồng độ cồn phải đáp ứng 2 điều kiện là nồng độ cồn vượt ngưỡng cho phép và đang điều khiển phương tiện giao thông trên đường. Rõ ràng, cảnh sát giao thông thiếu cơ sở pháp lý khi yêu cầu thân chủ chúng tôi phải nộp phạt trong trường hợp này. Vì anh ấy đang ngủ trong xe chứ không lái xe trên đường”.
Không chấp nhận lập luận trên, cảnh sát giao thông cho rằng anh Duân đã khởi động động cơ và có khả năng điều khiển phương tiện.
Giáo sư Tôn Hải Ba, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Luật giao thông của 1 trường ĐH tại Trung Quốc cho biết: “Vụ việc này có liên quan đến định nghĩa về hành vi lái xe. Hiện tại, luật pháp của Trung Quốc chưa có quy định rõ ràng nên dẫn đến tranh chấp trong thực tiễn thi hành luật”.
Tuy nhiên, sau thời gian xem xét vụ việc, tòa án sơ thẩm đã đưa ra phán quyết cuối cùng. Theo đó, tòa án yêu cầu cảnh sát giao thông cần phải hủy yêu cầu xử phạt với anh Duân. Thẩm phán cho rằng người đàn ông này đã lên xe sau khi sử dụng đồ uống có cồn. Tuy nhiên, cảnh sát giao thông không cung cấp được bằng chứng chứng minh anh này điều khiển xe trong tình trạng không tỉnh táo.
Ảnh minh họa
Không đồng tình với phán quyết này, phòng cảnh sát giao thông đã làm đơn kháng cáo. Đầu năm 2023, tòa án cấp cao hơn đưa ra phán quyết cuối cùng, giữ nguyên bản án ban đầu. Một lần nữa tòa án nhận mạnh rằng chỉ riêng việc nổ máy và anh Duân ngồi trong xe không đủ cơ sở để xác định rằng anh ta lái xe trong tình trạng không tỉnh táo.
Thông qua vụ việc trên, thẩm phán xét xử vẫn nhắc nhở lại nguyên tắc quan trọng: Không lái xe sau khi đã sử dụng đồ uống cồn. Mọi người đều là người tham gia và duy trì an toàn giao thông. Chúng ta cần nhắc nhở nhau và cùng chung tay tạo nên môi trường giao thông an toàn.
(Theo Sohu)