Sự thật bất ngờ về câu thành ngữ "Thuốc đắng dã tật"

Hiểu Đan, Theo Phụ nữ Việt Nam 07:02 29/04/2023
Chia sẻ

Kì thực, đáp án đúng không phải "giã", cũng chẳng phải "dã".

Thuốc đắng là sản phẩm cần cho đời sống, lúc chúng ta đau ốm khi uống thuốc đều cảm nhận được vị đắng. Còn sự thật là những gì chân thật nhất ở đời. "Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng" hay "Thuốc đắng đã tật, sự thật mất lòng" thường được dùng với nghĩa thuốc có đắng mới chữa được bệnh. Lời nói ngay thật thì thường khó nghe.

Xung quanh câu thành ngữ này cũng có nhiều tranh cãi về "dã" hay "giã" mới đúng. Nhiều người cho rằng "giã" là từ chính xác, với lý luận "giã" ở đây mang nghĩa "giã" nằm trong "giã biệt", "giã bệnh" là "giã biệt bệnh tật". Một số đông khác thiên về phương án "thuốc đắng dã tật" và giải thích "dã" ở đây là "làm cho giảm bớt".

Sự thật bất ngờ về câu thành ngữ Thuốc đắng dã tật - Ảnh 1.

Câu gốc phải là "thuốc đắng đã tật, sự thật mất lòng". Sau này, từ "đã" bị mất nghĩa nên mới dẫn tới các quan niệm sai lạc, tạo ra những dị bản "giã tật" và "dã tật" như ngày nay

Kì thực, đáp án đúng không phải "giã", cũng chẳng phải "dã" mà là "đã". Đây là một từ Việt cổ được ghi nhận trong Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức với nghĩa là "khỏi" (bệnh).

Trong một lần chia sẻ với báo chí, ThS. Phạm Tuấn Vũ cũng cho rằng, câu trả lời đúng là "thuốc đắng đã tật". Trong đó, "đã" là một từ cũ có nghĩa là "đã lành bệnh", "khỏi bệnh rồi" như ghi nhận trong Đại Nam Quấc [không phải quốc] Âm Tự Vị của Huình [không phải Huỳnh] Tịnh Paulus Của hoặc trước đó, Tự Vị Annam Latinh của Bá Đa Lộc. Kết hợp này càng có cơ sở khi "tật" với nghĩa "bệnh" cũng là một từ cũ, nay hầu như không còn được dùng nữa.

Ngoài ra, còn có dị bản "thuốc đắng đả tật". Trong đó, "đả" gốc Hán, nghĩa là "đánh, đập", như trong "đả thương". "Đả tật" có thể hiểu là "đánh [bay] bệnh". Tuy nhiên, trong hầu hết các từ điển tiếng Việt, Hán Việt, không thấy ghi nhận tổ hợp này.

Tóm lại, câu gốc phải là "thuốc đắng đã tật, sự thật mất lòng". Sau này, từ "đã" bị mất nghĩa nên mới dẫn tới các quan niệm sai lạc, tạo ra những dị bản "giã tật" và "dã tật" như ngày nay.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày