Đáng sợ khi mụn nước liên tục "chìm sâu" trong tay

bác sĩ Mèo , Theo Trí Thức Trẻ 12:00 28/10/2013
Chia sẻ

Mụn nước còn lan cả xuống chân nữa chứ!

Chào bác sĩ,

Dạo gần đây không hiểu sao mà lòng bàn tay em liên tục bị nổi lên rất nhiều nốt chấm nhỏ chìm sâu vào da, có cảm giác mọng nước và khá ngứa. Ban đầu chúng chỉ mọc lưa thưa nhưng ngày càng đẻ ra nhanh và đến giờ đã gần như kín lòng bàn tay, thậm chí có vài nốt còn nhoi lên hẳn trên bề mặt da. Cách đây vài ngày, em lại phát hiện có 2 nốt như vậy nhưng kích thước lớn hơn một chút xuất hiện ở dưới lòng bàn chân, cảm giác lúc đi lại rất cộm và khó chịu. Mong bác sĩ giải đáp liệu em có mắc phải bệnh gì nguy hiểm không và cách chữa trị ra sao ạ? Em xin cảm ơn! (lano...@gmail.com).


Trả lời:


Chào em,

Theo những gì em mô tả trong thư thì bác sĩ Mèo nghĩ nhiều khả năng là em đã mắc phải bệnh chàm tổ đỉa (hay còn gọi là Eczema).

Đây là một thể đặc biệt của bệnh chàm, khu trú ở lòng bàn tay, bàn chân và rìa các ngón.

Bệnh thường gặp ở độ tuổi dưới 40, nam nữ có tỷ lệ bằng nhau. 90% trường hợp gặp ở lòng bàn tay và các rìa ngón tay hoặc là chỉ gặp một trong hai chỗ đã nói trên, còn ở lòng bàn chân và rìa ngón chân thì ít gặp hơn.

Tổn thương đối xứng và bệnh thường không bao giờ vượt quá cổ tay, cổ chân. Bệnh xảy ra từng đợt, trước khi nổi mụn nước thường có cảm giác ngứa, rát, một số trường hợp kèm tăng tiết mồ hôi.

Mụn nước của bệnh chàm tổ đỉa thường có xu hướng khô ít khi tự vỡ, rồi để lại một điểm dày sừng màu vàng đục, tróc da. Khi bị nhiễm khuẩn thì mụn nước hoặc bóng nước sẽ đục, sưng đỏ kèm theo sưng hạch bạch huyết ở vùng kế cận và người bệnh nóng sốt.

Đáng sợ khi mụn nước liên tục "chìm sâu" trong tay 1

Nguyên nhân gây bệnh chàm tổ đỉa rất phức tạp. Dưới đây là một số nguyên nhân thường gặp:

- Dị ứng với hóa chất trong sinh hoạt như dầu mỡ, thuốc kháng sinh, xà bông thơm, xà phòng giặt, chất tẩy rửa, dầu thơm, xi măng, vôi...

- Nhiễm khuẩn do tiếp xúc với đất, nước bẩn, sinh hoạt trong môi trường nóng ẩm.

- Tăng tiết mồ hôi tay chân liên quan đến rối loạn thần kinh giao cảm.

- Thói quen sử dụng giày dép chật với chất liệu da.

- Ăn quá nhiều hải sản, trứng, thịt gà, bò, đậu phộng, đậu nành, đồ lên men.

Bệnh tiến triển dai dẳng, hay tái phát theo chu kỳ thành mãn tính, gây trở ngại lớn cho cuộc sống và sinh hoạt.

Việc điều trị tổ đỉa thường khó khăn vì bệnh là kết hợp giữa hai yếu tố nhiễm khuẩn và dị ứng. Tùy từng trường hợp, bác sĩ sẽ phải dùng đến các thuốc chống nhiễm khuẩn, chống nấm, chống dị ứng toàn thân hoặc tại chỗ.

Vì vậy, bác sĩ Mèo khuyên em hãy nhanh chóng đến bệnh viện chuyên khoa khám trực tiếp để nhận được chỉ định điều trị thích hợp và kịp thời đối với tình trạng của mình.

Ngoài ra, em cũng nên chú ý thực hiện những điều sau để tránh làm bệnh nặng thêm:

- Tránh bóc vảy, cậy mụn. Nên rửa tay chân nhẹ, không cào gãi, làm xây xước các mụn nước đề phòng nhiễm khuẩn phụ.

- Tuyệt đối không tiếp xúc xăng dầu, mỡ, xà phòng, hóa chất, thuốc tẩy rửa. Khi cần phải đeo găng bảo vệ.

- Cắt ngắn móng tay và giữ khô, sạch da lòng bàn tay, lòng bàn chân.

- Uống thêm các loại vitamin như A, B, C. Nếu mụn nước bị vỡ, có thể bôi thuốc sát khuẩn tránh nhiễm khuẩn và uống thêm kháng sinh.

Chúc em sớm khỏi bệnh và khỏe mạnh!

Đáng sợ khi mụn nước liên tục "chìm sâu" trong tay 2
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày