Mỗi dịp đón mừng năm mới, hầu như mọi người trên toàn thế giới đều cùng nhau khui những chai sâm panh để báo hiệu cho một sự kiện lớn sắp đến. Nhưng tại sao mọi người lại thích sâm panh và những đồ uống có ga khác như vậy, trong khi các loài động vật khác lại tỏ ra khó chịu với các loại đồ uống này?
Theo các nhà vật lý học, Roberto Zenit của Đại học National Autonomous University of Mexico và Javier Rodriguez-Rodriguez của Đại học Carlos III University of Madrid của Tây Ban Nha cho biết: "Về cơ bản, cảm giác sủi bọt bạn có khi dùng đồ uống có ga sẽ kích thích loại vị giác tương tự như vậy. Sâm panh chỉ là rượu vang, nhưng điều làm nó trở nên đặc biệt chính là carbonat (hay ga trong đồ uống). Thật là một ngày buồn khi bạn uống phải sâm panh không có bọt."
Anh và Rodriguez-Rodriguez cho biết việc nghiên cứu hành vi với các loại chất lỏng và ga trong đồ uống là một chủ đề đặc biệt thú vị trong phạm trù này. Khi bọt khí trong sâm panh vỡ ra, chúng giải phóng ra các hợp chất mang mùi thơm để tăng cường hơn nữa hương vị của đồ uống. (Với loại bọt không vỡ trong những đồ uống có ga như bia, kết quả là một lớp bọt xốp dầy trên bề mặt).
Do vậy, kích thước của mỗi bong bóng li ti sẽ đóng vai trò quan trọng cho hương vị của sâm panh. Các bọt khí lớn hơn sẽ giải phóng nhiều mùi hương. Bằng các phép đo laser của mình, nhà vật lý học Gerard Liger-Belair xác định được, các bọt khí lớn hơn 1,7mm khi nổi lên bề mặt sẽ cho hương vị tốt nhất. Điều này trái ngược hẳn với niềm tin trước đây cho rằng, bọt khí nhỏ hơn sẽ làm cho sâm panh ngon hơn.
Ngoài ra còn một thực tế thú vị khác: bọt khí trong sâm panh "bay lên" theo một tần số cộng hưởng nhất định, tùy thuộc vào kích thước của chúng. Vì vậy, bạn có thể "nghe" được mức độ phân bố của bọt khí khi chúng nổi lên bề mặt của ly sâm panh.
Còn hơn cả các bong bóng khí
Không chỉ các bọt khí, niềm vui bật sâm panh hay dùng đồ uống có ga còn có nguyên nhân từ lịch sử lâu đời của nó.
Loại vang nổ lần đầu tiên được nhắc đến vào năm 1535 tại vùng Languedoc của Pháp. Nhưng thật trớ trêu khi thương hiệu sâm panh danh tiếng Dom Perignon lại được hình thành khi một thầy tu đang tìm cách loại bỏ bọt khí trong những chai rượu vang do tu viện tự làm. Tuy nhiên, khi nhấp thử một chút rượu vang có bọt đó, thầy tu này nhận ra rằng, các bọt khí đó hóa ra lại là điều hay. "Nhanh đến đây, các anh em, tôi đang uống các vì sao."
Sâm panh thường được làm từ nho hái đầu mùa, khi quả vẫn còn ít đường và nhiều axit. Cũng như những loại rượu vang khác, các quả nho này sẽ được nén và được gắn kín trong các thùng chứa để lên men. Quá trình lên men sẽ sản sinh ra CO2, nhưng nó được thoát ra để tạo nên loại vang nền (base wine) trong giai đoạn này.
Sau đó là lần lên men thứ hai, lúc này CO2 sẽ được đóng vào chai và tan vào trong rượu. Điều quan trọng nhất của giai đoạn này là sự cân bằng. Bạn sẽ cần áp suất khoảng 6 atm và 18 gram đường với chỉ 0,3 gram men. Nếu không cân bằng các yếu tố này, sâm panh tạo ra sẽ có áp suất quá thấp, không đủ tạo bọt, hoặc áp suất quá cao có thể làm chai bị nổ.
Tận hưởng nhiều hơn trong mỗi ly sâm panh
Nhưng để tận hưởng trọn vẹn niềm vui mà một chai sâm panh có thể mang lại, bạn có thể tham khảo một số thủ thuật như sau: tuyệt đối nên ướp lạnh chai sâm panh của bạn ở 39oF (khoảng 3,89oC). Độ lạnh này sẽ làm giảm lượng cồn đưa vào trong mỗi bọt nhỏ của rượu (quá nhiều cồn sẽ lấn át hương vị đặc trưng của sâm panh). Nó cũng giúp cho nút chai rượu không bị bật ra quá mạnh khi mở. Nghiêng ly một chút khi rót để tránh bọt tràn ra ngoài.
Ngoài ra, sâm panh thực sự thưởng thức tốt nhất khi dùng với ly dáng cao thon, thay vì các loại ly miệng rộng. Những chiếc ly cao thon sẽ mang các bọt khí CO2 với nhiều hương vị hơn tới ngay dưới mũi của người thưởng thức. Tuy nhiên, ông Liger-Belair còn khuyến cáo rằng, nên uống sâm panh bằng ly hình hoa tuylip, để giảm được độ axit tự nhiên của CO2.
Mặc dù vậy, ngay cả trong các sự kiện đáng ăn mừng nhất, vẫn có những người không nên thưởng thức loại đồ uống có ga này: các phi hành gia trên tàu vũ trụ ISS. Theo Zenit và Rodriguez-Rodriguez, ở trọng lực thấp, bọt trong ly sâm panh sẽ không thể nổi lên bề mặt và vẫn ở lại nơi nó được hình thành. Điều này đã được các nhà khoa học thực phẩm thử nghiệm bằng loại Coca-Cola và Pepsi đã qua chỉnh sửa vào năm 1985 trên tàu con thoi Challenger và một máy pha soda trên tàu con thoi Discovery vào năm 1995.
Việc uống nước có ga trong môi trường không trọng lực không chỉ làm giảm bớt hương vị của nó, mà còn gây ra một số vấn đề nghiêm trọng về tiêu hóa đối với các phi hành gia. Do vi trọng lực (microgravity), nên các bọt khí khi không thể thoát khỏi hệ tiêu hóa trong cơ thể sẽ tích tụ lại thành những khối khí lớn hơn. Các khối khí này sẽ gây ra những cơn đau trong bụng và ruột của các phi hành gia.
Vì vậy, các phi hành gia ngoài không gian sẽ phải tìm một đồ uống khác để mừng năm mới thôi.
Tham khảo Arstechnica