Em bị cận thị đã gần 3 năm. Khoảng vài tuần nay, sau một đợi viêm họng, mắt em bỗng nhiên hay nhức, đau nhói nhất là khi vận động liếc ngang liếc dọc. Đôi khi em còn bị chảy nước mắt và cảm giác rất sợ nhìn vào vùng có nhiều ánh sáng. Ngoài ra, mi mắt luôn trong tình trạng hơi sưng đỏ và sụp xuống. Mong bác sĩ giải đáp liệu có phải mắt bị tăng số hay là em đã mắc phải bệnh gì nguy hiểm khác ạ? Em xin cảm ơn! (vusao...@yahoo.com). | |
Chào em, Theo những gì em mô tả trong thư thì bác sĩ Mèo nghĩ rằng nhiều khả năng là em đã bị viêm mủ nội nhãn. Đây là tình trạng viêm dẫn đến phá hủy các thành phần ở trong mắt (tổ chức nội nhãn) như võng mạc, dịch kính, hắc mạc... Bệnh thường gặp ở lứa tuổi trẻ, nam nhiều hơn nữ và có thể mắc bệnh cả hai mắt. |
Việc chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời là cơ hội tốt nhất để bảo tồn thị lực cho bệnh nhân. Tuy nhiên, nhiều người do chưa ý thức được tính chất nghiêm trọng của bệnh nên thường đến muộn hoặc điều trị ở các cơ sở y tế không chuyên về mắt gây ra hậu quả là thị lực bị giảm rất nhiều, mất chức năng, thậm chí teo nhãn cầu hoặc phải bỏ nhãn cầu.
Viêm mủ nội nhãn có thể do những tác nhân gây bệnh từ bên ngoài như chấn thương, sau phẫu thuật (viêm mủ nội nhãn ngoại sinh) hoặc các tác nhân gây bệnh từ nơi khác đến mắt theo đường máu gọi là viêm mủ nội nhãn nội sinh.
Biểu hiện cơ bản của viêm mủ nội nhãn:
- Nếu viêm mủ nội nhãn do vi khuẩn: Bệnh nhân nhức mắt khó chịu, kích thích, đau tăng lên khi cử động mắt, nhìn mờ nhiều, có thể chỉ còn nhận thức ánh sáng hoặc không; kèm theo dấu hiệu chói mắt, cộm mắt. Trường hợp viêm mủ nội nhãn do vi khuẩn có độc lực cao hoặc bệnh nhân đến muộn, bệnh có xu hướng trở thành viêm toàn bộ nhãn cầu (viêm toàn nhãn) - tức là viêm cả tổ chức quanh mắt.
- Nếu viêm mủ nội nhãn do nấm: Bệnh tiến triển thầm lặng hơn so với triệu chứng của bệnh do vi khuẩn. Thăm khám sẽ thấy phù mi mắt, có mủ trong nội nhãn, tăng áp lực ở trong mắt; một số bệnh nhân có thể bị sụp mi, lồi mắt. Trường hợp viêm nặng ở phần sau của mắt, siêu âm có thể có bong võng mạc. Kết quả cuối cùng của những mắt này thường là teo nhãn cầu hoặc thậm chí phải bỏ nhãn cầu cho dù được điều trị tích cực.
- Đối với viêm mủ nội nhãn nội sinh, bệnh nhân thường có ổ viêm nhiễm đầu tiên như nhiễm khuẩn tai - mũi - họng, răng - hàm - mặt, viêm nội tâm mạc, viêm đường tiết niệu...; kèm theo có thể sốt cao, đau đầu, giảm cân hoặc suy kiệt.
Viêm mủ nội nhãn là bệnh tối nguy hiểm trong nhãn khoa nên việc chẩn đoán sớm và điều trị tích cực đưa đến cơ hội tốt nhất để bảo tồn thị lực cho bệnh nhân. Vì vậy, bác sĩ Mèo khuyên em nên nhanh chóng đến bệnh viện chuyên khoa mắt khám trực tiếp để nhận được chỉ định điều trị kịp thời cho tình trạng của mình.