Ngày 2/6 vừa qua, tại Ấn Độ đã xảy ra một vụ tai nạn có thể xem là bi kịch ngành đường sắt nước này. Cụ thể, một đoàn tàu chở khách đã đâm vào một đoàn tàu chở hàng, khiến 10 đến 12 toa tàu bị trật bánh và đổ ngã xuống đường ray bên cạnh. Một lát sau, một đoàn tàu chờ khách khác nữa đi vào đường ray này theo hướng ngược lại và đã va chạm với các toa lật đổ rồi cũng trật bánh.
Theo các quan chức đường sắt, hơn 2.200 hành khách đã ở trên các chuyến tàu chở khách và ít nhất 23 toa đã bị trật bánh trong thảm họa. Lực va chạm khiến những toa tàu bị biến dạng nghiêm trọng đến mức lực lượng cứu hộ phải dùng thiết bị cắt xẻ để tiếp cận nạn nhân.
Hãng tin Reuters dẫn lời giới chức nước này cho biết đã có ít nhất 288 người thiệt mạng, hơn 900 người khác bị thương trong vụ tai nạn này và nó được đánh giá là thảm họa tồi tệ nhất ở Ấn Độ trong hơn 2 thập kỷ.
Vụ tai nạn đường sắt xảy ra ngày 2/6 tại Ấn Độ có thể xem là bi kịch ngành đường sắt nước này (Ảnh Reuters)
Trên thực tế, những vụ tai nạn đường sắt diễn ra trên thế giới không phải điều hiếm gặp. Cách đây hơn 10 năm, vào năm 2012, ở Argentina cũng có một vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng khiến nước này phải để quốc tang 2 ngày. Vụ việc diễn ra khi một đoàn tàu gặp vấn đề về hệ thống phanh và đâm rào chắn tại nhà ga ở thủ đô Buenos Aires, khiến 51 người thiệt mạng và gần 800 người bị thương.
CNN đưa tin, sáng thứ 4, ngày 22 tháng 2 năm 2012, tại nhà ga Once, thuộc khu phố Balvanera của Buenos Aires đã xảy ra vụ tai nạn tàu hỏa nghiêm trọng. Khi đó, một đoàn tàu 8 toa đang tiến vào nhà ga, tuy nhiên, hệ thống phanh đã gặp vấn đề và không hoặc động.
CCTV từ nhà ga ghi lại hình ảnh một cú va chạm mạnh diễn ra tại thanh chắn vùng đệm nhà ga. Khói và lửa bắt đầu bốc mù mịt. Bởi là giờ cao điểm vào buổi sáng, nên ước tính tại thời điểm đó, trên tàu có hơn 1.000 hành khách có mặt trên tàu.
Hình ảnh trong CCTV về vụ tai nạn tại nhà ga ở thủ đô Buenos Aires ngày 22 tháng 2 năm 2012. (Ảnh On Demand News)
Sau khi vụ việc xảy ra, đội ngũ cứu hộ đã có mặt ngay sau đó. Họ đã phải cạy cửa sổ của các toa tàu bị xoắn lại để tiếp cận những hành khách bị mắc kẹt, đồng thời sử dụng máy bay trực thăng để đưa những nạn nhân nguy kịch tới bệnh viện nhanh nhất có thể.
Những hành khách may mắn thoát nạn nói với các phóng viên rằng, vụ va chạm giống như một vụ nổ bom. Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Argetina thì nhận xét: "Tôi chưa bao giờ thấy điều gì như thế này trong đời".
Hãng thông tấn quốc gia Telam miêu tả, vào buổi sáng xảy ra vụ tai nạn, các bệnh viên địa phương tràn ngập người nhà của các nạn nhân. Ngay tại nhà ga thì vang vọng tiếng kêu cứu, tiếng còi báo động và tiếng khóc tuyệt vọng. Trên các kênh thông tin, những bản tin về nạn nhân chưa tìm được người thân được phát đi khắp nơi.
Công tác cứu hộ ngay sau khi vụ tai nạn diễn ra (Ảnh The Guardian)
Theo giới chức trách, nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn thảm khốc này có thể là do hệ thống phanh của đoàn tàu gặp vấn đề. Schiavi, người lái tàu đoàn tàu định mệnh hôm đó chia sẻ: "Chúng tôi không biết chuyện gì đã xảy ra trong 40 mét cuối cùng trước khi đoàn tàu gặp phải tai nạn".
Có nhiều thông tin khác nhau xung quanh số lượng nạn nhân thương vong trong vụ tai nạn sáng thứ 4 hôm ấy. Trong khi Telam đưa tin rằng có khoảng gần 676 người, bị thương 51 người tử vong, thì con số người bị thương theo Buenos Aires Times là gần 800 người. Trong số những nạn nhân có nhiều phụ nữ mang thai. Dựa trên số nạn nhân, vụ tai nạn được đánh giá là 1 trong 3 vụ tai nạn nghiêm trọng nhất trong lịch sử Argentina.
Hình ảnh miêu tả lại vụ việc (Ảnh nationalpost.com)
Một ngày sau khi vụ việc xảy ra, Tổng thống Argentina vào thời điểm đó - ngài Cristina Fernandez de Kirchner tuyên bố chính phủ và người dân nước này sẽ để tang trong 2 ngày để thể hiện tình đoàn kết và chia sẻ nỗi đau với gia đình các nạn nhân. Các lễ tưởng niệm cũng sẽ được tổ chức bên ngoài Tòa nhà chính phủ Argentina và Olivos, Dinh Tổng thống.
Sau đó chỉ khoảng 1 năm, một vụ tai nạn đường sắt khá tương tự tiếp tục xảy ra ở Buenos Aires, khiến 3 người tử vong và hơn 300 người bị thương. Lần này, nguyên nhân được xác định là đoàn tàu đã chạy quá tốc độ. Nó gặp tai nạn trên cùng một tuyến, với đoàn tàu tàu đã gặp nạn vào năm 2012.
Sau nhiều vụ tai nạn đường sắt liên tiếp dẫn tới hậu quả nghiêm trọng, chính phủ Argentina bắt buộc phải vào cuộc gay gắt hơn trong công cuộc quản lý và kiểm tra chất lượng của những con tàu đã hoạt động nhiều tắm.