Hình xăm thực chất vẫn luôn là điều gây tranh cãi cho xã hội. Có người coi là nghệ thuật, người thì nghĩ đó chỉ là những phút giây nông nổi của tuổi trẻ mà chẳng đem lại lợi ích gì. Nhưng nhìn chung, ai cũng sẽ phải đồng ý rằng hình xăm là thứ về cơ bản sẽ tồn tại vĩnh viễn, dù có mờ đi đôi chút theo thời gian.
Nhưng tại sao, dù các tế bào da liên tục được thay mới, hình xăm vẫn không thể biến mất? Cơ thể vốn xem hình xăm là một dạng tác động ngoại lai, giống như nhiễm trùng vậy.
Khi mực xăm được đưa vào da từ qua lớp biểu bì xuống lớp hạ bì, nó sẽ kích hoạt các kháng thể mang tên "đại thực bào" (macrophages), bọc lấy vết thương và mực.
Đại thực bào nuốt các phân tử mực xăm và mang đi. Tuy nhiên, phân tử mực xăm vốn rất to, nên chúng sẽ kẹt lại ở giữa hạ bì và biểu bì, có thể nhìn thấy qua da và khiến chúng tồn tại rất lâu. Thế nên, việc hình xăm tồn tại vĩnh viễn có liên quan đến tuổi thọ của đại thực bào - tế bào càng thọ, hình xăm tồn tại càng lâu.
Ít nhất, đó là những gì khoa học đã kết luận sau nhiều nghiên cứu. Tuy nhiên, trong một bản báo cáo mới đây từ ĐH Aix Marseille (Pháp), hóa ra mọi chuyện không hề đơn giản như vậy.
Cụ thể, các chuyên gia đã thử xăm lên đuôi chuột, sau đó sử dụng thuốc để hủy đi đại thực bào. Nghĩa là về mặt lý thuyết, cơ thể chuột sẽ không coi hình xăm là yếu tố xâm nhập nữa, và mực sau đó sẽ bị nhoè, biến dạng đi.
Nhưng không! Các xét nghiệm cho thấy hình xăm vẫn vậy, không có gì suy chuyển. Dù không có các đại thực bào, hình xăm vẫn tồn tại một cách hoàn hảo.
Vậy lý do là gì? Theo nhóm nghiên cứu, các phân tử mực xăm đã có cách tồn tại hết sức bất ngờ. Sau khi đại thực bào bị tiêu diệt, chúng nhả các phân tử mực ra. Nhưng các phân tử này lại nhanh chóng bị những tế bào miễn dịch xung quanh bọc lấy. Và thậm chí, một số tế bào còn vừa mới ra đời.
Nhóm gọi đây là cơ chế "chuyển giao". Các phân tử mực sẽ "tiến vào một chu kỳ khép kín: bọc - nhả - bọc, mà không có phần mực nào biến mất." Điều này có thể hiểu là mực cũng được "tái tạo" theo chu kỳ tái tạo của da.
"Khi các đại thực bào ăn mực xăm chết đi qua thời gian, các tế bào miễn dịch khác sẽ lập tức giữ lại chúng, qua đó giúp hình xăm trở nên bền vững theo thời gian," - Sandrine Henri, chuyên gia miễn dịch học cho biết.
Việc xóa xăm sẽ nhẹ nhàng đi rất nhiều nếu tận dụng được thành quả của nghiên cứu này
Nhưng nghiên cứu này có vai trò gì? Đầu tiên, nó giúp chúng ta hiểu rằng hình xăm là thứ không thể bị xóa đi nhờ thời gian. Nhưng quan trọng hơn, nó lại giúp cho các phương pháp xóa xăm bằng laser trở nên hiệu quả hơn. Theo Henri, nếu như có thể canh đúng khoảng thời gian đại thực bào nhả mực xăm ra, việc xóa xăm sẽ nhẹ nhàng và nhanh chóng hơn rất nhiều.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Experimental Medicine.