Tết Nguyên Đán đang đến gần, lại đến lúc đưa con đi thăm họ hàng, bạn bè và tham gia các buổi họp mặt. Ở đâu có trẻ con, ở đó không khí luôn sôi động và náo nhiệt.
Họ hàng ngồi quây quần, có người trò chuyện xã giao, có người khen ngợi trẻ, cũng có những người so sánh và vô tình làm tổn thương nhau. Lại có những người thích trêu đùa trẻ em để làm vui cho không khí...
Nhiều người nghĩ rằng, trong dịp Tết việc trêu chọc trẻ con là chuyện bình thường để tạo không khí vui vẻ. Nhưng đối với trẻ, một số lời nói đùa của người lớn thực sự có thể làm tổn thương lòng tự trọng và sự tự tin của chúng. Thậm chí, có lúc cha mẹ vì sĩ diện mà phải chiều lòng họ hàng, ép con làm những điều con không thích.
Đây là một hiện tượng rất phổ biến vào dịp Tết. Nhiều cha mẹ có ý tốt, muốn tạo cơ hội để con thể hiện bản thân, nhưng yêu cầu này lại khiến không ít trẻ cảm thấy khó chịu và không thể chấp nhận.
Một ông bố chia sẻ, anh ghét nhất là mỗi khi họp mặt gia đình. Có người bắt con trai anh thử nói vài câu tiếng Anh, người lại bắt con anh thử đọc 1 vài câu thơ trong SGK. Mỗi lần nghe yêu cầu này, anh đều lập tức đứng lên và nói: "Để tôi đọc cho, đừng bắt con trai tôi đọc".
Thực tế, khi trẻ bị yêu cầu như vậy trước mặt đông người, chúng sẽ rất căng thẳng. Đây chính là lần đầu tiên trẻ tiếp xúc với môi trường so sánh. Nếu trẻ khác đọc được năm bài thơ, còn trẻ đọc một bài cũng lắp bắp thì sẽ cảm thấy: "Mình không đủ giỏi".
Những tình huống như vậy khiến trẻ không biết phải làm gì, tâm lý rất nặng nề. Thậm chí, khi có nhiều trẻ cùng biểu diễn thi thố, trẻ dễ bị so sánh, dẫn đến cảm giác thất vọng và tự ti nếu không thể hiện tốt. Nếu những trải nghiệm này lặp đi lặp lại, trẻ càng lớn sẽ càng sợ hãi việc giao tiếp xã hội.
Trong các buổi họp mặt gia đình, chúng ta thường nghe thấy cha mẹ quát mắng con trước mặt mọi người: "Con sao thế, không biết chào người lớn à? Mất lịch sự thế!", "Con lớn thế này rồi, gặp chú bác không biết chào một câu à?",...
Tuy nhiên, mỗi đứa trẻ có một tính cách khác nhau. Những đứa trẻ nhút nhát và dè dặt thường thích ở một mình, khi gặp người lạ dễ cảm thấy ngại ngùng hoặc lo lắng.
Hiện tượng này được gọi là "lo lắng khi gặp người lạ" trong tâm lý học. Trong suy nghĩ của trẻ, người lạ đồng nghĩa với nguy hiểm. Vì thế, việc trẻ không chào người lớn không nên bị coi là "mất lịch sự" hay "thiếu giáo dục".
Khi bước vào một môi trường xa lạ, trẻ cần thời gian thích nghi. Lúc này, cha mẹ nên kiên nhẫn hướng dẫn, không nên ép buộc trẻ chào hỏi ngay lập tức, mà hãy tạo môi trường xã giao thoải mái để trẻ tự nhiên hòa nhập.
Khi con được họ hàng khen "ngoan quá", "học giỏi quá", nhiều cha mẹ thường vì khách sáo hoặc sợ con tự mãn mà phản bác: "Đâu có đâu, cháu nghịch lắm, học hành cũng chẳng ra sao".
Dù ý cha mẹ là muốn tỏ ra khiêm tốn, nhưng khi nghe những lời này, trẻ sẽ cảm thấy buồn và không thoải mái.
Khao khát được khen ngợi và công nhận là nhu cầu sâu thẳm trong mỗi con người. Khi con làm tốt, con cũng muốn nhận được lời khen từ cha mẹ và những người xung quanh. Vì vậy, khi người khác khen con, cha mẹ nên vui vẻ đón nhận lời khen, có thể trả lời theo nguyên tắc: "5 phần cảm ơn, 3 phần khẳng định, 2 phần kỳ vọng".
Ví dụ: Khi có người khen con học giỏi, cha mẹ có thể nói: "Cảm ơn, cảm ơn! Thời gian gần đây cháu rất chăm chỉ nên mới đạt được kết quả này. Hy vọng thời gian tới cháu sẽ tiếp tục cố gắng hơn nữa!".
Người lớn thường hay đưa ra những nhận xét tiêu cực về trẻ khi trò chuyện, ví dụ: "Ba tuổi rồi mà chưa biết nói, chắc là chậm chạp", "Không biết chia sẻ đồ chơi với em, đúng là ích kỷ", "Con trai mà hay khóc, nhút nhát quá, không có chút đàn ông gì cả", "Nghịch ngợm thế, chắc là tăng động rồi",...
Việc dán nhãn tiêu cực cho trẻ rất dễ, nhưng để gỡ bỏ lại vô cùng khó khăn. Một câu nói tưởng như vô tình có thể làm tổn thương lòng tự trọng non nớt của trẻ. Nếu những nhãn dán này liên tục được nhắc đi nhắc lại, chúng có thể trở thành "danh tính cố định", ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ suốt cả đời.
Dịp Tết, khi con bị họ hàng trêu chọc, cha mẹ cần đứng về phía con và mạnh dạn bảo vệ con. Đồng thời, hãy dạy trẻ trước rằng, nếu gặp những yêu cầu không thể chấp nhận, trẻ cần mạnh dạn nói "không".
Ví dụ, khi họ hàng đùa cợt hoặc ép con ăn đồ không phù hợp, cha mẹ có thể dạy con nói: "Cháu không ăn cái này được, cháu sẽ bị đau bụng ạ!", "Cháu không thích chú nói như vậy, cháu sẽ đi tìm bố mẹ!".
Cha mẹ cần cho con biết, đối với những điều không thích, trẻ hoàn toàn có quyền từ chối. Cha mẹ sẽ luôn là chỗ dựa vững chắc cho con. Nếu gặp những câu nói đùa vô duyên từ họ hàng khiến trẻ bối rối, cha mẹ có thể trả lời thay trẻ hoặc tìm cơ hội đưa trẻ rời khỏi môi trường đó.
Tết là thời gian sum vầy đầy tiếng cười và niềm vui. Khi ở bên họ hàng, bạn bè, chúng ta cần tôn trọng lẫn nhau, không chỉ giữa người lớn mà cả cảm xúc của trẻ nhỏ.
Hãy đặt mình vào vị trí của trẻ và đối xử với chúng bằng sự thấu hiểu, để mọi người cùng đón một cái Tết an lành và hạnh phúc!