Các phương pháp chữa cháy bằng trực thăng.
Loạt cháy rừng bùng phát ngày 7/1 ở phía bắc trung tâm thành phố Los Angeles thiêu rụi hơn 12.000 công trình cùng nhiều phương tiện. Theo ước tính sơ bộ của trang AccuWeather, thiệt hại và tổn thất kinh tế do cháy rừng gây ra là 135 - 150 tỷ USD.
Thảm họa cháy rừng lần này làm lộ rõ nhiều góc khuất trong công tác quản lý và ứng phó đối với hoạt động phòng cháy, chữa cháy của chính quyền bang California cũng như Sở Cảnh sát Los Angeles.
Người dân bất mãn
Tính đến ngày 13/1, nhiều đám cháy vẫn tiếp tục tàn phá Los Angeles, cướp đi mạng sống ít nhất 24 người. Theo chính quyền địa phương, những cơn gió mạnh với tốc độ lên đến 160 km/h cùng tình trạng hạn hán kéo dài trong những tháng gần đây là nguyên nhân chính dẫn đến vụ cháy.
Dù Lực lượng Vệ binh quốc gia Mỹ được tăng cường đến những khu vực xảy ra hỏa hoạn, nhưng đối với người dân, số lượng binh sĩ vào lúc này là quá ít ỏi và muộn màng.
" Thành phố hoàn toàn bỏ rơi chúng tôi. Đáng lý phải có những biện pháp phòng ngừa từ trước để ngăn chặn thảm họa này. Chúng tôi đã mất hết mọi thứ và tôi cảm thấy không nhận được sự hỗ trợ nào từ thành phố, từ vị thị trưởng đến thống đốc bang", cô Nicole Perri, người dân sinh sống ở Los Angeles bức xúc.
Tại nhiều khu vực khác thuộc quận Los Angeles, người dân cũng bất mãn trước phản ứng của chính quyền địa phương.
"Chúng tôi không thấy lính cứu hỏa nào vào đêm 7/1, khi mọi người phải tự múc từng xô nước, cố cứu nhà cửa khỏi ngọn lửa. Dường như họ quá bận rộn bảo vệ tài sản của giới nhà giàu và người nổi tiếng ở Palisades. Còn chúng tôi, những người dân bình thường, bị bỏ mặc cho lửa thiêu rụi tài sản" , cô Nicholas Norman, sống ở khu dân cư Altadena kể lại.
Tình cảnh tại khu Pacific Palisades cũng không khác biệt nhiều. Đây là nơi đầu tiên bùng phát cháy rừng nghiêm trọng trong tuần qua, nhiều người dân địa phương có chung cảm giác bất bình trước cách phản ứng của chính quyền Los Angeles.
"Giới chức thành phố khiến chúng tôi thất vọng toàn diện", cô Nicole Perri, nhà thiết kế 32 tuổi, cho hay. Cô Nicole Perri cũng thể hiện phẫn nộ khi đề cập những trụ cứu hỏa cạn nước hoặc mất áp lực nước khi lính cứu hỏa chiến đấu với ngọn lửa.
Trong khi đó, Thị trưởng Los Angeles Karen Bass bị chỉ trích gay gắt vì bà đang có chuyến thăm tới quốc gia Ghana tại châu Phi khi vụ cháy xảy ra.
Bà Karen Bass cho biết giới chức địa phương "sẽ đưa ra đánh giá về sai lầm của cơ quan, bộ phận hoặc cá nhân liên quan " sau khi tình hình được kiểm soát.
Lính cứu hỏa bất lực vì cạn nước chữa cháy
Đám cháy trên những ngọn đồi tại khu Pacific Palisades ở Los Angeles ngay từ đầu được mọi người xem như "con quái vật" khổng lồ, bao trùm diện tích bằng 150 sân bóng đá trong vòng nửa giờ và tiếp tục lan ra khu vực rộng hơn cả Manhattan 24 giờ sau đó.
Lực lượng cứu hỏa phải mất hàng giờ để ngăn chặn các đám cháy, nhưng không lâu sau nửa đêm, vòi cứu hỏa bắt đầu rơi vào tình trạng cạn kiệt nước.
"Hoàn toàn khô cạn, không thể lấy được chút nước nào nữa” , Đại úy Easton, một thành viên của đội tuần tra lưu động gồm những lính cứu hỏa đang cố gắng bảo vệ khu phố Palisades Highlands cho biết.
Đến chiều 8/1 (theo giờ địa phương), nhiều giờ sau khi các vòi cứu hỏa khô cạn vẫn không có nước. Những ngôi nhà ở Highlands bị thiêu rụi, trở thành một phần trong hơn 5.000 công trình bị phá hủy bởi đám cháy Palisades cho đến nay.
Cựu tổng giám đốc kiêm kỹ sư trưởng của Sở Nước và Điện Los Angeles, đơn vị chịu trách nhiệm cung cấp nước cho gần bốn triệu cư dân Los Angeles, ông Marty Adams thông tin thêm: "Chúng ta đang rơi vào một tình huống hoàn toàn không nằm trong bất kỳ thiết kế hệ thống nước sinh hoạt nào".
Quan chức địa phương giải thích rằng bể chứa nước dành cho những khu vực có độ cao lớn như Highlands và hệ thống bơm cung cấp nước không thể theo kịp nhu cầu khi đám cháy lan nhanh từ khu dân cư này sang khu khác. Một phần là do những người thiết kế hệ thống này không tính đến tốc độ kinh hoàng nhiều đám cháy lan rộng khắp khu vực Los Angeles trong tuần này.
Các hệ thống nước đô thị như hệ thống ở Los Angeles được thiết kế để xử lý nhu cầu lớn, bao gồm cả nhu cầu từ các đám cháy lớn có thể đòi hỏi nhiều xe cứu hỏa cùng một lúc khai thác hệ thống. Nhưng việc đưa nước đến các vùng thượng lưu của các cộng đồng trên sườn đồi như Pacific Palisades vẫn có thể là một thách thức.
Ở đó, nước được thu thập trong một hồ chứa bơm vào ba bể chứa ở độ cao lớn, mỗi bể có sức chứa khoảng một triệu gallon. Sau đó, nước chảy theo trọng lực vào các ngôi nhà và vòi cứu hỏa. Tuy nhiên, hệ thống bơm và lưu trữ được thiết kế cho một đám cháy thiêu rụi vài chục ngôi nhà, chứ không phải đám cháy thiêu rụi hàng trăm ngôi nhà như thảm họa hiện tại.
Trước đó, các bể chứa nước trên Pacific Palisades và nhiều cộng đồng sườn đồi khác bị ảnh hưởng bởi đám cháy từng được đổ đầy. Nhưng khi đám cháy Palisades lan rộng hôm 7/1, bể chứa đầu tiên ở đó nhanh chóng cạn kiệt. Vài giờ sau, bể chứa thứ hai cũng cạn và bể chứa thứ ba cạn vào sáng 8/1.
Đến tối 9/1, Giám đốc Sở Cứu hỏa Los Angeles Kristin M. Crowley cho biết lính cứu hỏa ngừng sử dụng vòi cứu hỏa hoàn toàn.
Cắt giảm ngân sách phòng cháy, chữa cháy
Theo bản phân tích về ngân sách năm tài chính 2024 - 2025 của bang California do Văn phòng Nhà phân tích lập pháp bang thực hiện, Thống đốc bang California Gavin Newsom đã cắt giảm 101 triệu USD tiền tài trợ cho 7 chương trình chống cháy rừng và phục hồi rừng. Hành động này diễn ra chỉ vài tháng trước khi các vụ cháy rừng tàn phá Los Angeles bùng phát.
Trong khi đó, đánh giá về ngân sách hàng năm của tiểu bang dưới thời ông Gavin Newsom lại cho thấy khoản chi tiêu dành cho phòng cháy chữa cháy tăng đáng kể. Tổng số tiền đưa vào ngân sách bảo vệ cháy rừng tiêu chuẩn của Cal Fire tăng vọt từ khoảng 1,1 tỉ USD vào năm 2014 lên 3 tỉ USD vào năm 2023.
Phát biểu với Newsweek , người phát ngôn của Thống đốc bang California nhấn mạnh dưới sự lãnh đạo của ông Gavin Newsom, ngân sách Cal Fire tăng gấp đôi từ 2 tỷ USD vào năm 2018 - 2019 lên 3,8 tỷ USD vào năm 2024 - 2025, trong khi nhân sự của sở tăng từ 5.829 lên 10.741 trong cùng kỳ.
Văn phòng của Thống đốc bang California cũng gọi những báo cáo về việc cắt giảm ngân sách phòng cháy chữa cháy là "lời nói dối lố bịch".
" Thống đốc đã tăng gấp đôi quy mô quân đội chữa cháy, xây dựng đội chữa cháy trên không lớn nhất thế giới và tiểu bang cũng tăng cường quản lý rừng gấp 10 lần kể từ khi ông Gavin Newsom nhậm chức", người phát ngôn Thống đốc bang California Izzy Gardon tuyên bố.
Chưa dừng lại, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump từng tố Thống đốc Gavin Newsom từ chối ký bản tuyên bố khôi phục nguồn nước, cho phép hàng triệu gallon nước từ lượng mưa và tuyết tan chảy quá mức từ phía Bắc, chảy hàng ngày vào nhiều khu vực của California, bao gồm cả những khu vực đang bị cháy như tận thế.
Tuy nhiên, ông Izzy Gardon lên tiếng bác bỏ cáo buộc này và cho rằng không có văn bản nào như tuyên bố khôi phục nguồn nước.