"Sung" như các cụ bà U80 nhảy Hip hop ở hồ Gươm: Mỗi ngày trồng cây chuối 10 cái, vừa thổi cơm vừa bật nhạc nhảy

Minh Nhân - Ảnh: Việt Anh - Clip: Kingpro, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 14/11/2018
Chia sẻ

Hip hop với các cụ U80 không phải là một cách để nổi loạn, không chơi ngông cũng chẳng phá cách. Đơn giản đó là nghệ thuật của cái đẹp, của âm nhạc cùng các động tác cơ thể, đặc biệt để khắc chế bệnh tật.

8h sáng. Dưới bóng râm cây lộc vừng 9 gốc cạnh hồ Gươm.

Tiếng nhạc rộn rã, xập xình. Những cái đầu lắc lư, đôi chân đá qua đá lại, cánh tay sải rộng, lắc hông này rồi nhún nhảy. Kết thúc là những nụ cười thật sảng khoái. Họ - những "dancer nghiệp dư" đầu đã điểm hoa râm, thậm chí bạc trắng một vùng, đi giày thể thao, mặc đồng phục "Never give up", "diện" quần hoa. Cả một khoảng sân lớn, họ say sưa thực hiện những cú đá ngựa (Flare) trên nền nhạc thể loại Electro house. 

Hip hop - điệu nhảy sinh ra tưởng chừng chỉ dành cho giới trẻ bởi sự khỏe khoắn và hoang dại, nay bỗng "trỗi dậy", chứng minh sức hấp dẫn lạ kỳ với các cụ U70, U80. Ai bảo chỉ người trẻ mới có thể học và nhảy Hip hop. 

Sung như các cụ bà U80 nhảy Hip hop ở hồ Gươm: Mỗi ngày trồng cây chuối 10 cái, vừa thổi cơm vừa bật nhạc nhảy - Ảnh 1.

Lớp học, CLB "Người già nhảy Hip hop" đã tồn tại và trưởng thành hơn 10 năm qua. Khẩu hiệu của các cụ là không bao giờ bỏ cuộc.

Các cụ bà U80 nhảy Hip hop ở hồ Gươm: Mỗi ngày trồng cây chuối 10 cái, vừa thổi cơm vừa bật nhạc nhảy. Thực hiện: Kingpro.

Hip hop - môn nghệ thuật không giới hạn tuổi tác

Xuất phát từ những bài học sơ khai của dancer Nguyễn Việt Thành (trưởng nhóm nhảy Bigtoe), sau 8 năm tập luyện, câu lạc bộ "Người già nhảy Hip hop" từ lúc chỉ có 4 - 5 thành viên, đã hội tụ gần 30 các cô, các cụ từ độ tuổi U50 trở lên. Các buổi tập nhảy thường bắt đầu từ 8h30 mỗi sáng trong tuần, kéo dài khoảng 2 tiếng. 

"Thầy" Thành là người đặt những viên gạch đầu tiên cho lớp học nhảy. Anh mang đến một hơi thở hoàn toàn mới, nếu không muốn nói là lạ lẫm cho Hip hop. Tại sao chúng ta vẫn luôn nghĩ, bộ môn nghệ thuật này chỉ dành cho người trẻ, hoặc những ai cá tính, nổi loạn, mà không hề để ý Hip hop dành cho tất cả, một cách công bằng nhất. Lấy chính hình ảnh cây lộc vừng 9 gốc cạnh sân tập làm biểu tượng cho lớp học, anh Thành muốn gửi gắm thông điệp: Never Give Up (không bao giờ từ bỏ) để khuyến khích, động viên các học viên nhiều tuổi. 

Hễ nhạc nổi lên, phải là thể loại sôi động nhé, các cụ tự động đứng thành hàng, uyển chuyển hết sức từ đầu, vai, tay tới chân. Thậm chí có nhiều cụ có thể nhào lộn nhiều vòng trước sự ngạc nhiên của các thành viên khác. Sự sôi động, huyền bí bởi thứ âm thanh đặc trưng của trống và bass dồn dập. Từng cảm xúc sâu lắng hay hoang dã hoặc u ám làm nền cho những cú lắc hông, chao lượn sải tay, tạo sóng của các thành viên lớp học.

Đều đặn mỗi sáng từ 8h30, các cụ bắt đầu những buổi tập nhảy Hip hop.

Từ trước đến nay, Hip hop gây ấn tượng với những động tác khỏe, khéo léo với những tiết tấu nhanh, mạnh. Nhiều người lo ngại, liệu các cụ ở độ tuổi "thất thập cổ lai hy" có phù hợp với sự nhanh - mạnh của Hip hop?

Thực chất, Hip hop dành cho người già chủ yếu là những bài tập nhẹ hàng, những động tác mềm mại, uyển chuyển để cơ thể chống lại các bệnh về lưng, cổ. Các cụ trong lớp học của "thầy" Thành đều thành thạo hầu hết các động tác cơ bản của Hip hop. Và nhờ những niềm vui mà Hip hop mang lại, họ coi đây là một phần không thể thiếu trong cuộc sống tuổi già. Bất cứ ai đến với câu lạc bộ "Người già nhảy hip hop", cái họ nhận về, trước tiên là sức khỏe và sau là niềm đam mê với những thứ mà họ đã từng nghĩ không bao giờ "thích".

"Hip hop giúp bác thoải mái, khỏe ra, còn chữa được bệnh nữa. Ngày xưa bác bị đau đầu gối, cô em gái ruột là chủ nhiệm CLB mới bảo: "Chị ra tập đi, sẽ khỏi bệnh nhanh thôi!". Ban đầu bác tưởng không tập được. Bác chỉ đứng đằng sau, nhìn mọi người rồi tập theo. Một thời gian sau, chân bác đỡ hơn, không vấn đề gì". Và đến bây giờ, bác Nguyễn Thị Hồng (79 tuổi) đã có 7 năm gắn bó với "Hip hop hồ Gươm". Bác chỉ nghỉ 1 - 2 buổi nếu có nhỡ bận việc gia đình, rồi buồn chân buồn tay, bác tiếp tục đều đặn mỗi sáng bắt 2 chuyến xe buýt đến lớp học.

Sung như các cụ bà U80 nhảy Hip hop ở hồ Gươm: Mỗi ngày trồng cây chuối 10 cái, vừa thổi cơm vừa bật nhạc nhảy - Ảnh 4.

Hình ảnh cây lộc vừng 9 gốc được in lên đồng phục của lớp.

Sung như các cụ bà U80 nhảy Hip hop ở hồ Gươm: Mỗi ngày trồng cây chuối 10 cái, vừa thổi cơm vừa bật nhạc nhảy - Ảnh 5.

Tinh thần Hip hop của các cụ U70, 80 rất mãnh liệt.

Với bác Hồng, trước tiên là được tập Hip hop cùng những người bạn già, sau là vui! Mọi muộn phiền cứ thế "bay" đi, vui lắm! Cũng có người mỉa mai, "Già như thế rồi còn nhảy Hip hop", bác Hồng đáp trả "rất cứng" bằng một bài hát - cũng chính là "quốc ca" của CLB.

"Hip hop năm xưa dành cho lớp trẻ

Hip hop bây giờ các cụ cũng mê

Con cháu chúng tôi luôn luôn khuyến khích các cụ đi tập

Cho tăng sức khỏe, bệnh tật đẩy lùi"

Không màu mè đầu tóc, không lỉnh kỉnh phụ kiện, dây đeo, thứ nhiều nhất ở lớp học là tiếng cười và sự quan tâm. Hip hop với các cụ, không "nổi loạn", không "chơi ngông" cũng chẳng "phá cách". Đơn giản đó là nghệ thuật của cái đẹp, của âm nhạc cùng các động tác cơ thể. Đặc biệt, nhảy Hip hop để khắc chế... bệnh già!

Sung như các cụ bà U80 nhảy Hip hop ở hồ Gươm: Mỗi ngày trồng cây chuối 10 cái, vừa thổi cơm vừa bật nhạc nhảy - Ảnh 6.

Thỉnh thoảng, lớp học lại đón một số dancer trẻ tới giao lưu, dạy nhảy.

Sung như các cụ bà U80 nhảy Hip hop ở hồ Gươm: Mỗi ngày trồng cây chuối 10 cái, vừa thổi cơm vừa bật nhạc nhảy - Ảnh 7.

"Nào, chúng ta cùng nhau nhảy Hip hop!!!"

Mỗi ngày trồng cây chuối 10 cái, vừa thổi cơm vừa bật nhạc nhảy

Bác Nguyễn Thị Hành (67 tuổi) là người có kỹ năng phải nói là "điệu nghệ" nhất trong lớp học. Động tác nào bác thích, bác đam mê, chỉ cần chú ý chút là đều nhảy được hết, kể cả trồng cây chuối! Từ ngày nhảy Hip hop, bác Hành không còn phải uống thuốc trị bệnh huyết áp cao, mỗi ngày cứ trồng cây chuối 2 - 3 lần, tổng 10 cái là coi như khỏe ra. 

"Hip hop dành cho những người cao tuổi tập điệu dễ, không khó như thanh niên. Thích thì vừa thổi cơm vừa bật nhạc nhảy. Thế là chóng hết ngày hết giờ. Ngày xưa chưa nhảy Hip hop, nhiều khi bác hay cáu bẳn, giận dỗi vu vơ. Nhưng sau rồi, thấy trong người vui vui. Chồng mắng thì mình hát. Thỉnh thoảng vui cứ tự bật nhạc nhảy, tiếng hát... át luôn tiếng chồng".

Bác Hành hài hước kể lại quá trình đến với Hip hop đường phố của mình, mà nhiều khi mấy đứa con cứ sợ người ngoài không hiểu chuyện, lại cười chê mẹ mình. Đặc biệt có những hôm "kín lịch" tập nhảy, bác Hành lại nhờ con gái nghỉ làm ở nhà một ngày, để mẹ thoải mái... đi cả ngày cả đêm.

Các cụ đều đã nắm chắc hầu hết các động tác cơ bản của Hip hop mà anh Thành Bigtoe dạy cách đây từ rất lâu.

Một khi chất Hip hop "ngấm" vào máu, mấy bài thể dục nhẹ nhàng như yoga, dưỡng sinh bỗng trở nên... chán lắm! Các bác, các cụ giờ yêu thích những loại nhạc sôi động, hấp dẫn. Nhạc càng sôi động, các cụ càng sướng. Bởi khi đó, cơ thể mình hòa với tiếng nhạc, cứ thế mà uyển chuyển, thoải mái đưa chân, vung tay. 

Có lẽ với nhiều người, dạy Hip hop cho người già là một ý tưởng điên rồ! Nhưng ít ai biết, chính các cụ với tuổi đời 70, 80 lại có sự kiên trì, bền bỉ và khả năng tập trung cao độ mà chưa chắc người trẻ đã có. Bác Nguyễn Thị Nghĩa (68 tuổi) với 8 năm theo lớp học "thầy" Thành, luôn xem Hip hop là sở thích và niềm đam mê bất tận, mà như bác chia sẻ, là sẽ chẳng bao giờ bỏ cuộc được. 

Bác Nghĩa tâm sự, "Hôm nào không đi tập thì nhớ lắm. Thế nên mỗi tối đi bộ dọc phố, thấy các cháu nhảy là các bác cũng vào nhảy giao lưu. Từ đó mình có động lực, niềm hứng khởi cố gắng tập luyện mỗi ngày. Cảm giác ngày đầu làm quen các động tác thấy hơi khó, nhưng khi đã dần quên thì mọi thứ không có gì là quá khó khăn".

Sung như các cụ bà U80 nhảy Hip hop ở hồ Gươm: Mỗi ngày trồng cây chuối 10 cái, vừa thổi cơm vừa bật nhạc nhảy - Ảnh 9.

Linh 3T - trưởng nhóm S.I.N.E tập nhảy cùng các cụ.

"Có những cái mình dạy cho các cụ và cũng có những điều các cụ dạy ngược lại mình"

Trong nhiều bài chia sẻ, anh Thành Bigtoe từng bộc bạch ý tưởng dạy Hip hop cho người cao tuổi đến với anh từ việc mỗi sáng đi dạo bờ Hồ và ngồi nói chuyện với các cụ. Các cụ thường kêu mỏi cổ, nhức chân, đau sống lưng. Những "sự cố" tuổi già này hoàn toàn có thể khắc chế nếu họ rèn luyện phù hợp. 

Sau khi mở lớp giúp các cụ có nơi tập luyện đẩy lùi bệnh tật, anh Thành lại đắn đo với những định kiến của nhiều người về học và nhảy Hip hop, nhất là với người già ở lứa tuổi 70 - 80. Mong muốn của anh là bất cứ ai cũng có thể yêu và dành nỗ lực cho học bộ môn nghệ thuật "kén người" này. Hip hop là không biên giới và không lứa tuổi!

Trong cộng đồng, Phạm Khánh Linh (Linh 3T, biên đạo, Bboy chuyên nghiệp) được đánh giá là một trong những dancer "rường cột" của làng Hip hop Việt. Linh 3T đến với Hip hop từ năm 16 tuổi. Anh thành lập nhóm S.I.N.E (Saying is not enough – Nói là không đủ) để được sống trọn với niềm đam mê và để cho mọi người thấy Hip hop cũng là một bộ môn nghệ thuật. Khi đến một lúc Linh không thể tham gia các giải đấu nữa thì mình vẫn có thể cống hiến kinh nghiệm và truyền nhiệt huyết cho những thế hệ tiếp nối.

Sung như các cụ bà U80 nhảy Hip hop ở hồ Gươm: Mỗi ngày trồng cây chuối 10 cái, vừa thổi cơm vừa bật nhạc nhảy - Ảnh 10.

Các cụ vui vẻ, hứng khởi khi được ôn lại nhiều chuyển động tưởng đã "quên lãng".

Đến với CLB "Người già nhảy Hip hop", Linh 3T cùng cười, cùng vui, cùng nắm tay hô vang khẩu hiệu với các cụ. Có vẻ như giữa 2 lớp người nhiều thế hệ, Hip hop giúp họ phá bỏ mọi rào cản vô hình. Linh làm mẫu, các cụ nhìn rồi tập theo, từ những cái "quẹt chân" trên nền đất đến cách đá chân sao cho có nhịp điệu. 

"Mình biết, có cụ vẫn còn hoạt động trong CLB, có người không. Nhưng mà vô hình chung, mình nhìn vào mắt các bác, các cụ thấy niềm vui được vận động. Đó là điều quan trọng nhất với Hip hop bây giờ".

Linh nghĩ, tại sao tại Hà Nội này, các bác, các cụ không thể có được sự kết nối với chúng ta - những người trẻ, hoặc những nhóm yêu thích nghệ thuật. Đương nhiên có rất nhiều người trong cộng đồng Hip hop biết đến các cụ nhưng họ tỏ ra ngại ngần trong việc giao lưu, nói chuyện với nhau.

Họ từng hỏi Linh, nhóm của các cụ có phải là CLB Hip hop thực thụ?

"Mình cũng phải hỏi lại các bạn ấy: Thế Hip hop là gì? Là niềm vui? Là cộng đồng? Là tình yêu? Là kết nối? Vậy CLB của các bác, các cụ đang thiếu điều gì? Liệu đó có phải tính chuyên môn? Tất nhiên không phải. 

Đến với Hip hop, người già đặt niềm vui là mục tiêu đầu tiên. Có những cái mình dạy cho các cụ và cũng có những điều các cụ dạy ngược lại mình. Đó mới chính là tinh thần Hip hop cần có tại Việt Nam".

Trong thế giới Hip hop, mọi người đều công bằng như nhau.

Mỗi chúng ta có mục tiêu riêng trong cuộc sống. Cộng đồng Hip hop cũng vậy, có mục tiêu riêng, có những văn hóa riêng. Nhưng Linh bảo, văn hóa Hip hop và văn hóa nghệ thuật cần hòa quyện vào nhau. Khi chúng ta là một người 60-70 tuổi, liệu chúng ta có nhảy được như các cụ không?

Thời gian gần đây khi lớp học của các cụ bỗng nổi lên như một "hiện tượng", khẳng định "Hip hop never dies" (Hip hop không bao giờ chết!), nhiều người nói, Hip hop không phải như thế.

Đúng. Hip hop không hẳn vậy, không phải những động tác có phần nhẹ nhàng, sai sai, chưa chuẩn chỉnh chuyên môn. Nhưng hơn hết, điều chúng ta trân trọng ở lớp học Hip hop của thế hệ U70, U80 là tinh thần, là đam mê và sở thích mà chưa chắc các bạn đã có. Không có cái gọi là phải thế này hay phải thế kia trong việc mang lại niềm đam mê với ai thích bộ môn nghệ thuật này.

Sung như các cụ bà U80 nhảy Hip hop ở hồ Gươm: Mỗi ngày trồng cây chuối 10 cái, vừa thổi cơm vừa bật nhạc nhảy - Ảnh 12.

Hip hop của thế hệ U70, U80 là tinh thần, là đam mê và sở thích mà chưa chắc các bạn đã có.

"Chúng mình sẽ trân trọng tinh thần đó của các cụ. Hơn hết, mình vẫn luôn mong, niềm tin của họ mãi bùng cháy, để lan tỏa Hip hop đến mọi người. Hip hop chẳng hề có sự phân biệt nào" - Linh 3T nở cụ cười duyên, thỏa mãn vì đã lý giải được phần nào với tất thảy thế nào thực sự là Hip hop. 

Anh kết thúc buổi giao lưu với các cụ bằng một cú chào "chất chơi" hết cỡ, và xin hẹn gặp lại những "dancer nghiệp dư" trong thời gian gần nhất. 

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày