Thái Lan ngày 15/2 đã trục xuất 10 công dân Trung Quốc liên quan đến vụ bắt cóc nam diễn viên nổi tiếng Vương Tinh, người được giải cứu khỏi một trung tâm lừa đảo trực tuyến ở Myanmar hồi tháng trước.
Nhóm người này bị đưa lên máy bay rời khỏi Bangkok về Trung Quốc để cảnh sát nước này thực hiện các thủ tục truy tố.
Cảnh sát Thái Lan cho biết 10 nghi phạm "đã tham gia vào nhiều vai trò khác nhau trong vụ lừa đảo", như: quản lý, nhân viên bảo vệ và nhân viên tổng đài...
Nam diễn viên Vương Tinh bị bắt cóc tại biên giới Thái Lan - Myanmar. (Ảnh: Sohu)
Trước đó, Vương Tinh, 22 tuổi, được báo cáo mất tích ở tỉnh Tak, miền Bắc Thái Lan giáp với Myanmar. Vương Tinh tiết lộ sau khi từ Trung Quốc sang Thái Lan theo lời mời đóng phim, anh được hướng dẫn thuê xe và đi một mình đến biên giới Maesot.
Khi đến nơi, anh được một người lạ mặt đón và đưa đến một tòa nhà, bên trong còn có hơn 50 người Trung Quốc khác. Tại đây, nam diễn viên bị cạo đầu rồi bị ép học đánh máy tính. Sau đó, anh bị đưa sang Myanmar bằng thuyền.
Sau nhiều ngày, Vương Tinh may mắn được lực lượng chức năng tìm thấy an toàn ở Myanmar.
Các nạn nhân lên thuyền để được hồi hương từ Kyauk Khet ở Myawaddy, bang Kayin, Myanmarm ngày 12/2 (Ảnh: AFP)
Các tổ chức tội phạm đã mọc lên như nấm ở vùng biên giới Myanmar và được điều hành bởi những người nước ngoài, thường xuyên thực hiện các vụ lừa đảo đồng hương của họ với số tiền mà các nhà phân tích trong ngành cho biết là lên đến hàng tỷ USD.
Những nghi phạm mới bị trục xuất là một phần của một băng nhóm hoạt động ở Myawaddy, Myanmar và bị cáo buộc có liên quan đến việc lừa đảo nhiều công dân Trung Quốc, bao gồm cả Vương Tinh, theo một tuyên bố của cảnh sát Thái Lan ngày 14/2.
Cảnh sát Thái Lan cam kết sẽ tăng cường điều tra tài sản và hợp tác với cơ quan chống rửa tiền của nước này để chống lại các vụ lừa đảo qua tổng đài.
Trong nỗ lực trấn áp các hoạt động bất hợp pháp, giới chức Myanmar và Thái Lan đã tiến hành hàng loạt cuộc đột kích vào những trung tâm lừa đảo, sau đó cho hồi hương các lao động nước ngoài đang bị bắt ép làm việc tại đây.
Địa bản hoạt động của các nhóm tội phạm lừa đảo và buôn người khét tiếng tại thị trấn Myawaddy, Myanmar (Ảnh: DW)
Mới đây, hơn 250 người đã được giải cứu khỏi các trung tâm lừa đảo trực tuyến dọc biên giới Thái Lan - Myanmar và được bàn giao cho giới chức Thái Lan.
Tuần trước, Chính phủ Thái Lan đã cắt nguồn điện, xăng dầu và Internet đến 5 điểm sát biên giới với của Myanmar, trong nỗ lực triệt phá các trung tâm lừa đảo trực tuyến tại khu vực này.
Lực lượng Quân đội Phật giáo Dân chủ Karen (DKBA) tại Myanmar cũng đưa ra hai tuyên bố vào ngày 9/2, nhấn mạnh, các băng đảng Trung Quốc phải rời khỏi mọi khu vực dưới sự kiểm soát của nhóm phiến quân vào cuối tháng này.
Theo Liên hợp quốc, hàng trăm nghìn người đã bị các băng nhóm tội phạm buôn bán, ép buộc và tham gia những hoạt động lừa đảo trực tuyến bất hợp pháp trên khắp Đông Nam Á, trục lợi hàng tỉ USD mỗi năm.
Mong muốn thu hút hơn nữa đầu tư và du lịch từ Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh nguy cơ bị Mỹ áp thuế với hàng hóa xuất khẩu, Thái Lan đang nỗ lực tăng cường các biện pháp ngăn ngừa các hành vi lừa đảo viễn thông, rửa tiền, buôn bán ma túy và buôn người tại khu vực biên giới giáp với các nước láng giềng, qua đó nâng cao hình ảnh về một điểm đến an toàn, chất lượng.