Sủi cảo Trung Quốc, mandu Hàn Quốc và gyoza Nhật Bản: đâu mới thật sự là "bản gốc" và liệu có khác gì nhau không?

Hạ Linh, Theo Trí Thức Trẻ 15:18 30/08/2020

Dù nhìn khá giống nhau nhưng sủi cảo, mandu và gyoza vẫn có sự khác biệt đấy!

Nếu là một tín đồ ẩm thực yêu thích tìm hiểu các món ăn ở khắp nơi trên thế giới, có lẽ bạn sẽ chẳng lạ gì các món ăn như mandu, gyoza và đặc biệt là sủi cảo. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người dù từng biết, từng ăn thử qua nhưng lại chưa thể rõ ràng về nguồn gốc của các món ăn này. Thế nên, có lẽ nhiều người cũng từng đặt ra những câu hỏi: 3 món ăn trên có gì giống và khác nhau? Món nào mới thật sự là "bản gốc"?

Sủi cảo (Trung Quốc)

Món sủi cảo của Trung Quốc thì đã quá nổi tiếng rồi! Không những phổ biến khắp các vùng tại Trung Quốc, món ăn này còn "xuất ngoại" đến nhiều nơi trên thế giới, trong đó có cả Việt Nam. Sủi cảo còn có tên gọi khác là bánh chẻo, là một món ăn truyền thống ở Trung Quốc. Đây được xem như "bản gốc", sau khi lan rộng đến nhiều nơi, biến tấu nguyên liệu thì còn được đặt cho những cái tên khác.

Món sủi cảo có thể ăn quanh năm nhưng vào dịp Tết cổ truyền thì nhất định không thể thiếu bởi người Trung Quốc tin rằng ăn món này sẽ mang lại sự hạnh phúc. Sủi cảo có nhiều loại nhân như thịt, tôm, bắp cải trộn với gia vị rồi đặt vào bên trong miếng bột tròn cán dẹt, gập đôi lại rồi gấp nếp tạo nên hình dáng vô cùng đẹp mắt. Phần vỏ của món ăn này được làm khá dày. Sủi cảo có thể hấp, luộc hoặc chiên.

Mandu (Hàn Quốc)

Một món ăn của Hàn Quốc cũng khá nổi tiếng, gần đây còn thường xuyên được cặp vợ chồng nổi tiếng Trấn Thành - Hari Won thường xuyên làm ăn. Nhìn qua bề ngoài, có lẽ nhiều người sẽ lầm tưởng đây là sủi cảo của Trung Quốc nhưng thật sự, mandu vẫn có điểm khác biệt.

So với sủi cảo, nhân mandu thường chỉ được làm bằng các nguyên liệu quen thuộc là thịt heo, nấm, đậu hũ, hành và trứng. So với sủi cảo của Trung Quốc và cả gyoza của Nhật thì mandu có điểm khác biệt lớn ở việc dùng đậu phụ làm nhân. Đôi khi, người ta còn cho cả kim chi vào nhân của món ăn này.

Một điểm khác biệt nữa so với sủi cảo là mandu có phần vỏ mỏng hơn, thường được rán hơn là hấp hay luộc. Ngoài dạng dẹt, mandu còn được nặn thành dạng hình tròn.

Gyoza (Nhật Bản)

Đi ăn tại các nhà hàng Nhật Bản, có thể bạn sẽ thấy món có hình ảnh giống như sủi cảo, đó chính là gyoza - một phiên bản khác của sủi cảo ở Nhật. Gyoza là phiên âm tiếng Nhật của Jiaozi - sủi cảo.

Theo Andrea Nguyen (tác giả cuốn sách Asian Dumplings) thì gyoza có điểm khác biệt là vỏ bánh mỏng hơn so với sủi cảo do chúng thường được làm trước và bảo quản lâu, trong khi vỏ bánh sủi cảo thường được làm tươi và dùng trong ngày.

Phần nhân của gyoza được nghiền nhuyễn và mịn hơn nên khi ăn sẽ thấy mọi thứ hoà quyện vào nhau. Những chiếc gyoza cũng thường được làm nhỏ hơn so với sủi cảo.

Nguồn: Tổng hợp.