Tailoc888 đã "móc túi" hàng chục nghìn người tham gia như thế nào?

VTV Digital, Theo VTV 15:46 06/10/2020

Tailoc888 có thủ đoạn tinh vi khi tạo ra một mô hình kinh doanh rất lạ để thu hút sự tham gia và không đề phòng của nhà đầu tư.

Tiếp tục câu chuyện hàng chục nghìn người đang có nguy cơ mất trắng nhiều tỷ đồng do tham gia đầu tư vào ứng dụng Tailoc888, khi cách đây vài ngày ứng dụng này đã sập và không còn hoạt động.

Lãi suất lên tới 3%/ngày, tương đương với 90%/tháng. Đây là mức hoa hồng không tưởng mà Tailoc888 hứa hẹn trả cho người tham gia. Thế nhưng tại sao vẫn có hàng chục nghìn người vẫn tin và đổ tiền vào ứng dụng này, trong khi vẫn chưa biết chủ ứng dụng là ai? Tailoc888 đã có những chiêu trò gì?

Tailoc888 đã móc túi hàng chục nghìn người tham gia như thế nào? - Ảnh 1.

"Giật" đơn để có tiền là lời mời chào của Tailoc888

"Thật ra tin tưởng người quen, người nọ giới thiệu ra người kia. Người quen của tôi họ chơi rồi và rút tiền thật rồi, họ rút được thì họ mời tôi. Vì vậy, tôi cũng tin tưởng vào theo. Tôi cũng không tìm hiểu xem cái chủ app đấy là ai cả", người tham gia ứng dụng Tailoc888 cho biết.

Một người khác tham gia ứng dụng Tailoc888 nói: "Thực tế tôi cũng đã nạp vào dùng thử và rút ra, tiền cũng về tài khoản của mình nên cứ nghĩ là nó an toàn".

Tin tưởng người quen và ứng dụng cho rút tiền một cách thoải mái là 2 yếu tố đã khiến cho hàng chục nghìn người vội vã bỏ tiền vào Tailoc888. Ngoài ra, yếu thứ 3 đến từ việc mời chào thêm người khác tham gia vào ứng dụng.

"Chỉ cần bấm và chia sẻ mã giới thiệu cho bạn bè, bạn sẽ nhận được lợi nhuận hoa hồng. Chia sẻ càng nhiều bạn nhận được tiền hoa hồng càng cao", đây nội dung trên clip quảng cáo của Tailoc888.

"Giới thiệu được 1 người nó thưởng cho mình 100.000 đồng vào tài khoản, nếu người đấy nạp tiền. Song mình lại được ăn hoa hồng hàng ngày, họ giật đơn lại tăng số tiền vào tài khoản của mình. Cấp dưới lại mời thêm thì mình vẫn được đến 3 tầng", người tham gia ứng dụng Tailoc888 cho hay.

Tailoc888 đã móc túi hàng chục nghìn người tham gia như thế nào? - Ảnh 2.

Cho rút tiền một cách thoải mái nhưng Tailoc888 cũng quy định chỉ cho rút miễn phí với số tiền hoa hồng, còn tiền gốc nạp vào để mua hàng thì khi rút sẽ mất phí 1%/lần

Cho rút tiền một cách thoải mái nhưng Tailoc888 cũng quy định chỉ cho rút miễn phí với số tiền hoa hồng, còn tiền gốc nạp vào để mua hàng thì khi rút sẽ mất phí 1%/lần. Do vậy, hầu hết người tham gia đều không rút, mà chỉ nạp thêm để được nhiều đơn hơn có nhiều hoa hồng hơn. Đến khi ứng dụng sập nguy cơ hầu như là mất trắng.

Theo luật sư, Tailoc888 có thủ đoạn tinh vi khi tạo ra một mô hình kinh doanh rất lạ để thu hút sự tham gia và không đề phòng của nhà đầu tư.

Luật sư Nguyễn Thế Truyền - Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh cho biết: "Những người nghi ngờ ban đầu họ vẫn chi trả bình thường nếu như đặt lệnh rút. Còn đặt lệnh mua phải có số lượng tiền rất định. Sau một vài tháng số tiền nó đủ lớn lên, những tổ chức này sẽ đóng bỏ app".

Luật sư cũng cho rằng đã đến lúc các cơ quan chức năng cần xử lý mạnh tay hơn đối với các loại tội phạm công nghệ cao. Bởi hiện nay các ứng dụng "núp bóng" công nghệ lừa đảo mọc lên như nấm, nhưng rất ít vụ việc nào được đưa ra ánh sáng.

Hiện các nạn nhân của Tailoc888 đang làm đơn tố cáo tới các cơ quan chức năng để mong lấy lại được tiền. Tuy nhiên, theo luật sư khả năng đòi lại được tiền là tương đối phức tạp do nạn nhân ở nhiều tỉnh, thành khác nhau, trong khi các cơ quan chức năng lại làm việc theo địa bàn.

Tailoc888 đã móc túi hàng chục nghìn người tham gia như thế nào? - Ảnh 3.

Khả năng đòi lại được tiền của các nạn nhân Tailoc888 là tương đối phức tạp

Hành lang pháp lý cho hoạt động trung gian thanh toán đang được xây dựng

Có một điểm đáng chú ý đó là những người tham gia ứng dụng Tailoc888 đều cho biết, việc "Nạp tiền" và "Rút tiền" đều thực hiện ở trong ứng dụng, không thực hiện ở bên ngoài ứng dụng. Nhiều giả thiết đặt ra là ứng dụng này liệu có được tích hợp với một đơn vị trung gian thanh toán nào đó hay không? Tuy nhiên, các trung gian thanh toán đều phải có cấp phép và phải tuân thủ các quy định cụ thể.

Tại buổi họp báo Chính phủ mới đây, đại diện Ngân hàng Nhà nước đã thông tin cụ thể về nội dung này.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện nay có 37 đơn vị, tổ chức không phải là ngân hàng tham gia và dịch vụ cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, trong đó có 33 tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử. Các đơn vị cung ứng trung gian thanh toán đều phải tuân thủ quy định về tính bảo mật, quản lý rủi ro trong công nghệ thông tin.

Hiện Ngân hàng Nhà nước cùng các đơn vị liên quan đang rà soát xây dựng hành lang pháp luật, đảm bảo chặt chẽ an toàn nhất cho hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Ngăn chặn việc lợi dụng ứng dụng công nghệ để lừa đảo.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày