Té giữa đường nhưng không được ai giúp, nam thanh niên bị xe khách cán: 4 người "làm ngơ" có phải chịu trách nhiệm?

PV, Theo Trí thức trẻ 17:06 15/12/2020
Chia sẻ

Theo hình ảnh từ camera hiện trường, khi nạn nhân té, có 4 xe đi qua nhưng không ai dừng lại giúp đưa nạn nhân vào lề đường.

Té giữa đường nhưng không được ai giúp, nam thanh niên bị xe khách cán: 4 người làm ngơ có phải chịu trách nhiệm? - Ảnh 1.

Ảnh cắt từ camera an ninh

Theo ghi nhận của Thanh niên online, Công an huyện Phú Giáo (tỉnh Bình Dương) đang điều tra làm rõ vụ một thanh niên té xe trên đường, có 4 người đi qua hiện trường nhưng không dừng lại cứu giúp, khiến nạn nhân sau đó bị xe khách cán tử vong.

Trước đó, anh P.H.P. (30 tuổi, ngụ tại huyện Phú Giáo) đi xe máy trên đường ĐT741, đến đoạn qua ấp Vĩnh Tiến (xã Vĩnh Hòa, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương) thì bất ngờ tự ngã xe, văng ra trượt một đoạn trên đường. Thời điểm tai nạn xảy ra là đêm 11/12.

Theo hình ảnh từ camera ghi nhận tại hiện trường, khi nạn nhân ngã, có 4 chiếc xe máy đi ngang qua, ngoái nhìn, nhưng không ai dừng lại giúp đưa nạn nhân vào lề hay ra hiệu có tai nạn để các phương tiện khác biết.

Hiện trường cho thấy không có đèn chiếu sáng, nạn nhân đang còn nằm ở giữa đường thì xe khách lao tới không phát hiện ra, đã cán qua nạn nhân, kéo lê trên đường. Người dân khu vực cho biết trên Lao động, đoạn đường xảy ra tai nạn đèn chiếu sáng đã hư hỏng nhiều ngày, nhưng chưa thấy đơn vị nào đến sửa chữa.

Nhiều ý kiến chỉ trích sự thờ ơ của những người nhìn thấy nạn nhân ngã nhưng bỏ mặc.

Té giữa đường nhưng không được ai giúp, nam thanh niên bị xe khách cán: 4 người làm ngơ có phải chịu trách nhiệm? - Ảnh 2.

Hiện trường nạn nhân té xuống đường

Luật sư Trương Văn Tuấn (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận định trên báo Dân trí, theo hình ảnh camera ghi lại thì nguyên nhân của vụ tại nạn là do anh P. tự té.

"Đối với trường hợp này cơ quan chức năng cần điều tra, xác minh những người tham gia giao thông nhìn thấy anh P. bị ngã, đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng; Tuy có điều kiện mà những người này không cứu giúp, dẫn đến hậu quả anh P. bị chết, thì hành vi của những người này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về "Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng", theo Điều 132 Bộ luật Hình sự nêu trên, với khung hình phạt lên đến 2 năm tù", báo Dân trí dẫn lời luật sư Tuấn.

Cũng theo luật sư Trương Văn Tuấn, ở đây, cần xác minh xem lái xe khách có lỗi hay không để từ đó xác định trách nhiệm hình sự của tài xế.

Nếu lái xe khách có lỗi, chẳng hạn chạy quá tốc độ cho phép hay đi sai làn đường…, thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về "Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ", theo Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017), cụ thể với tình tiết định khung được quy định tại điểm a, Khoản 1 Điều 260 là "làm chết người", khung hình phạt tù từ 1 năm đến 5 năm tù.

Theo ghi nhận của báo Pháp luật TP.HCM, một hội thẩm nhân dân đã từng tham gia xét xử các vụ án tai nạn giao thông cho rằng, hành vi không cứu giúp nạn nhân của 4 người đi đường có thể bị xử lý về tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, theo Điều 132 Bộ luật Hình sự (mức hình phạt đến bảy năm tù).

Song theo vị hội thẩm này, để xử lý về tội trên không dễ. Với tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, cần xác định mối quan hệ nhân quả của hành vi không cứu giúp với hậu quả chết người. Tức là nếu xác định vì không cứu mà dẫn đến hậu quả người đó chết thì mới có tội, còn nếu cứu hay không cứu mà người đó vẫn chết thì khó kết tội được người không cứu.

"Cái khó chứng minh nhất trong các vụ án TNGT gây chết người hiện nay là nếu có rất nhiều người đi ngang qua thấy vụ tai nạn mà không cứu thì không lẽ truy cứu trách nhiệm hình sự hết tất cả người này? Điều này gần như là không thể.

Tuy nhiên trong vụ việc ở Bình Dương, camera an ninh nhà dân đã ghi lại được sự việc và ban đầu xác định được bốn người đi đường chứng kiến nạn nhân bất tỉnh nhưng bỏ mặc. Những người này có thể nhận thức được rằng nếu không cứu giúp, anh P. có thể bị xe sau cán phải nhưng họ đã không cứu. Hậu quả thực tế là anh P. đã bị xe khách tông tử vong.

Cơ quan điều tra nên vào cuộc xác minh, điều tra quyết liệt để xử lý trách nhiệm hình sự theo Điều 132 BLHS của những người bỏ mặc nạn nhân (nếu có)", báo Pháp luật TP.HCM dẫn ý kiến phân tích của vị hội thẩm nhân dân.

(Tổng hợp)

Té giữa đường nhưng không được ai giúp, nam thanh niên bị xe khách cán: 4 người làm ngơ có phải chịu trách nhiệm? - Ảnh 3.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày