Tính đến thời điểm hiện tại, ở các quốc gia trên thế giới nói chung cũng như Việt Nam nói riêng, dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, trở thành mối quan ngại sâu sắc của toàn cầu.
Ngày 14/2, Bộ GD&ĐT đã có công văn hoả tốc gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc kéo dài thời gian nghỉ học của học sinh, sinh viên, học viên do dịch Covid-19, xem xét cho học sinh, sinh viên, học viên toàn quốc nghỉ học đến hết tháng 2/2020. Nhiều trường đại học, cao đẳng, học viện đã có thông báo mới về việc cho sinh viên, học viên tiếp tục nghỉ đến hết tháng 2 hoặc sang tháng 3 để phòng dịch Covid-19.
Theo ghi nhận của chúng tôi, do học sinh, sinh viên vẫn đang nghỉ học để phòng dịch Covid-19, khiến những hàng quán tại các trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội rơi vào cảnh ế ẩm, nhiều hàng quán phải đóng cửa… chờ sinh viên quay lại giảng đường.
Dịch bệnh Covid-19 đã khiến mọi hoạt động, sinh hoạt của người dân bị đảo lộn, học sinh, sinh viên nghỉ học dẫn đến những con đường cạnh các trường ĐH tại TP. Hà Nội vốn tấp nập, đông đúc, nay rơi vào cảnh vắng vẻ.
Tuy nhiên, theo thông báo mới nhất, chiều 21/2, Hà Nội và một số tỉnh thành đã cho học sinh nghỉ đến 2/3 mới quay lại trường, nhiều bà, nhiều chị, nhiều bác bán hàng trước cổng trường đã vui mừng khôn xiết vì khách ruột sẽ quay lại mua hàng, tránh tình trạng ế ẩm.
Khảo sát tại các hàng quán tại khu vực Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Trường Đại học Xây dựng cũng rơi vào cảnh buôn bán cầm chừng vì ế khách. Đa số các hàng quán đều mong ngóng ngày sinh viên trở lại giảng đường để hoạt động kinh doanh khởi sắc hơn.
Chia sẻ với chúng tôi, chủ quán Ông Già Bách Khoa cho biết: “Giờ quán chỉ còn bán cho khách qua đường, thỉnh thoảng có công nhân. Nên đồ cũng không làm nhiều chỉ bán qua ngày… chờ sinh viên quay lại trường”.
Cũng mong ngóng như vậy cô Vũ Thị Lành (đã hơn 25 năm, bán hàng gần trường THCS Phan Đình Giót) cho biết, sau khi học sinh nghỉ tết rồi lại nhận được thông báo nghỉ học vì dịch Covid-19. Chưa bao giờ kỳ nghỉ tết lại kéo dài đến như vậy khiến cô cảm thấy thiếu vắng khi hàng ngày không còn những khách hàng thân quen là các bạn học sinh nơi đây. “Nhớ tụi nhỏ lắm chỉ mong nhanh hết dịch để các con sớm đi học trở lại trường”, cô Lành nói.
Những ngày vắng bóng sinh viên, ngoài hàng quán ế ẩm, tại các khu nội trú, kí túc xá vốn ồn ào tiếng nói cười của sinh viên thì nay cũng yên ắng khác lạ.
Ghi nhận của chúng tôi tại ngõ Ao Sen (Mộ Lao, Hà Đông) là con ngõ quen thuộc và được mệnh danh là chốn vui nhộn bậc nhất cạnh trường Học viện Bưu chính Viễn thông và Đại học Kiến Trúc với nhiều hàng quán ăn uống, cà phê, tiệm photocopy… những ngày này trở nên vắng lặng, đìu hiu. Mọi hoạt động kinh doanh tại đây gần như bị “ngừng trệ” vì vắng sinh viên.
Chị Nguyễn Thị Lan bán cơm tại đây, cho biết sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đến nay các sinh viên chưa quay lại giảng đường khiến nhiều hàng quán tại đây rơi vào cảnh ế ẩm, buộc phải đóng cửa hàng loạt. “Những người bán cơm như chúng tôi còn cố gắng mở cửa buổi sáng để phục vụ những người lao động, các quán ăn vặt, trà sữa… thì đóng cửa từ tết đến bây giờ. Sinh viên nghỉ học chúng tôi cũng nghỉ dài ngày”, chị Lan nói.
Dù đã gần 12 giờ trưa, nhưng các khay đồ ăn vẫn còn đầy vì vắng khách.
Rất nhiều hàng quán trong tình trạng ế ẩm, vắng khách. Nhiều quán ăn trước kia vốn rất đông khách thì nay đã giảm tới 2/3, khiến nhiều chủ quán lo lắng. Trước tình hình này, nhiều quán phải cho một số nhân viên tạm nghỉ làm, khi nào hết dịch thì đi làm trở lại. Bởi doanh thu của quán giảm mạnh, nếu vẫn duy trì lượng người làm như vậy thì sẽ bị lỗ lớn và không có đủ tiền để trả lương cho nhân viên.
Một quán photocopy bên trong Trường ĐH Ngoại ngữ không có khách, nhân viên ngồi bấm điện thoại.
Dù không mất tiền thuê mặt bằng như những hàng quán khác, nhưng chủ quán bún đậu cạnh Trường ĐH Ngoại ngữ cũng rơi vào cảnh khó khăn. Vắng sinh viên, chủ quán cho biết: “Tôi ở đây, buôn bán nhờ cả vào sinh viên nhưng nay lại ế thảm hại do sinh viên vẫn đang nghỉ học để phòng dịch Covid-19. Hàng ngày tôi vẫn mở cửa cho thông thoáng nhà cửa chứ hiện tại buôn bán cũng không được vì làm gì có khách đâu”.
Một số cửa hàng bên trong trường ĐH Quốc gia Hà Nội đóng cửa im lìm do sinh viên đang nghỉ học để phòng dịch Covid-19.
Chị N.T.H. (50 tuổi), ngồi thẫn thờ bên gánh hàng xôi vẫn còn đầy chia sẻ, hơn 2 tuần trở lại đây, học sinh, sinh viên các trường THPT Nguyễn Tất Thành, ĐH Sư phạm Hà Nội... vẫn đang được nghỉ học vì dịch Covid-19 nên vắng khách hàng ế ẩm buồn lắm. Trước khi chưa có dịch, mỗi ngày chị bán hơn 5 kg gạo (xôi), nhưng thời điểm này, ngồi cả ngày chị chỉ bán được tầm 2 kg. Lượng khách giảm mạnh khiến doanh thu của gia đình chị cũng giảm theo đáng kể.
Rơi vào tình cảnh tương tự, cô Khánh (bán xôi) trước cổng trường ĐH Ngoại thương cho hay, từ khi xuất hiện dịch Covid-19 tại Việt Nam, sinh viên nghỉ học lượng khách tới mua hàng giảm đi một nửa so với trước đó.
Tình trạng cũng không khá hơn chủ nhà sách Sư Phạm cho biết, những ngày dịch Covid-19 này cửa hàng bán chậm đi nhiều do sinh viên đang được nghỉ. Hiện tại khách hàng chủ yếu là những giáo viên ở xa thi thoảng qua lấy vài cuốn.
Nhưng yên tâm các cô các bác ơi, học sinh, sinh viên sắp quay lại trường đi học rồi!