Tại sao con thứ thường thông minh hơn con cả? Chuyên gia giải mã: Sự thật khiến nhiều phụ huynh chạnh lòng...

Hiểu Đan, Theo Phụ nữ số 17:33 18/05/2025
Chia sẻ

Chính môi trường và trải nghiệm sống khác nhau đã tạo nên những "kiểu thông minh" khác nhau ở mỗi người.

* Tác giả: Tô Tĩnh – Nhà tư vấn tâm lý (Trung Quốc)

Chúng ta thường nghe những chia sẻ như thế này từ các bậc cha mẹ có hai con: "Em trai đối mặt với thử thách luôn có chiến lược hơn, không dễ dàng nản chí. Ngược lại, anh trai lại dễ cáu kỉnh"; "Em trai không bao giờ bỏ cuộc dễ dàng, luôn kiên định đấu tranh đến cùng. Còn anh trai cứ gặp khó là khóc"; "Con bé nhà tôi từ nhỏ đã biết ăn nói, giỏi làm người lớn vui lòng, đúng là một cao thủ EQ"...

Rất nhiều cha mẹ có hai con đều có chung cảm nhận: "Cùng là con mình sinh ra mà khác nhau quá". Ngoài hình có thể giống nhau, nhưng tính cách và hành vi lại hoàn toàn khác biệt. Thú vị hơn, khi các phụ huynh tụ họp chia sẻ kinh nghiệm nuôi con, thường phát hiện ra những "điểm chung" khiến ai cũng phải bật cười:

Con cả thường hiền lành, dễ bảo, giống như một thiên thần nhỏ khiến cha mẹ yên tâm; còn con thứ thì hoạt bát, tinh quái, đôi khi khiến cha mẹ "đau đầu". Con cả thường thật thà, chất phác, đôi khi có phần "ngơ ngác"; còn con thứ lanh lợi, nhạy bén, biết quan sát sắc mặt người lớn và nắm bắt tâm lý để lấy lòng cha mẹ. Con cả thẳng thắn, bộc trực, có khi "nói năng không kiêng nể"; còn con thứ biết giữ chừng mực, giỏi dùng lời nói khiến người khác vui vẻ, dễ gần gũi.

Chính những đặc điểm này khiến nhiều cha mẹ rút ra một kết luận đơn giản: "Con thứ dường như thông minh hơn con cả!".

Nhưng liệu điều đó có thật không? Tại sao hiện tượng này lại phổ biến như vậy? Có lẽ câu trả lời không nằm ở "chỉ số IQ", mà ẩn giấu trong vai trò gia đình, cách giáo dục và môi trường trưởng thành của mỗi đứa trẻ.

Tại sao con thứ thường thông minh hơn con cả? Chuyên gia giải mã: Sự thật khiến nhiều phụ huynh chạnh lòng...- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Nghiên cứu khoa học: Con cả có "biểu hiện IQ" cao hơn

Trên thực tế, ưu thế của con cả trong "biểu hiện chỉ số IQ" đã được một số nghiên cứu tâm lý xác nhận.

Hai nhà tâm lý học Peter Kristensen và Tor Bjerkedal đã phân tích dữ liệu của hơn 240.000 nam thanh niên nhập ngũ có anh chị em ruột, và phát hiện ra rằng, chỉ số IQ trung bình của con cả cao hơn con thứ khoảng 3 điểm, và cao hơn con thứ ba khoảng 4 điểm.

Kết quả này củng cố thêm cho giả thuyết "pha loãng trí tuệ" của nhà tâm lý học Robert Zajonc: Khi số lượng con trong gia đình tăng lên, các nguồn lực như sự quan tâm, hỗ trợ tinh thần và kích thích nhận thức mà trẻ nhận được sẽ bị "pha loãng", từ đó dẫn đến việc những đứa trẻ sinh sau có thể kém lợi thế hơn về phát triển trí tuệ.

Nói cách khác, đứa con đầu lòng thường được nhận nhiều sự quan tâm, tài nguyên giáo dục và hỗ trợ tâm lý hơn. Khi con thứ, con út chào đời, sự chú ý và thời gian của cha mẹ bị phân tán, dẫn đến việc những đứa trẻ sinh sau có thể không được kích thích trí tuệ đầy đủ như con cả. Ngoài ra, con cả còn thường xuyên gánh vác trách nhiệm gia đình nhiều hơn, từ đó có cơ hội rèn luyện năng lực ngôn ngữ, giải quyết vấn đề, giao tiếp xã hội... những kỹ năng giúp cải thiện biểu hiện trong các bài kiểm tra trí tuệ.

Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng: "Biểu hiện IQ" chỉ là một khía cạnh được đo lường thông qua các bài kiểm tra tiêu chuẩn, không đại diện cho toàn bộ tiềm năng trí tuệ hoặc khả năng phát triển của một con người.

Kristensen cũng phát hiện, nếu con cả qua đời, con thứ - với vị trí mới là "anh/chị cả" - có thể cải thiện điểm IQ một cách nhẹ nhàng, ví dụ từ 105 lên 106–107. Điều này cho thấy, vai trò trong gia đình có ảnh hưởng đến nhận thức, trách nhiệm và sự phát triển trí tuệ của trẻ.

Vậy vì sao chúng ta lại cảm thấy con thứ "thông minh hơn"?

Câu trả lời có thể nằm ở những lợi thế môi trường đặc biệt mà con thứ sở hữu – dù tài nguyên vật chất ít hơn, nhưng chúng lại tận dụng môi trường học hỏi gián tiếp, sự linh hoạt trong cách giáo dục và vai trò học tập mô phỏng từ anh/chị.

1. Lợi thế nhặt "điểm kinh nghiệm" từ anh/chị cả

Ngay từ khi sinh ra, con thứ đã được sống trong một gia đình có anh/chị lớn – tức là có sẵn một "tấm gương" để quan sát, học hỏi. Trong khi con cả phải tự mình trải qua mọi thử thách lần đầu tiên, thì con thứ có thể nhìn, phân tích và rút kinh nghiệm từ đó.

Ví dụ, khi học đi xe đạp, con cả có thể ngã hàng chục lần. Cha mẹ vừa lo lắng, vừa bối rối, có khi còn cáu gắt. Nhưng con thứ được quan sát toàn bộ quá trình này – thấy anh/chị ngã, thấy cha mẹ phản ứng thế nào, từ đó chuẩn bị tâm lý tốt hơn, ít sợ hơn và tiếp cận thử thách một cách khôn ngoan hơn.

Nhờ vậy, con thứ thường biết né tránh lỗi sai của anh/chị, đồng thời linh hoạt và hiệu quả hơn trong việc giải quyết vấn đề. Không chỉ trong kỹ năng, mà cả trong quản lý cảm xúc, giao tiếp và ứng xử xã hội – chúng có thể "vượt mặt" con cả trong một số lĩnh vực.

2. Lợi thế từ cha mẹ đã "lão luyện" hơn

Con cả là "chuột bạch" trong hành trình làm cha mẹ. Họ lo lắng, thiếu kinh nghiệm, dễ căng thẳng và khắt khe. Nhưng đến con thứ, họ đã dạn dày hơn, hiểu con cái hơn, biết cách xử lý sự việc một cách linh hoạt, bình tĩnh và nhẹ nhàng hơn.

Ví dụ, khi con cả sốt nhẹ, cha mẹ có thể hoảng loạn, đưa đi viện ngay lập tức. Nhưng đến con thứ, với những triệu chứng tương tự, họ có thể bình tĩnh theo dõi và xử lý phù hợp. Sự ổn định về tinh thần của cha mẹ chính là môi trường an toàn để con thứ phát triển độc lập, tự tin và biết điều tiết cảm xúc tốt hơn.

3. Lợi thế học hỏi trực tiếp từ "thầy giáo nhỏ" trong nhà

Con cả thường đảm nhiệm vai trò "thầy cô nhí" – dù là dạy bài vở hay... chỉ cách xin kẹo từ mẹ. Trong quá trình "dạy em", con cả phát triển năng lực lãnh đạo và giải quyết vấn đề. Trong khi đó, con thứ lại chính là người được học miễn phí mọi kỹ năng đó, lại thường được "hướng dẫn tận răng".

Điều này giúp con thứ phát triển nhanh hơn, học hỏi từ cả hành vi tốt và chưa tốt của anh/chị, hình thành tư duy phản biện và khả năng ứng biến linh hoạt trong cuộc sống. Không ít trường hợp, chính con thứ mới là người có khả năng sáng tạo và đổi mới mạnh hơn, "vượt mặt" anh/chị trong nhiều lĩnh vực.

"Biểu hiện IQ" không phải là tiêu chuẩn duy nhất để đánh giá sự thông minh, càng không phải là yếu tố duy nhất quyết định thành công. Trong thực tế, thành công phụ thuộc nhiều hơn vào cách một người đối mặt với thử thách, giải quyết vấn đề và xây dựng các mối quan hệ.

Không có định nghĩa tuyệt đối nào về "thông minh". Mỗi đứa trẻ đều độc đáo, mang trong mình tiềm năng khác nhau. Dù là con cả hay con thứ, ai cũng có con đường phát triển riêng và những điểm mạnh riêng biệt.

Chính môi trường và trải nghiệm sống khác nhau đã tạo nên những "kiểu thông minh" khác nhau ở mỗi người. Bởi vậy, thay vì so sánh, hãy giúp từng đứa trẻ hiểu được điểm mạnh của mình, phát huy nó và bước đi trên con đường riêng với sự tự tin và yêu thương.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày