9h tối ngày thứ 6, tôi cùng 2 người bạn ngồi trong phòng, mỗi đứa một chiếc điện thoại và trò chuyện rôm rả về tất cả những thứ hiện lên trên Facebook.
Trong 1 phút, 1 dòng tin và vài bức ảnh ngay lập tức thu hút sự chú ý của tôi. Nghi vấn về một bệnh nhân thứ 17 - đã xuất hiện tại Hà Nội - và chỉ cách nhà mình có vài dãy phố.
Những tin đồn bắt đầu được truyền tay nhau trên Internet. 10h30, cuộc họp khẩn của UBND Tp Hà Nội đã chính thức xác nhận ca nhiễm virus corona thứ 17. Dù làm trong bất cứ ngành nghề nào, ở vị trí hay độ tuổi nào, tôi tin rằng bạn cũng đã có một buổi tối chỉ check liên tục các group chat, click vào những đường link và gửi cho nhau những thông tin vừa được update mới nhất từ một page cộng đồng nào đó.
Nỗi sợ hãi trước sự lây lan và nguy hiểm của virus corona đã được bơm phập phồng trong lồng ngực chúng từ cách đây 2 tháng. Tin xấu từ khắp thế giới đổ về mỗi ngày tạo thành một quả bom nổ chậm trong mỗi người, và chỉ đến khi cái tên “bệnh nhân thứ 17” xuất hiện - quả bom được kích nổ theo cấp số nhân.
Tin đồn, sự phẫn nộ, lo lắng - tất cả đẩy con người ta vào một trạng thái kích động và không thể suy tính điều tỉnh táo. Chỉ sau 1 buổi tối, chúng ta đã thấy hình hài một cơn hoảng loạn theo quy mô toàn Internet Việt có hình hài ra sao.
Nhưng không phải nỗi sợ hãi và phẫn nộ - là thứ bảo vệ ta và người thân lúc này. Mà đó chính là sự bình tĩnh, kiến thức và trách nhiệm với xã hội. Chính 3 điều đó sẽ giúp chúng ta tỉnh táo vượt qua những ngày thử thách sắp tới cùng nhau.
Chúng ta cần kiến thức. Bởi chỉ có kiến thức mới là thứ soi sáng tâm trí, giúp ta nhìn nhận vấn đề một cách rõ ràng và thông minh. Kiến thức giúp ta tư duy giữa đúng - sai, thật - giả. Quan trọng nhất, kiến thức giúp ta có phương cách cơ bản nhất để tự bảo vệ mình, bảo vệ người thân xung quanh. Có kiến thức, bạn sẽ biết cách phòng tránh. Bạn sẽ không tự biến mình thành một nguy cơ khi có thể tự nhận định tình trạng bản thân, tự phân tích những triệu chứng nếu có. Ta sẽ đứng vững giữa những ngày khó khăn nhất - chỉ cần trước hết, ta hiểu đúng mình phải làm gì, và mọi thứ đang vận hành ra sao.
Kiến thức tạo ra sự bình tĩnh. Dĩ nhiên, lo lắng là quyền và cảm xúc cơ bản của mỗi người khi đối mặt với “kẻ thù” này. Nhưng, hơn ai hết, trong hoàn cảnh rối ren, chúng ta cần sự bình tĩnh. Chỉ bình tĩnh mới giúp ta tỉnh táo nhìn rõ đường đi. Chúng ta cần thận trọng và không chủ quan, chứ không cần thêm một nỗi hoang mang được thổi phồng. Đứng giữa những cơn sóng fake news và cảm xúc lẫn lộn của cộng đồng mạng, chỉ sự bình tĩnh mới giúp ta không bị cuốn theo một cách cảm tính.
Kiến thức tạo ra trách nhiệm. Bởi cuối cùng, quan trọng nhất, đó là ta cần xác định đặt sự an toàn của cộng đồng lên trước quyền lợi của bản thân. Đây là lúc ta sống không chỉ cho mình, mà còn cho cả người thân và cả một xã hội. Ta cần có trách nhiệm với nơi mình sống và cả đất nước mình đã lớn lên.
Trách nhiệm khiến chúng ta phải nghiêm túc với tình trạng của mình, nghiêm túc với việc kiểm dịch - nhất là với những người từ vùng dịch trở về, và những người nằm trong phạm vi tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm virus. Không phải chỉ đến “bệnh nhân thứ 17”, chúng ta mới được đọc về những trường hợp trốn khai báo y tế khi nhập cảnh Việt Nam. Trước đó, thậm chí có những người trốn thành công, còn khoe hẳn trên một đoạn livestream Facebook.
Trách nhiệm khiến chúng ta không sợ hãi trước con số “14 ngày cách ly". Trách nhiệm khiến chúng ta không đặt sự thoải mái của bản thân làm mục đích để trốn kiểm dịch, để không phải rời xa tiện nghi và xáo trộn cuộc sống trong 14 ngày. Nên nhớ, chúng ta đang ở những ngày cam go nhất của một dịch bệnh. Chống dịch như chống giặc, và ai cũng phải hiểu mình sẽ cùng nhau bước vào trận chiến này như một người lính chứ không phải một kẻ luồn cúi để né đi cho yên thân.
Mỗi người dân đều là một lá chắn phòng dịch. Thêm 1 người giữ ý thức nghiêm ngặt là thêm 1 rào chắn bảo vệ chính bản thân bạn, gia đình và người thân của bạn và cả xã hội. Chúng ta chiến đấu với dịch bệnh và đồng hành với những nỗ lực của chính phủ bằng chính ý thức của mình. Bảo vệ bản thân bằng ý thức vệ sinh cá nhân thật tốt. Tạo thói quen đeo khẩu trang, rửa tay mỗi khi tham gia các hoạt động công cộng. Hạn chế tụ tập đông người. Khai báo y tế trung thực. Không lan truyền những thông tin không được kiểm chứng, tin đồn thất thiệt. Nếu có triệu chứng, thực hiện nghiêm túc việc tự cách ly và cách ly để giữ an toàn cho cộng đồng. Chỉ 1 “bệnh nhân thứ 17” đã khiến diễn biến dịch xấu đi trong vòng 2 ngày đủ để chúng ta hiểu sự quan trọng trong việc giữ ý thức cá nhân mang tính quyết định như thế nào trong cuộc chiến cam go này.
Hơn hết, chúng ta hãy có lòng tin vào chính phủ. 24 ngày không có ca nhiễm mới, và dù nằm sát gốc dịch Trung Quốc, cũng như là điểm đến nóng của du khách hai “ổ dịch” Hàn Quốc, Nhật Bản - thế nhưng trong suốt 2 tháng vừa qua, Việt Nam đã làm rất tốt tất cả những công tác kiểm dịch và có bước tiến lớn trong nghiên cứu y tế. Hãy an tâm rằng bạn đang được bảo vệ bằng một sự nghiêm túc và quyết liệt của một bộ máy đầy kinh nghiệm và hiệu quả. Và tất cả những gì quyết định việc Hà Nội, và thậm chí là cả Việt Nam - có tiếp tục chiến thắng con virus tai ác vào đợt sóng thứ 2 này không - tuỳ thuộc rất nhiều ở chính chúng ta.
Hãy tin rằng, chỉ cần mỗi người có ý thức và trách nhiệm bảo vệ cộng đồng, Hà Nội sẽ vượt qua cơn sóng gió này.