Cảnh báo: nguy cơ giun “bò lổm ngổm” ngay dưới da

Meo Meo, Theo Trí Thức Trẻ 12:31 11/01/2013

Đó chính là lúc các bạn bị nhiễm giun lươn đấy!

Tại Hà Nội, có trường hợp bệnh nhân Lê Lan (41 tuổi) phát hiện những con giun bò lổm ngổm dưới da. Theo kết luận của Bác sĩ - Thạc sĩ Nguyễn Tiến Lâm (trưởng khoa vi rút Ký sinh trùng bệnh viện Nhiệt đới TW), đó là loại giun lươn (tên khoa học là Stronguloides Stercoralis).

(Theo Kienthuc)


Giun lươn là gì nhỉ?

Giun lươn có tên khoa học là Strongyloides Stercoralis là một dạng kí sinh trùng có thể xâm nhập vào cơ thể, sinh trưởng và di chuyển khắp nơi trong các bộ phận bên trong và bề mặt dưới da.

Giun lươn sống ở ruột non nhưng cũng có thể sống ở ngoại cảnh. Miệng giun có 2 môi, vỏ thân có khía ngang, nông. Giun cái trưởng thành có đầu thon dài và đuôi nhọn, kích thước khoảng 2mm x 34mm. Giun đực có kích thước khoảng 0,7mm x 36mm, đuôi hình móc và có 2 gai sinh dục.

Giun lươn có ở nhiều nơi trên thế giới, chủ yếu là những vùng có khí hậu nhiệt đới ẩm. Bất cứ nơi nào có giun móc tồn tại thì ở đó có giun lươn.

Thông thường, chúng ta bị nhiễm giun lươn chủ yếu là do tiếp xúc với đất có ấu trùng giun lươn. Ấu trùng sẽ chui qua da theo đường máu đến phổi, đến phế quản, khí quản sau đó lên họng, xuống thực quản và đến ruột non rồi ký sinh ở đó.

Giun lươn có thể đào hang ở vách ruột non để đẻ ra ấu trùng. Từ đó, một số sẽ theo phân phát tán ngoài môi trường chờ cơ hội xâm nhập vào cơ thể người khác, một số xâm nhập qua da quanh hậu môn để mở đầu một chu trình mới trên chính ký chủ cũ.

Cảnh báo: nguy cơ giun “bò lổm ngổm” ngay dưới da 1

Dấu hiệu nhận biết bạn đã nhiễm giun lươn

Theo các chuyên gia khoa học, có thể tạm chia người bệnh nhiễm giun lươn thành 3 nhóm chính:

- Nhóm mang mầm bệnh nhưng không có biểu hiện lâm sàng

Đây là nhóm chiếm đa số. Lúc này, bệnh nhân bị nhiễm giun lươn không có một biểu hiện nào cả tuy nhiên họ lại là một trong những nguồn lây nhiễm lớn trong cộng đồng. Ngoài ra, khi đã nhiễm giun lươn, về cơ bản, hệ miễn dịch cơ thể của những bệnh nhân này thường kém hơn so với mọi người và khi lượng giun lươn trong cơ thể gia tăng quá nhiều thì nó thậm chí có thể đột ngột phát bệnh gây nguy hiểm tính mạng. Đối với nhóm này chỉ có thể xác định ra bệnh bằng cách xét nghiệm máu, phân và dịch trong cơ thể mà thôi.

- Nhóm có biểu hiện tổn thương ở đường tiêu hóa và da

Đối với hệ tiêu hóa, những bệnh nhân này thường có các biểu hiện như:

+ Đau bụng: có thể đau ở bất cứ vị trí nào của bụng nhưng thường hay đau ở vùng trên rốn và vùng bên phải vì vậy dễ bị chẩn đoán nhầm là đau bao tử, đau do bệnh lý của gan mật.

+ Đầy hơi, trướng bụng.

+ Tiêu chảy, phân có mỡ và rất hôi tanh.

+ Ăn không ngon, sụt cân nhanh chóng.

+ Ngứa hậu môn

Các biểu hiện ở da:

- Đường ngoằn nghèo ở da, thường ngang thắt lưng & quanh hậu môn.

- Mề đay dị ứng kéo dài.

Cảnh báo: nguy cơ giun “bò lổm ngổm” ngay dưới da 2

- Nhóm nhiễm đa cơ quan:

Những người này thường mắc các bệnh gây ra tình trạng hệ miễn dịch cơ thể suy yếu như: đái tháo đường, suy dinh dưỡng, nghiện rượu, dùng các loại thuốc ức chế miễn dịch như corticoid, thuốc điều trị ung thư, bệnh nhân bị ung thư, nhiễm HIV, suy gan, suy thận… Ở nhóm này tình trạng nhiễm giun dễ diễn biến nặng, gây bệnh cảnh phức tạp, nguy hiểm, nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Các triệu chứng nhiễm giun lươn nặng bao gồm:

+ Hệ tiêu hóa: viêm ruột, liệt ruột, tắc ruột, xuất huyết tiêu hóa, thủng ruột.

+ Hệ hô hấp: gây viêm phổi, xuất huyết phổi, suy hô hấp.

+ Thần kinh: đây là một trong những tổn thương nặng nề, nguy hiểm nhất và gây tử vong nhiều nhất của bệnh nhiễm giun lươn. Các bệnh cảnh có thể gặp là viêm màng não, viêm não, abces não, động kinh, rối loạn tri giác…

+ Da: gây hội chứng ấu trùng di chuyển ngoài da tạo ra những đường đỏ, chạy ngoằn ngoèo dưới da, ban xuất huyết, chấm xuất huyết dưới da.

+ Cơ quan khác: phì đại hạch, viêm nội tim mạc, viêm tụy, suy gan, suy thận, đau khớp, viêm khớp, đau cơ, phù toàn thân.

Làm thế nào để tránh xa sự xâm nhập của giun lươn?

- Vệ sinh môi trường sống sạch sẽ.

- Quản lý phân, nước, rác.

- Vệ sinh cá nhân, không phóng uế bừa bãi.

- Có biện pháp giữ sạch cơ thể trong lúc lao động và sinh hoạt hàng ngày, đặc biệt những người thường hay tiếp xúc với đất. Tốt nhất là nên luôn đi găng tay, ủng, giầy…

- Người có những biểu hiện nghi ngờ bị nhiễm giun lươn nên đến khám bác sĩ chuyên khoa để được xét nghiệm định bệnh và chữa trị càng sớm càng tốt.

- Nâng cao sức đề kháng cơ thể, ăn nhiều rau, trái cây tươi, luyện tập thể thao hằng ngày… để bảo vệ hệ thống miễn dịch của cơ thể, tránh tình trạng miễn dịch suy yếu làm bùng phát bệnh giun lươn.