Trên người
kiến ba khoang chứa chất nọc rất độc, chỉ cần 1 tiếp xúc từ da với cơ thể chúng cũng để lại những thương tổn. Khi phát hiện ra kiến ba khoang, nhiều người tự dùng tay đập, giết luôn trên da như với muỗi, kiến thông thường khiến nọc độc lan ra, bao gồm cả vết đốt lẫn vùng da xung quanh và lòng bàn tay.
Nếu sau đó không để ý vết thương sẽ có thể tiến triển gây viêm da và kéo dài thời gian khỏi. Vì vậy, khi thấy kiến ba khoang trên da tuyệt đối không tự dùng tay trần để giết chúng, hãy thổi nhẹ hoặc dùng vật dụng để hất nhẹ chúng ra để tránh lây lan diện rộng.
Trong trường hợp đã bị đốt, bạn cần tránh những sai lầm trong cách xử lý vết thương sau:
Rửa vết thương bằng nước thông thường
Sau khi bị kiến ba khoang đốt, rửa tay bằng nước sạch thôi không đủ để tránh lây lan cũng như khử trùng tạm thời cho vết thương. Bởi vậy, khi bị loài côn trùng này cắn hãy rửa sạch tay với xà phòng sau đó sử dụng thuốc bôi hợp lí. Khi thấy xuất hiện các vết ban đỏ, lấm tấm mụn nước hãy dùng nước muối sinh lí rửa nhẹ ngày 3-4 lần để trung hòa chất tiết của côn trùng.
Không nắm rõ tiến triển bệnh và tự ý bôi thuốc không đúng cách
Nhiều người thường nhầm lẫn vết đốt do kiến ba khoang với bệnh zona, khi trên da xuất hiện những vết phỏng rộng, lan tỏa, có mủ đã tự mua thuốc để bôi. Do không nắm rõ tình hình tiến triển của vết thương và cứ nghĩ bôi càng nhiều thuốc càng tốt. Có những người bệnh bôi quá nhiều Acyclovir đến mức bị loét da, tổn thương sâu hơn, lúc này việc điều trị sẽ càng lâu hơn.
Với những vết thương hãy bôi các thuốc như hồ nước để làm dịu da, hồ Tetra – pred, với tổn thương khô dùng kem kháng sinh kết hợp chống viêm theo đúng liều lượng như chỉ dẫn. Tuy nhiên nếu bôi thuốc vẫn không giảm nhanh triệu chứng xuất hiện kèm tổn thương lan rộng, bạn cần đến gặp ngay bác sĩ để được chẩn đoán tránh nhiễm trùng.
Gãi làm vết thương nghiêm trọng, nhiễm trùng da
Khi bị kiến ba khoang đốt, hiện tượng đầu tiên sẽ gặp phải là ngứa rát râm ran rất khó chịu và kéo dài. Khi đó nhiều người có thói quen gãi vết thương, việc làm này có thể gây bợt da, trầy loét vết đốt, tổn thương sâu. Hơn nữa, tay tiếp xúc với nhiều bề mặt sẽ chứa những bụi bẩn và vi khuẩn gây hại cho những vết thương hở, có thể dẫn tới nhiễm trùng da, nếu kéo dài dẫn tới nhiễm trùng toàn thân rất nguy hiểm. Vì thế, tuyệt đối không gãi những vết thương bạn nhé!