1. Từ lúc em mới dậy thì ngực căng tròn thì nhũ hoa của em nó đã bị thụt vào trong rồi. Nó chỉ lồi ra khi em bị kích thích hay trời lạnh làm em nổi da gà rồi sau đó lại thụt mất. Em nghe người ta nói sau khi lấy chồng sẽ bình thường lại, có đúng không ạ? (Ngọc Điệp)
Trả lời:
Bạn thân mến!
Thông thường nguyên nhân chủ yếu của tụt núm vú, ngắn ống tuyến sữa do thiểu sản và thiếu hụt tổ chức liên kết dưới núm vú. Tùy vào mức độ tụt vào trong của núm vú mà có các kỹ thuật phẫu thuật thẩm mỹ khác nhau để đưa núm vú ra ngoài mà không làm tổn thương đến ống tuyến sữa cũng như cảm giác tại núm vú.
Một số kỹ thuật được thực hiện như sau: Dùng một sợi chỉ tựa (tạm thời) đính nhấc đầu núm vú nâng lên, sau đó tạo đường kết nối bền vững bằng khâu đính giữa 2 thành bên của núm vú. Đường kết nối này nằm phía trên bề mặt tuyến và bầu vú giúp cho núm vú không bị tụt trở lại mà được định hình cao hơn bầu vú, do đó tạo được núm vú cao và đẹp tự nhiên.
Còn câu hỏi của em, sau khi lấy chồng có con khi cho con bú sẽ tạo ra tác dụng cơ học liên tục để kéo núm vú ra ngoài. Tuy nhiên chỉ có hiệu quả ở bà mẹ có núm vú tụt vào trong mức độ nhẹ và thời gian nuôi con bằng sữa mẹ kéo dài, trẻ có khả năng bú tốt. Tuy nhiên nếu núm vú được đưa ra ngoài có thể cũng không cân xứng và đảm bảo thẩm mỹ như phẫu thuật được.
2. Ngực em một bên ngực to và một bên ngực nhỏ, thì liệu có bị làm sao không? Và sau này có con sẽ như thế nào? Lúc em có thai ngoài ý muốn, ở nách bên phải em bị sưng lên, cảm thấy đau nhức, buốt. Khi không mang thai, thì nó lại bình thường, không sưng, không đau nhức, nhưng lấy tay sờ vào thì thấy một cục nhỏ, hơi cứng cứng một chút. Thế có làm sao không ạ? (Minh Hương)
Trả lời:
Chào bạn!
Có một số trường hợp bình thường, nhưng kích thước vú hai bên ở người phụ nữ có thể không đồng đều nhau. Nếu sau này em sanh con và cho con bú, vú của em vẫn phát triển bình thường. Trong mail hỏi, em không nói rõ về kích thước hai bên vú của em chênh lệch nhau nhiều hay ít?
Còn khi có thai nếu bên nách phải có khối sưng và đau buốt và khối u này mất đi khi không có thai như em mô tả, thì có thể đó là trường hợp tuyến vú phụ và không cần điều trị gì. Tuy nhiên, em cần đi khám chuyên khoa để bác sĩ định bệnh chính xác.
Có một giải pháp để làm cân đối lại hai bên vú khi mang thai là thường xuyên cho bé bú bên vú có kích thước nhỏ hơn, để kích thích sự lên sữa bên vú này nhằm cân bằng phần nào kích thước vú hai bên.
3. Em năm nay 19 tuổi, nặng 48 kg, cao 1m54 và chưa lập gia đình. Khoảng vài tháng gần đây, đầu núm vú của em (chỗ để tiết ra sữa) có hiện tượng tiết ra một chất màu trắng đục, đặc sánh (nhưng chỉ ít thôi). Em rất lo lắng không biết mình có bị bệnh gì ở vú không, xin giải đáp cho em ạ? (Hoài Phương)
Trả lời:
Chào bạn!
Hiện tượng tiết dịch như em mô tả, nếu ngoài thời kỳ cho con bú thì cần phải thăm khám và siêu âm vú. Đối với phụ nữ dưới 35 tuổi thì cần phải quan tâm nhiều hơn về tình trạng này. Dịch tiết ở núm vú cần được khám và xét nghiệm chẩn đoán tế bào lành tính hay ác tính.
Ngoài ra nên làm xét nghiệm cần thiết liên quan đến bệnh lý này như đo lượng prolactine trong máu để xác định nguyên nhân. Theo em mô tả lượng dịch tiết màu trắng đục, đặc và ít thì không có gì nghiêm trọng lắm, đôi khi do bị viêm nhiễm ở đầu vú. Tuy nhiên, cũng không nên xem thường triệu chứng này, nếu em thấy bị chảy dịch kéo dài nên đến chuyên khoa nhũ để khám.