Lần cuối cùng ấy tẩy giun là khi nào nhỉ?
Vừa hôm qua xong đấy!!!
Hiện nay các thuốc tẩy giun đều giúp chúng mình tiêu hủy giun rồi bài tiết chúng luôn nên teen không còn phải sợ hãi trước cảnh nguyên một chú giun sẽ chui ra ngoài đâu!
Sau khi tẩy giun, các ấy có thể gặp một số phản ứng phụ như đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy nhẹ nhưng các hiện tượng này sẽ tự động khỏi sau 1 - 2 ngày. Nếu các ấy thấy cơ thể xuất hiện triệu chứng lạ như dị ứng, phát ban, nổi mề đay thì teen cần phải nhanh chóng đến thăm khám bác sĩ nhé!
Cách đây 6 tháng rồi!
Vậy thì đã đến lúc teen cần phải thực hiện việc tẩy giun rồi đấy! Trước khi thực hiện, các ấy phải lưu ý không nên nhịn đói, ăn kiêng hoặc uống các loại thuốc xổ.
Chịu thôi, tớ chẳng thể nhớ được lần cuối cùng tẩy giun là khi nào nữa!
Ặc ặc...Thế thì ấy phải mau chóng đến bệnh viên để các bác sĩ kiểm tra xem liệu lũ giun, sán đã tấn công những bộ phận nào trong đường tiêu hóa của ấy rồi nghen!
Giun trong cơ thể sẽ tranh giành những chất dinh dưỡng , làm cho teen xanh xao, chậm tăng trưởng thể chất, suy dinh dưỡng, ảnh hưởng đến trí thông minh. Một số loại giun có thể gây ngứa ngáy khó chịu, ảnh hưởng đến sinh hoạt và học tập. Trong vài tình huống nguy hiểm hơn, giun có thể gây ra những biến chứng như giun chui ống mật, giun chui ống tụy, tắc ruột, viêm nhiễm tiết niệu – sinh dục đó nha!
Vì sao trong cơ thể chúng mình lại có lũ giun xấu xí này?
Giun là loại ký sinh trùng sống ăn bám ở người, chủ yếu là ở ruột. Với tình trạng vệ sinh môi trường, vệ sinh ăn uống như ở nước ta, gần như ai cũng chứa giun trong bụng.
Giun sống ký sinh ở người gồm nhiều loại: thường gặp nhất là giun đũa, tiếp đến là giun kim, giun tóc, giun móc, giun lươn... Tỷ lệ nhiễm giun đặc biệt là giun đũa rất cao. Ở các tỉnh miền Bắc nhiều nơi tỷ lệ này lên tới 86 - 98% (trung bình là 70 - 85%) còn ở miền Nam thì vào khoảng 20 - 35%.
Lứa tuổi teen chúng mình là đối tượng dễ bị giun tấn công nhất do thường xuyên măm măm các đồ vệ sinh thiếu an toàn (ăn ngoài vỉa hè, lề đường, các hàng quán không có sự kiểm định an toàn...). Chưa hết, chúng mình còn hay chơi nghịch, tiếp xúc với đất, cát, các đồ vật bửn và đặc biệt là không chịu rửa tay trước và sau khi ăn đấy!
Do đó, cách phòng ngừa tốt nhất đối với các bệnh liên quan đến giun là:
- Giữ gìn môi trường sống tốt và có ý thức vệ sinh ăn uống.
- Định kỳ tẩy giun 4 - 6 tháng một lần.