Sử dụng smartphone đúng cách khi trời nóng

Bảo Lâm, Theo VnExpress 10:00 17/07/2022

Thời tiết nắng nóng có thể khiến smartphone tăng nhiệt, gây nguy cơ cháy nổ hoặc giảm độ bền.

Giống như các thiết bị điện tử khác, nhiệt độ là kẻ thù của smartphone. Hầu hết điện thoại hiện được trang bị pin lithium-ion - loại pin có thể bị mất dần khả năng tích trữ năng lượng nếu bị quá nhiệt kéo dài, thậm chí cháy nổ nếu nhiệt độ quá cao. Ngoài ra, nhiệt độ cũng khiến độ bền linh kiện trong máy suy giảm.


Sử dụng smartphone đúng cách khi trời nóng - Ảnh 1.

Sạc smartphone ở nơi nhiệt độ cao có thể gây hại cho máy. Ảnh: The Sun

Không để smartphone dưới ánh nắng mặt trời

Mùa hè là giai đoạn nhiều người đi du lịch, tham gia các hoạt động ngoài trời. Bên cạnh đó, không ít người đặt điện thoại ở những nơi chiếu ánh sáng mạnh như táp-lô ôtô. Nếu sử dụng hoặc đặt điện thoại dưới nắng quá lâu, thiết bị có thể nóng lên nhanh hơn, từ đó làm giảm độ bền máy.

Theo cảnh báo của Apple, nhiệt độ môi trường tốt nhất để iPhone hoạt động mượt là khoảng 16-22 độ C và không nên vượt quá 35 độ C. Các hãng điện thoại khác cũng đưa ra khuyến cáo tương tự. Nếu thiết bị có hiện tượng quá nóng, người dùng tốt nhất không nên tiếp tục sử dụng, đồng thời tìm cách hạ nhiệt cho chúng.

Giảm độ sáng màn hình

Màn hình điện thoại là một trong những bộ phận ngốn nhiều pin nhất và làm cho thiết bị trở nên nóng hơn. Để hạn chế tình trạng này, người dùng có thể giảm độ sáng màn hình.

Theo các chuyên gia, nên cài đặt độ sáng màn hình ổn định trong khoảng 65-70% - mức sáng được đánh giá là vừa phải trong điều kiện ngoài trời, đồng thời có thể giúp tiết kiệm pin. Nếu trời quá nóng, người dùng nên hạ độ sáng càng thấp càng tốt, nếu vẫn có thể xem được nội dung, giúp điện thoại tiêu hao ít năng lượng hơn.

Tháo ốp lưng

Hầu hết điện thoại có thiết kế với khả năng thoát nhiệt trên bề mặt vỏ. Việc loại bỏ ốp lưng hoặc case bảo vệ là một trong những cách nhanh nhất để làm mát, nhất là khi dùng dưới thời tiết nóng hoặc khi đang sạc. Khi làm điều này, khả năng tỏa nhiệt trên thiết bị sẽ tốt hơn, không tích tụ nhiều nhiệt khi sử dụng.

Làm mát smartphone trước khi dùng

Nếu không thật sự gấp gáp, người dùng có thể chuyển smartphone từ nơi nắng nóng sang nơi có nhiệt độ mát mẻ hơn, đồng thời đợi thiết bị nguội bớt mới sử dụng. Cách này cũng có thể áp dụng cho điện thoại vừa sạc xong, vốn cũng rất nóng vì chưa kịp thoát nhiệt trong quá trình sạc.

Tuy nhiên, không nên thay đổi nhiệt độ đột ngột cho điện thoại, như bỏ vào tủ lạnh khi vừa dùng ngoài trời nắng. Hành động này có thể gây ra tình trạng sốc nhiệt và làm hỏng máy. Thay vào đó, người dùng có thể để máy trước quạt hoặc trong phòng điều hòa cho nguội dần rồi mới sử dụng.

Tắt các tính năng ngốn pin

Việc sử dụng 3G/4G hoặc chạy đa nhiệm nhiều ứng dụng cùng lúc có thể khiến máy bị nóng nhanh. Nếu kết hợp với việc sử dụng dưới nắng nóng, thiết bị có thể tăng nhiệt quá mức.

Do đó, người dùng có thể thoát những ứng dụng không dùng tới, tắt các ứng dụng chạy ngầm. Bên cạnh đó, có thể kích hoạt chế độ tiết kiệm năng lượng để kiểm soát pin tốt hơn.

Tắt nguồn nếu không dùng một thời gian

Nếu xác định không dùng tới chiếc điện thoại từ một ngày trở lên, người dùng có thể tắt nguồn máy, giúp thiết bị không tự kích hoạt các ứng dụng chạy ngầm, từ đó không phát sinh thêm nhiệt.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày