Được gọi là "Apple của Trung Quốc", Xiaomi không chỉ vô số lần copy Apple mà còn thường xuyên đem Apple ra làm mục tiêu công kích, chỉ trích. Năm ngoái, Hạt Gạo Nhỏ chỉ đợi vài tiếng sau sự kiện iPhone 12 để đăng tải video "Đừng lo, chúng tôi không loại bỏ một thứ gì ra khỏi hộp #Mi10TPro".
2 tháng sau, Mi11 lên kệ. Trong hộp đựng điện thoại, củ sạc đã bị loại bỏ. Xiaomi cho người dùng lựa chọn mua kèm củ sạc với giá không đổi, nhưng trong thực tế tại Việt Nam, người dùng mua Mi11 với củ sạc sẽ phải trả mức giá cao hơn. Lý giải cho quyết định loại bỏ phụ kiện này khỏi máy, CEO Lei Jun đưa ra cùng một lý do với Apple: để "bảo vệ môi trường". Thậm chí, Xiaomi còn "khoe" là kẻ đầu tiên đưa ra ý tưởng bỏ củ sạc từ tận 2015, tức là 5 năm trước.
Tấm vé từ Apple
Xiaomi: Tháng 10 khoe "không loại bỏ thứ gì", tháng 1 bán điện thoại không đi kèm củ sạc
Hãy nhìn lại trường hợp của Xiaomi. Công ty này mong mỏi được bỏ củ sạc khỏi điện thoại trong suốt 5 năm nhưng không dám thực hiện. Phải đến khi Apple làm trước, Xiaomi mới theo chân. Xét tới việc Samsung cũng đã bỏ củ sạc khỏi máy, sớm hay muộn các nhà sản xuất khác như Huawei, OnePlus, OPPO/Vivo… cũng sẽ nhận ra rằng họ KHÔNG CÓ LÝ DO để phải giữ lại củ sạc nữa.
Lý do là vì toàn bộ ngành smartphone đã được trao "tấm vé từ Apple". Đó là khi nhà Táo thực hiện một bước đi gây phật ý người dùng nhưng rồi vẫn cứ… thành công. Khi Apple thành công, các nhà sản xuất tự hiểu ra rằng bước đi của nhà Táo thực ra lại không gây mất lòng người dùng đến thế. Và họ bắt đầu làm theo nhà Táo.
Hãy cứ nhìn vào "hậu quả" khi Apple bỏ củ sạc khỏi iPhone. Không chỉ bỏ củ sạc ra khỏi toàn bộ những chiếc iPhone mới ra mắt mà Apple còn "tiện tay" cắt luôn phụ kiện này khỏi những chiếc iPhone cũ (SE, 11, XR), tuy nhiên Apple vẫn thu về 61,58 tỷ USD từ smartphone. Chưa bao giờ doanh thu iPhone cao đến vậy . Xét về mặt doanh số, Apple cũng dễ dàng đạp đổ Samsung để vươn lên vị trí số 1 trên toàn cầu trong quý 4/2020 (số liệu IDC). Tức là, Apple có bỏ củ sạc đi chăng nữa, sức bán của iPhone vẫn chẳng hề bị ảnh hưởng.
Không phải lần đầu tiên
Đây không phải là lần đầu tiên các nhà sản xuất Android theo chân Táo thực hiện một bước đi gây tranh cãi
Đây là không phải là lần đầu tiên Apple cố tình thực hiện một bước đi có thể gây hại cho người dùng. Năm 2016, Apple gây tranh cãi khi loại bỏ cổng tai nghe khỏi smartphone. Bỗng dưng, người dùng buộc phải tìm đến những giải pháp bất tiện hơn, kém chất lượng hơn (dongle làm giảm chất lượng audio) hoặc tốn kém hơn (AirPods, các tai nghe Bluetooth khác). Ai cũng biết Apple bỏ cổng tai nghe để thúc đẩy doanh số AirPods, nhưng lời bào chữa của Apple thì lại hướng đến những tính năng khác: camera, pin, chip…
Vốn xây dựng tên tuổi bằng cách mỉa mai Apple, các nhà sản xuất Android không bỏ qua cơ hội này. Trong nhiều sự kiện Unpacked, Samsung không quên nhắc đi nhắc lại rằng những chiếc Galaxy đầu bảng vẫn có cổng 3,5mm. Đáng nhớ nhất, năm 2017, Samsung đăng tải một đoạn video công phu có tên "Growing Up" ("Trưởng thành"), trong đó một iFan lâu năm "trưởng thành" bằng cách từ bỏ iPhone để đến với Galaxy Note8. Trong đoạn video, iFan này buộc phải sử dụng dongle để vừa cắm tai nghe, vừa sạc điện thoại.
Nhưng như bạn đã biết, cuối cùng iPhone 7/7 Plus vẫn cứ thành công. iPhone X ra đời không có cổng tai nghe, Apple vẫn dễ dàng chạm mốc nghìn tỷ đô. Samsung, sau nhiều năm liên tục mỉa mai Apple, đến 2019 cũng đã khai tử cổng tai nghe khỏi Galaxy Note10, cùng lúc không quên xóa các đoạn clip mỉa mai khi trước...
Không phải lần cuối cùng
Bạn không mua iPhone thì quyết định của Apple vẫn sẽ ảnh hưởng đến bạn
Câu chuyện tai nghe lặp lại với củ sạc... Cũng giống như Xiaomi, Samsung chỉ đợi vài tiếng sau khi iPhone 12 ra mắt là đã đăng hình tuyên bố: "Chiếc Galaxy đem đến cho bạn những gì bạn tìm kiếm. Từ thứ căn bản như củ sạc, cho đến camera, pin, hiệu năng, bộ nhớ và thậm chí là cả màn hình 120Hz".
3 tháng sau, hình ảnh này cũng… biến mất. Galaxy S21 chính thức ra mắt với mức giá ngang ngửa iPhone và không đi kèm thứ phụ kiện "căn bản" nhất. Nếu như Samsung từng mất tới vài năm để làm theo Táo, thì đến nay, khoảng thời gian này chỉ còn là vài tháng. Hơn bao giờ hết, Samsung đã hiểu rõ ý nghĩa của "tấm vé Apple". Cũng giống như Apple, nay Samsung có thể loại bỏ phụ kiện khỏi thân máy để tiết kiệm chi phí. Bước đi ấy sẽ gây tranh cãi, nhưng không sao, đã có Apple làm trước rồi.
Đó cũng chính là lý do vì sao các fan của Android sẽ luôn phải lo lắng dõi theo từng bước chân của nhà Táo, bao gồm cả những người căm ghét Apple nhất. Ai biết được sau này Apple sẽ tiếp tục thực hiện bước đi nào gây hại cho người dùng? Bỏ cổng sạc để ép người dùng mua sạc không dây, tăng giá bằng cách ép người dùng mua kèm AirPods? Câu trả lời sẽ có trong tương lai, nhưng 10 năm trước, đâu ai dự đoán được rằng có ngày điện thoại bán ra lại không đi kèm tai nghe hay củ sạc… Apple chắc chắn sẽ còn nhiều bước đi gây tranh cãi nữa, và thế nào các nhà sản xuất Android cũng sẽ theo chân cho mà xem!