Chúng ta biết rằng, trung bình mỗi giờ trôi qua, ta lại mất đi 30.000 - 40.000 tế bào da. Điều đó có nghĩa là chúng ta bị mất đi khoảng 1 triệu tế bào da mỗi ngày, và trọng lượng tế bào da bị trút bỏ lên tới 35kg trong suốt cuộc đời.
Thế nhưng tại sao hình xăm lại không hề bong ra cùng với da mà chúng lại tồn tại mãi trên cơ thể hàng năm, hay hàng thế kỷ nhỉ?
Câu trả lời khá đơn giản. Đó là bởi vì khi xăm, các hạt màu được đưa vào lớp mô sâu hơn bên trong, thay vì lớp da ở ngoài dễ dàng bị bong ra.
Cụ thể, hình xăm được thực hiện bằng cách dùng súng bắn mực xăm qua lớp da ngoài cùng (biểu bì) để vào lớp hạ bì nằm sâu bên dưới, giúp mực xăm không bị rửa trôi.
Những chiếc kim nhỏ mang mực xăm được châm rất nhanh qua da, đưa mực xăm vào sâu bên trong các sợi và dây thần kinh ở hạ bì.
Mỗi lần kim đâm vào da, nó để lại một vết thương nhỏ, báo động cho cơ thể kích hoạt quá trình kháng viêm, kêu gọi các tế bào miễn dịch tập trung về vị trí các vết thương để chữa lành cho da. Đây chính là quá trình khiến hình xăm tồn tại mãi mãi.
Các tế bào, còn gọi là đại thực bào, di chuyển đến khu vực vết thương và bắt đầu ăn mực xăm lưu tại đó. Những tế bào và bộ phận khác của da như nguyên bào sợi, cũng hút mực xăm.
Ban đầu, mực lắng ở lớp biểu bì nhưng khi da lành, tế bào biểu bì hư tổn bị bong ra và được thay thế bởi các tế bào mới không có mực.
Sau khoảng 2 - 4 tuần, lớp trên cùng bong ra, để lại lớp biểu bì phía trong cùng với phần mực để lại. Do vậy mà mực xăm vẫn ở nguyên đó.
Tuy nhiên, hình xăm vẫn phai theo thời gian vì cơ thể phản ứng lại với các hạt sắc tố, các đại thực bào của hệ miễn dịch dần phá vỡ và đào thải chúng ra ngoài. Nhưng bởi tế bào da tương đối ổn định nên đa số hạt mực vẫn ở sâu trong da trong suốt một đời người.
Nguồn: Sciencealert, Ted-Ed