Tái chế 100% thực phẩm thừa: Chiếc túi màu vàng đã biến hàng tấn rác tại Hàn Quốc thành tài nguyên đắt giá như thế nào?

Thanh Tâm, Theo Đời sống pháp luật 00:00 26/08/2024
Chia sẻ

Từ lâu, Hàn Quốc đã được biết đến là một trong những quốc gia có quy định phân loại rác và tái chế thực phẩm thừa cũng như rác thải nghiêm ngặt bậc nhất.

Cứ vài tháng một lần, bà Hwang Ae-soon (69 tuổi), một cư dân của thủ đô Seoul (Hàn Quốc), lại ghé một cửa hàng tiện lợi địa phương để mua một bó 10 chiếc túi nhựa màu vàng đặc biệt.

Chiếc túi này được bắt đầu sử dụng ở Hàn Quốc kể từ năm 2013, theo chương trình bắt buộc của Chính phủ Hàn Quốc. Theo đó, người dân được yêu cầu sử dụng những chiếc túi có màu vàng có giá 300 won (khoảnh 6.000 VND) này để bỏ thức ăn thừa. 

Tái chế 100% thực phẩm thừa: Chiếc túi màu vàng đã biến hàng tấn rác tại Hàn Quốc thành tài nguyên đắt giá như thế nào?- Ảnh 1.

Những chiếc túi rác màu vàng chuyên dùng để phân loại thực phẩm thừa tại Hàn Quốc

Ở nơi bà Hwang sinh sống, dịch vụ thu gom rác tại diễn ra mỗi ngày trừ thứ Bảy. Tất cả những gì bà và những người dân khác phải làm là để đồ ăn thừa đã ráo nước vào túi và đặt nó vào một thùng rác đặc biệt vào mỗi cuối ngày.

"Chúng tôi chỉ có hai người – chồng tôi và tôi nên chúng tôi vứt đi khoảng một túi thức ăn thừa mỗi tuần." -  bà Hwang cho hay.

Hwang, một nông dân thành thị cho biết vào những năm 1970 và 1980,  khi Hàn Quốc vẫn còn là một đất nước nghèo khó đến mức không đủ ăn, thức ăn thừa là một khái niệm quá xa vời khi mọi người đều ăn hết mọi thực phẩm mà họ có.

Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi khi quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ tại quốc gia này trong những thập kỷ tiếp theo, kéo theo hệ thống thực phẩm công nghiệp hóa và quy mô chất thải mới. 

Tái chế 100% thực phẩm thừa: Chiếc túi màu vàng đã biến hàng tấn rác tại Hàn Quốc thành tài nguyên đắt giá như thế nào?- Ảnh 2.

Tái chế 100% thực phẩm thừa: Chiếc túi màu vàng đã biến hàng tấn rác tại Hàn Quốc thành tài nguyên đắt giá như thế nào?- Ảnh 3.

Hàn Quốc có quy định phân loại rác nghiêm ngặt

Bắt đầu từ cuối những năm 1990, Hàn Quốc đã thực hiện một loạt chính sách để giảm bớt tình trạng được coi là cuộc khủng hoảng rác thải. Chính phủ đã cấm chôn thải hữu cơ tại các bãi chôn lấp vào năm 2005, tiếp theo là lệnh cấm khác đối với việc đổ nước rỉ rác, chất lỏng thối rữa được ép từ chất thải thực phẩm rắn vào năm 2013. Việc yêu cầu mọi người phải phân loại rác thải thực phẩm của mình khỏi chất thải thông thường cũng được bắt đầu tiến hành vào năm 2013.

Quay trở lại với chiếc túi thực phẩm của bà Hwang, sau khi được phân loại và thu gom, nó sẽ được chuyển đến một nhà máy cùng với hàng nghìn túi khác, nơi nhựa sẽ được tách ra và đồ ăn thừa sẽ được tái chế thành khí sinh học, thức ăn chăn nuôi hoặc phân bón. Một số thành phố đã đưa máy thu gom rác thải thực phẩm tự động vào các khu chung cư, cho phép cư dân không cần dùng túi và quẹt thẻ để thanh toán phí theo trọng lượng trực tiếp tại máy. Về mặt con số, kết quả của hệ thống này rất đáng chú ý. 

Nếu như vào năm 1996, Hàn Quốc chỉ tái chế được 2,6%rác thải thực phẩm thì ngày nay, nhờ vào những quy định nghiêm ngặt cùng sự hiệu quả của hệ thống này, Hàn Quốc tái chế gần như 100% lượng rác thải thực phẩm của mình mỗi năm.

Tái chế 100% thực phẩm thừa: Chiếc túi màu vàng đã biến hàng tấn rác tại Hàn Quốc thành tài nguyên đắt giá như thế nào?- Ảnh 4.

Công nhân phân loại rác tại một trung tâm tái chế rác thải ở quận Songpa-gu của Seoul, Hàn Quốc

Tính dễ sử dụng và khả năng tiếp cận đóng vai trò quan trọng đối với thành công của mô hình phân loại rác Hàn Quốc. Hong Su-yeol, một chuyên gia về chất thải và giám đốc của Resource Recycling Consulting, cho biết: "Hệ thống xử lý rác thải tại Hàn Quốc, đặc biệt là về tần suất thu gom, vô cùng tiện lợi so với các quốc gia khác".

Ngoài việc thu gom rác tại lề đường hàng ngày, Hong lưu ý tầm quan trọng của việc cân bằng giữa chia sẻ chi phí và khả năng chi trả. Rác thải thực phẩm nặng do hàm lượng ẩm cao, khiến việc vận chuyển trở nên tốn kém. Ở Hàn Quốc, doanh thu từ việc bán những chiếc túi phân loại rác thực phẩm được chính quyền quận thu để giúp trang trải chi phí cho quá trình này. Trên thực tế, nó được hoạt động như một loại thuế trả theo lượng rác. 

Ông cho biết: "Miễn là ý thức trách nhiệm công dân của công chúng có thể đáp ứng được, tôi nghĩ rằng việc tính phí đối với rác thải thực phẩm là điều tốt". 

Nguồn: The Guardian

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày