Sự thật khiến giới khoa học bán tín bán nghi: Chuột tiền sử to ngang con ngựa ngày nay

L.T., Theo Trí Thức Trẻ 13:39 20/06/2022

Một nghiên cứu mới cho thấy một số loài chuột thời tiền sử có kích thước ước tính bằng bò rừng, thậm chí to ngang ngửa những con ngựa con ngày nay.

Đó là kết luận được đưa ra trong bài nghiên cứu trên tạp chí khoa học Royal Society Open Science gần đây. Nhắc đến chuột, ai cũng nghĩ ngay đến loài gặm nhấm nhỏ bé có kích thước, khối lượng "chẳng đáng kể". Ví như loài chuột nhắt lùn chỉ có khối lượng 28g, hoặc to cỡ chuột lang nước (loài gặm nhấm lớn nhất thế giới) thì cũng chỉ nặng đến 79,4kg là cùng.

Sự thật khiến giới khoa học bán tín bán nghi: Chuột tiền sử to ngang con ngựa ngày nay - Ảnh 1.

Hình ảnh một con chuột lang nước.

Tuy nhiên, kể cả con chuột lang nước khổng lồ nhất ngày nay cũng trở nên bé nhỏ so với một số loài chuột tiền sử. Bởi theo nghiên cứu của các nhà khoa học, loài gặm nhấm thời tiền sử mang kích thước khổng lồ bất ngờ, có vẻ ngoài giống như lai giữa chuột lang nước ngoại cỡ và hà mã có lông.

Theo New York Times, các nhà cổ sinh vật học ước tính rằng một con chuột Phoberomys pattersoni có thể nặng tới 590kg. Một loài chuột khác là Josephoartigasia monesi nặng khoảng 907kg, to bằng một con bò rừng.

Sự thật khiến giới khoa học bán tín bán nghi: Chuột tiền sử to ngang con ngựa ngày nay - Ảnh 2.

Hình ảnh mô phỏng kích thước Josephoartigasia monesi - loài chuột thời tiền sử khổng lồ từng sống trên Trái đất.

Nhưng những dự đoán về kích thước của loài này từ lâu đã làm dấy lên cuộc tranh luận. Nhà cổ sinh vật học Russell Engelman, đến từ Đại học Case Western Reserve, cho biết: "Mọi người đã nói rằng chúng có kích thước của bò rừng, nhưng không ai có bất kỳ phương pháp nào có thể tự tin chứng minh được những kích cỡ này là có thật".

Vì vậy, ông Engelman đã đề xuất một phương pháp mới để mô tả chính xác kích thước của những loài gặm nhấm có kích thước bất thường này.

Trong một nghiên cứu được công bố hôm thứ Tư (15/8) trên tạp chí Royal Society Open Science, ông đã tính toán kích thước bằng cách so sánh một khớp nối ở phía sau hộp sọ của loài chuột Phoberomys, Josephoartigasia và các loài gặm nhấm thời tiền sử khác với những loài động vật có vú lớn hiện nay.

Sự thật khiến giới khoa học bán tín bán nghi: Chuột tiền sử to ngang con ngựa ngày nay - Ảnh 3.

Cách đây từ 2 triệu đến 8 triệu năm, các loài gặm nhấm khổng lồ như Phoberomys và Josephoartigasia đã sinh sống ở các vùng đầm lầy Nam Mỹ.

Theo Ernesto Blanco, một nhà cổ sinh vật học tại Universidad de la República ở Uruguay, người đã phát hiện ra hộp sọ của một con chuột Josephoartigasia vào năm 2008, loài gặm nhấm khổng lồ này có cú cắn mạnh đến mức tạo ra lực gấp 3 lần vết cắn của hổ hiện đại. Từ đó bảo vệ chúng khỏi những kẻ săn mồi như chim và thú có túi răng kiếm.

Phần lớn hiểu biết của con người ngày nay về những loài gặm nhấm này xoay quanh kích thước của chúng.

"Kích thước cơ thể là một đặc điểm quan trọng của động vật có vú vì mọi thứ bạn không thể đo lường vật lý trong hóa thạch như sinh thái học và sinh lý học đều tương quan với kích thước cơ thể", Virginie Millien, nhà động vật học tại Đại học McGill, người nghiên cứu kích thước cơ thể của các loài gặm nhấm và không liên quan đến nghiên cứu mới.

Vào năm 2010, Tiến sĩ Millien đã sử dụng những hóa thạch của các con cái để ước tính rằng loài chuột Phoberomys có kích thước bằng một con linh dương lớn.

Việc xác định kích thước chính xác những loài gặm nhấm khổng lồ này gặp nhiều khó khăn. Một lý do là thiếu hóa thạch.

Các nhà cổ sinh vật học đã khai quật được xương chân và các mảnh khác trong bộ xương loài chuột Phoberomys, còn loài Josephoartigasia mới chỉ có một hộp sọ duy nhất để nghiên cứu.

Không có bằng chứng hóa thạch, các nhà nghiên cứu thường dựa vào mẫu giải phẫu họ hàng gần nhất còn sống của động vật đã tuyệt chủng.

Vì vậy, ông Engelman đã sử dụng lồi cầu xương chẩm, khớp nối hộp sọ động vật với cột sống. Kích thước khớp này thay đổi rất ít ở tất cả động vật có vú để đảm bảo hộp sọ và cột sống luôn gắn liền với nhau. Vì thế, đây là cơ sở để so sánh những loài vật khác nhau.

Gần đây, ông Engelman đã tìm cách đo độ rộng khớp ở hơn 400 loài động vật có vú, bao gồm chuột và voi châu Phi.

Từ đó, ông phát hiện độ rộng lồi cầu xương chẩm là chỉ báo chính xác về kích thước của chúng. Vì độ rộng khớp ở động vật có vú cùng kích thước là tương đương nhau, Engelman có thể so sánh kích thước khớp của chuột tiền sử với động vật có vú khác.

Kết quả là, ông giảm đáng kể ước tính lúc trước của các nhà nghiên cứu khác. Theo đó, loài chuột Phoberomys nặng tối đa 204kg, còn loài Josephoartigasia nặng khoảng 454kg, gần với kích thước của ngựa, chứ không phải con bò rừng với khối lượng gần 1 tấn.

Nguồn: New York Times

https://afamily.vn/su-that-khien-gioi-khoa-hoc-ban-tin-ban-nghi-chuot-tien-su-to-ngang-con-ngua-ngay-nay-20220615170133914.chn