Đánh tan cơn đau vai gáy khi ngồi máy tính nhiều

Bác sĩ Mèo, Theo Mask Online 12:00 20/10/2014
Chia sẻ

Đau vai gáy là hội chứng mà rất nhiều người gặp phải đấy nhé!

Chào bác sĩ,

Trước đây, cứ mỗi khi ngồi máy tính được một lúc là cháu lại bị đau vai và gáy, nhưng thường thì 1 lúc sau sẽ hết. Không hiểu sao, dạo gần đây, tình trạng đau nhức vai gáy khi ngồi máy tính còn kéo dài cả khi cháu không ngồi máy tính nữa. Thậm chí, bây giờ, chỉ cần ngồi học trong thời gian ngắn (không có máy tính) là cháu lại đau vai. Cho cháu hỏi, có cách nào chữa trị tình trạng này không ạ?

Cháu cảm ơn bác sĩ. (nhut…@gmail.com)

Trả lời:

Chào cháu,

Đau vai, mỏi gáy khi ngồi máy tính nhiều là một triệu chứng rất phổ biến và xảy ra ở mọi lứa tuổi, mọi giới… Hội chứng đau vai gáy không có gì quá nguy hiểm, nhưng nó gây ra sự khó chịu, làm giảm sức lực, ảnh hưởng không tốt tới công việc, học tập và cuộc sống hàng ngày.

Nguyên nhân gây đau vai gáy

- Ngồi sai tư thế, nằm co quắp, gối đầu trên gối quá cao… khiến dây thần kinh bị chèn ép, thiếu máu cục bộ, từ đó dẫn đến hiện tượng đau vai gáy.

- Công việc hàng ngày dẫn đến những chấn thương nhỏ lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ gây ra đau vai gáy (thường là những công việc như lái xe, làm việc với máy tính, sơn trần nhà…).

- Tổn thương các mặt khớp của cột sống, cổ, thường là do các chứng bệnh như thoái hóa cột sống cổ, thoát vị đĩa đệm cột sống cổ, vẹo cổ bẩm sinh, dị tật, viêm, chấn thương vùng cổ, ung thư, lao, u hố sau...

Đánh tan cơn đau vai gáy khi ngồi máy tính nhiều 1

Điều trị và đề phòng

- Nếu đau vai gáy mới ở dạng nhẹ, cháu có thể điều trị bằng cao dán, xoa bóp, massage cho vùng gáy và hai bên vai để giảm đau. 

- Cháu nên sử dụng ghế tựa, có đệm lưng khi ngồi học hoặc làm việc. Cùng với đó, hãy chú ý điều chỉnh tư thế khi ngồi máy tính.

- Cháu không nên ngồi một chỗ quá lâu mà hãy đứng lên vận động sau mỗi 45 – 60 phút.

- Thường xuyên vận động, tập luyện thể dục thể thao sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh, cơ bắp săn chắc, phòng tránh được tình trạng đau nhức vai gáy.

- Nếu tình trạng vẫn không thuyên giảm, cháu có thể sử dụng thuốc đặc trị theo chỉ dẫn của bác sĩ hoặc tới các cơ sở vật lý trị liệu để áp dụng chữa trị bằng xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu.

Chúc cháu sớm khỏi bệnh và luôn khỏe mạnh.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày