Trong một toạ đàm diễn ra mới đây, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam từng chia sẻ, thị trường bất động sản Hoà Bình bị đẩy giá bất động sản bất bình thường.
Ông lấy dẫn chứng, chỉ trong một năm trở lại đây, theo ghi nhận từ các đơn vị nghiên cứu, nhiều vùng tại Hòa Bình tăng giá đất tới 3 lần như Lương Sơn, Kim Bôi, Đà Bắc… Đồng thời, giá đất đai các vùng lân cận cũng tăng đáng kể so với trước đó.
Khảo sát cho thấy, không chỉ Hoà Bình mà nhiều khu vực như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, hay vùng ven Hà Nội… giá tăng gấp 3 là diễn biến dễ gặp trên thị trường. Thậm chí, có một số khu vực, gia tăng gấp 3 chỉ trong vòng nửa năm, đơn cử như đối với đất vườn rộng làm trang trại tại Thạch Thất hay Chương Mỹ.
Chia sẻ tại VRES 2021, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho biết giá bất động sản tại các thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM đã liên tục tăng trong những năm gần đây. Cụ thể, từ mức trung bình 32 triệu đồng/m2 năm 2019 lên mức 34 triệu đồng/m2 năm 2021. Giá bán chung cư TP.HCM cũng tăng từ mức trung bình 32 triệu đồng/m2 năm 2019 lên mức 36 triệu đồng/m2 năm 2021. Giá bán nhà riêng Hà Nội cũng tăng từ 89 triệu đồng/m2 năm 2019 lên mức 103 triệu đồng/m2 năm 2021. Giá bán nhà riêng TP.HCM cũng tăng từ 97 triệu đồng/m2 năm 2019 lên 103 triệu đồng/m2 năm 2021.
Theo thống kê của CBRE, thị trường sơ cấp tại các thành phố lớn có sự biến động mạnh trong 3 năm (từ 2019) trở lại đây. Cụ thể: Căn hộ sơ cấp tại TP. HCM tăng giá 1.896 USD/m2 lên 2.271 USD/m2 (9,4%), trong khi đó nhà phố/biệt thự tăng 3.863 lên 4.682 USD/m2 (10,1%). Tại Hà Nội, căn hộ sơ cấp 1.371 USD/m2 tăng lên 1.542 USD/m2 (6,1%), nhà phố/biệt thự tăng từ 5.099 USD/m2 lên 5.412 USD/m2 (3%)...
Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE cho hay, thị trường Hà Nội và TP.HCM, nguồn cung căn hộ cao cấp áp đảo hoàn toàn thị trường và không ngừng tăng giá thời gian qua. Bà Dung cho hay, do chi phí đất tăng, chi phí xây dựng leo thang, giá bán căn hộ sơ cấp tiếp tục đà tăng giá trong tương lai.
Trước đó Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cũng đưa ra con số ghi nhận về mức giá tăng của bất động sản. Cụ thể, từ năm 2014 tới năm, mức tăng bình quân hàng năm của bất động sản là trên 10%/năm. Một số dự án đạt mức tăng trên 20%/năm. Riêng năm 2019 và đặc biệt là năm 2020, giá bất động sản có hiện tượng tăng mạnh và nhanh, nhất là phân khúc căn hộ.
Tác động của dịch bệnh khiến cho nền kinh tế gặp nhiều khó khăn trong khi mức thu nhập của phần lớn người dân suy giảm. Trái với kịch bản đó là sự tăng giá nóng của thị trường bất động sản. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư liên tưởng tới kịch bản sốt đất năm 2009 - 2010 trước khi rơi vào giai đoạn đóng băng 2011 - 2013. Đó là giai đoạn, giá đất cũng rơi vào tình trạng tăng đột biến.
Mặt khác, theo các chuyên gia, do dịch bệnh và các kênh đầu tư khác như vàng, chứng khoán bất ổn thì xu hướng đổ tiền vào bất động sản càng gia tăng. Tâm lý lạc quan và lựa chọn bất động sản là kênh trữ tiền khiến cho giá đất tăng mạnh.
Ở góc độ cẩn trọng hơn, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam lo ngại, giá nhà tăng đang làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng trong xã hội, gây bất ổn thị trường bất động sản nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Theo ông Đính, với đà tăng giá như hiện tại thì giấc mơ an cư của đại bộ phận dân chúng ngày càng trở nên xa vời.