"Miệng người đời, cứ phớt lờ đi cho nhẹ lòng" - Tiên Tiên

Nhật Duy - Ảnh: Vivian; Design: Thành Vinh; Clip: Ruby, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 08/02/2016

"Tôi nghĩ tuổi trẻ chúng ta là sự đánh đổi. Đôi khi chỉ là bản thân đánh đổi hoặc có khi, ngay cả người thân cũng phải chấp nhận đánh đổi cùng, thì chúng ta mới có thể được sống với chính mình" - Tiên Tiên.

Ba và dượng

Tôi không phải là người có tuổi thơ bình thường như các bạn đồng lứa. Gia đình, người thì rời đi, rồi lại có người bước vào. Mười tuổi, cuộc sống tôi bắt đầu có thêm sự xuất hiện của dượng. Thời gian đầu, tôi bị sốc. Một đứa trẻ ở độ tuổi đó khó lòng ý thức và sẵn sàng chấp nhận được việc một người khác sẽ bước vào nhà, lại thay thế vị trí của ba mình. Khoảng thời gian tiếp sau đó, con của dượng lại về ở cùng với gia đình tôi. Bản thân khi đó phải học cách chấp nhận gấp đôi điều trước đó mình từng chịu đựng, tôi thu mình.

Do một phần tâm lý của độ tuổi mới lớn, cộng hưởng thêm những chuyện xung quanh tác động còn quá sớm, thời điểm đó, một phần tính cách tôi phát triển không bình thường. Ngày xưa, trong trí tưởng tượng của tôi, cha ghẻ và dì ghẻ luôn là những người mang roi vọt, ganh ghét và đày đọa. Vậy là như một đứa tự kỷ, tôi cố tình làm mọi thứ nghịch ngợm khiến mẹ phát rồ lên. Để làm gì? Chỉ là đứa trẻ trong tôi muốn được mẹ chú ý, muốn mẹ không lãng quên mình.

Miệng người đời, cứ phớt lờ đi cho nhẹ lòng - Tiên Tiên - Ảnh 2.

Bản thân dượng và con riêng của ông cũng biết tôi không thích họ lúc ấy. Mẹ và dượng cãi nhau vì tôi suốt. Nhưng ông không cần chứng minh, cũng chẳng cần mua quà cáp dỗ ngọt tôi như nhiều người vẫn hay làm mà có lẽ ông chỉ nghĩ chắc tôi còn con nít quá, lớn lên sẽ hiểu. Tôi vốn suy nghĩ sai rồi, lại càng sai thêm khi chẳng ai chứng minh cho mình thấy gì cả.  

Cột mốc khiến tôi bắt đầu có những suy nghĩ khác về dượng là từ lần đi chơi mà không xin phép gia đình, điện thoại lại hết pin. Mẹ và dượng hớt hải tìm tôi cả chiều tối. Khi họ thấy tôi đang ngồi ăn với bạn bè, việc đầu tiên dượng làm là bước vào tát tôi một cái mạnh. Tôi quá bất ngờ, toan định khóc thì dượng lại bật khóc như một đứa trẻ. Tôi nhớ mãi câu nói của ông trong nước mắt: "Con có biết dượng và mẹ tìm con khắp nơi không? Con có chuyện gì thì dượng biết nói làm sao với ba con". Lúc đó, tôi mới cảm thấy ông thương tôi thật. Có lẽ vì thương thật nên mới khóc vì tôi như vậy.

Khi về ở với tôi, áp lực về trách nhiệm của dượng lớn lắm. Bởi trước đó, ba và dượng đã thẳng thắn nói chuyện với nhau rằng nếu tôi mà hư hỏng hay bị gì thì ba sẽ tìm dượng "giải quyết" đầu tiên. Ông cho rằng, sự phát triển của con gái dù có theo hướng nào cũng đều có phần trách nhiệm của tất cả những người lớn. Sau này, cả hai người vẫn thường gặp nhau ăn uống, nói chuyện bình thường. Những buổi tất niên, cuộc họp gia đình hay sinh nhật tôi, ba và dượng vẫn ngồi chung một bàn vui vẻ, hòa khí.

Miệng người đời, cứ phớt lờ đi cho nhẹ lòng - Tiên Tiên - Ảnh 3.

Khoảng 5 năm gần đây, khi đã ổn định với lứa tuổi của mình, đã bắt đầu trải nghiệm đủ đắng cay thì tôi mới dần hiểu giá trị của gia đình. Rằng, những bức tường mà bản thân xây lên từ đó giờ chỉ là tưởng tượng thôi. Tôi đã từng nghĩ mọi người không thương yêu, quan tâm đến mình, nhưng hoàn toàn không phải vậy. Tất cả chỉ là bản thân tôi tự vẽ lên những điều đó. Tôi bắt đầu mở lòng, dành tình cảm và sự tin tưởng cho họ.

Tôi nghĩ rằng mình khá may mắn khi có một người dượng như vậy. Nếu tìm một người chồng để chung sống, chắc chắn người đó phải đại trượng phu hơn ba và dượng của tôi.

Miệng người đời, cứ phớt lờ đi cho nhẹ lòng - Tiên Tiên - Ảnh 4.

Tuệ

Lúc bé, tôi là người khá lập dị, khép kín. Từ cách đi lại đến việc vui chơi giải trí, tôi cảm thấy mình đã không giống mọi người, làm gì cũng chỉ muốn một mình. Đó là lý do tôi không có bạn, ngoại trừ Tuệ.

Tôi và Tuệ biết nhau từ năm lớp 3 nhưng cho đến cấp hai mới nhập chung học cùng một lớp. Thời gian đầu, cả hai cũng ghét nhau lắm, mà lý do chỉ là vì tôi thấy cậu này da trắng, kiểu công tử bột. Nói chung trẻ con đang tuổi dậy thì nên khi đó suy nghĩ ẩm ương lắm, thậm chí có lần còn đánh nhau một trận "tóe lửa". Nhưng sau khi cả hai ngồi nói chuyện làm hòa, tôi mới nhận ra anh chàng này cũng có cá tính hay. Thế là lại quyết định chơi thân với nhau từ lần đó về sau.

Tuệ là kiểu người con trai tính tình khô khan nhưng tâm hồn lại rất nghệ sĩ. Cậu này cư xử nhẹ nhàng với tôi lắm, thậm chí với những cô gái khác hay ngay cả với người yêu, chưa chắc được cậu nói chuyện nhẹ nhàng như tôi. Tính ra ngày xưa tôi với Tuệ cũng có hơi thích nhau một tí, nhưng tình cảm này trẻ con lắm, giống kiểu tình yêu học trò "cảm nắng" nhau thôi. Hai đứa sau đó cũng tự biết dừng lại ở mức bạn bè để vui vẻ, thoải mái hơn. Câu hát "Lỡ buông lời yêu anh, sợ anh xa lánh" trong bài "Say You Do" cũng có thể gọi là một phần dành cho Tuệ - mảng tuổi thanh xuân đẹp của tôi.

Miệng người đời, cứ phớt lờ đi cho nhẹ lòng - Tiên Tiên - Ảnh 5.

Tuệ là người duy nhất tôi trải lòng, chịu lắng nghe những câu chuyện của tôi và không bao giờ đem nó đi kể cho bất cứ ai khác. Chúng tôi hiểu đối phương đến mức mỗi khi gặp nhau, cả hai không cần nói gì hết, chỉ ngồi cạnh, cười đùa bâng quơ, vậy mà cậu ấy tự khắc hiểu tôi có chuyện gì. Chúng tôi xem nhau hơn cả bạn tri kỷ, là người thân trong gia đình.

Ngày còn nhỏ, tôi chịu không ít những dèm pha, nói xấu từ những người hàng xóm xung quanh. Họ không chỉ đàm tiếu sau lưng mà thậm chí còn chỉ trỏ trước mặt, từ chuyện tôi ở với cha ghẻ, đến bề ngoài lập dị... Lúc đó, tôi chỉ biết tìm về với Tuệ. Cậu ấy là người trong bất cứ chuyện gì cũng sẽ dùng nắm đấm đầu tiên để xử lý những người gây khó dễ cho tôi. Trong tôi mặc định rằng, hễ ai ăn hiếp thì sẽ có Tuệ xuất hiện. Phải nói Tuệ là một siêu anh hùng trong lòng tôi.

Trưởng thành, tôi chơi với nhiều người ngoài đời hơn, nhưng vẫn không bao giờ có cảm giác như chơi với Tuệ lúc nhỏ.  Đó là một tình bạn thuần khiết, không tính toán, lừa lọc nhau làm gì.

Miệng người đời, cứ phớt lờ đi cho nhẹ lòng - Tiên Tiên - Ảnh 6.

Tuệ mất

Tôi nhớ hôm đó là 2/9. Một cậu bạn cùng lớp hớt hải gọi cho tôi bảo "Tuệ mất rồi". Thoạt đầu, tôi còn la cậu ta vì tưởng là đùa giỡn bậy bạ. Nhưng khi cậu bạn này nói cả lớp đang qua nhà Tuệ, tôi mới thần người. Không kịp suy nghĩ gì, tôi lấy xe chạy đi ngay. Đến đầu ngõ nhà Tuệ, thấy cờ tang, tay chân tôi bủn rủn và mới tin đó là sự thật. Tôi giận lắm, vì khoảnh khắc đó lòng tôi thấu rõ rằng, những thứ hai đứa hứa hẹn làm cùng nhau còn dang dở, sẽ không bao giờ thực hiện được nữa. Tôi mất Tuệ rồi.

Ngày còn sống, Tuệ có nói đùa rằng: "Ngày tao chết, cả nước phải treo cờ". Tôi không bao giờ dám nghĩ câu nói đó lại rơi đúng vào tình cảnh quá thật như thế này.

Thiếu vắng Tuệ không phải là cảm giác sụp đổ ghê gớm hay cô đơn tột cùng, nhưng chính xác là trống trải. Cảm giác nặng nề đó rõ ràng hơn khi mùng 3 Tết đến. Đó là ngày mặc định hàng năm chúng tôi xuống nhà cậu ấy chơi, bày nhiều trò nghịch ngợm. Những năm sau này, mùng 3 Tết luôn là những ngày trống trải. Lòng tôi luôn đợi chờ một cuộc điện thoại gọi rủ rê đi chơi như lúc trước...

Tuệ mất cũng là khoảng thời gian chúng tôi học xong phổ thông, thời điểm tôi vẫn đang lưỡng lự xuống Sài Gòn học hay ở lại. Đến khi không còn cậu ấy, tôi cảm thấy không còn điều gì giữ chân mình ở lại nên quyết định đi. Tôi không tìm được người bạn thân nào tương tự Tuệ sau này nữa. Thậm chí đến lúc này, tôi không còn khái niệm về bạn thân.

Miệng người đời, cứ phớt lờ đi cho nhẹ lòng - Tiên Tiên - Ảnh 7.

Những cái gì thiếu, tôi sẽ viết ra thành nhạc

Tôi bắt đầu học đàn từ sau khi Tuệ mất. Thời gian đó, tôi chỉ ở trong phòng suốt. Tuệ không phải là sự ảnh hưởng quá lớn lao nhưng cậu là một phần khiến tôi cảm thấy không thể tâm sự được với ai nữa nên buộc phải tìm đến cái gì đó khác, một người bạn khác, người không bao giờ mang chuyện riêng của mình đi nói với người khác. Âm nhạc.

Những giai điệu vui tươi, những ca khúc hồn nhiên yêu đời chính là phần còn thiếu trong cả quãng tuổi thơ cho đến lúc trưởng thành của tôi. Tôi không muốn cuộc sống này nặng nề thêm về những tâm sự của mình nữa, nên chỉ cái gì thiếu, tôi mới viết ra thành nhạc. Tôi không viết những điều mình chưa trải qua hay cố tưởng tượng nên những cảm xúc không có thật để đặt vào tác phẩm một cách sáo rỗng. Những gì chân thật sẽ mang lại hiệu quả chân thật.

Miệng người đời, cứ phớt lờ đi cho nhẹ lòng - Tiên Tiên - Ảnh 8.

Trước đây, tôi ép mình làm những thứ từ ngoại hình, cách cư xử bình thường như bao người con gái khác đến cả việc học kinh tế để mẹ vừa lòng. Nhưng sau khi rớt khỏi cuộc thi "Giọng hát Việt", tôi mới tự hỏi: "Tại sao tôi lại bỏ hoang tuổi trẻ của mình để làm những điều mà mình không cảm thấy hạnh phúc? Tại sao chúng ta lại đặt nặng quá nhiều ở việc phải thắng trong cuộc thi ra thì mới là vinh quang. Không, vinh quang là khi cuối đời, chúng ta nằm xuống, những người xung quanh làm cho chúng ta cảm thấy hạnh phúc và yên lòng. Đó mới là vinh quang của cuộc đời. Còn những thứ hào nhoáng xảy ra thường ngày chỉ mang tính thời điểm".

Về nhà, tôi có buổi trò chuyện thẳng thắn với mẹ. "Cho dù con có là ai, làm gì con vẫn là con của mẹ. Vậy nên, mẹ hãy để con được là chính mình, được mặc những gì con muốn, được làm những gì con thích và thực hiện những ước mơ con đang khát khao chạm đến được từng ngày", tôi nói.

Mẹ và tôi đấu tranh, mâu thuẫn trong một khoảng thời gian không ngắn. Nhưng rồi đến một lúc mẹ cũng hiểu rằng, nếu cứ ép con gái đi theo những gì mình muốn, đó chính là ích kỷ. Vậy là mẹ quyết định cho phép tôi được đi ra ngoài, xuống Sài Gòn học nhạc và tự bươn chải kiếm tiền.

Miệng người đời, cứ phớt lờ đi cho nhẹ lòng - Tiên Tiên - Ảnh 9.

Thời gian đầu tự lập, tôi cực lắm. Phải làm đủ công việc, ban ngày thì bán card điện thoại, đến tối lại phục vụ ở một tiệm cà phê. Những lúc đau ốm hay mệt mỏi, tủi thân vô cùng.  Bất cứ chuyện lớn nhỏ gì cũng tự tay mình giải quyết, gồng gánh một mình mà đôi khi không biết phải nương vào ai. Có mệt, có nản, cũng chỉ mình loay hoay.

Tôi nghĩ tuổi trẻ chúng ta là sự đánh đổi. Đôi khi chỉ là bản thân đánh đổi hoặc có khi, ngay cả người thân cũng phải chấp nhận đánh đổi cùng, thì chúng ta mới có thể được sống với chính mình. Còn nếu như ai cũng ích kỷ, ai cũng muốn làm theo ý họ thì sẽ tạo nên một cuộc sống nặng nề. Tôi thực sự may mắn khi có mẹ, một người luôn tôn trọng tuổi trẻ của con gái mình.

Miệng người đời, cứ phớt lờ đi cho nhẹ lòng - Tiên Tiên - Ảnh 10.

Miệng người đời, cứ phớt lờ đi cho nhẹ lòng

Tôi là một người rất dễ khóc. Khi xảy ra một việc gì đó, đầu tiên tôi sẽ khóc, khóc đến khi não của mình mệt và lạnh cứng lại không suy nghĩ gì được nữa thì sẽ đi ngủ. Đến lúc thức dậy, tôi mới bình tĩnh để đưa ra hướng giải quyết. Đó mới là Tiên Tiên. Chứ không phải ì ạch với nỗi buồn mà không thoát ra được.

Chuyện gần đây nhất khiến tôi phải khóc nhiều nhất đó là cú sốc của nghề. Sau khi nhận những giải thưởng từ các chương trình mang lại, tôi đối mặt với tin đồn mua giải, gian lận. Mà những thông tin này lại bắt nguồn từ những người gần gũi với tôi nhất trong suốt quãng thời gian làm việc cùng nhau. Tôi một lần nữa chỉ biết tự hỏi rằng: "Tại sao? Tại sao mọi người lại không công nhận mình? Tại sao mọi người lại có thể đổi trắng thay đen với mình?". Trong một tuần lễ, tôi chỉ thần người ra và khóc.

Miệng người đời, cứ phớt lờ đi cho nhẹ lòng - Tiên Tiên - Ảnh 11.

Miệng người đời, cứ phớt lờ đi cho nhẹ lòng - Tiên Tiên - Ảnh 12.

Sau khi lấy lại cân bằng, tôi nhận ra rằng mình không có lý do gì để yếu đuối và không bao giờ được phép yếu đuối. Những gì không làm, tôi không sợ bị phán xét. Giờ tôi chẳng còn phải buồn bã hay lo lắng trước những gì không đúng hướng về mình nữa. Mình nghĩ gì là từ trong tâm, miệng người đời, cứ phớt lờ đi cho nhẹ lòng.

Nhưng cũng phải cảm ơn đến tất cả những điều đã vùi dập tôi trong cuộc đời này vì chính chúng lại xây dựng nên tính cách của tôi ngày hôm nay. Nếu như sự phản xạ của tôi với mọi người quá yếu, có lẽ tôi không trưởng thành được như bây giờ.

Miệng người đời, cứ phớt lờ đi cho nhẹ lòng - Tiên Tiên - Ảnh 13.

Ngày nay hay xưa cũng đều có những người trẻ sống "lạc lối", trong đó có tôi. Chúng ta thường đổ lỗi cho hoàn cảnh gia đình không tạo điều kiện, hay bố mẹ ly dị nên chán nản, sống buông thả. Đó là suy nghĩ sai, nhưng trước mắt có thể chưa thể thấy được. Bởi họ đã không dám, hoặc thậm chí chưa bao giờ đấu tranh để thay đổi, chứng minh hướng đi tốt hơn cho mình, dần hình thành nên trong mắt gia đình một lối mòn xấu xí. Qua câu chuyện của bản thân, tôi chỉ muốn nói rằng dù cha mẹ có như thế nào thì đó là vấn đề của người lớn, việc chúng ta chỉ là nên sống tốt phần của mình. Tôi nghĩ mình đã làm được, thì người khác cũng có thể. 

Cuối năm qua, khi được xướng tên ở vai trò nhân vật truyền cảm hứng tại WeChoice Awards, tôi thực sự vinh hạnh. Tôi biết sẽ có nhiều suy nghĩ đến mình rằng, người như vậy thì có gì hay ho để người khác phải làm theo. Nhưng có lẽ chỉ bản thân tôi mới tường tận được mình đã trưởng thành lên từ nỗi đau, mất mát hay vấp ngã thế nào để hình thành được một Tiên Tiên ngày hôm nay. Tôi hạnh phúc vì những việc của mình đang làm ít ra mang lại nguồn năng lượng tích cực cho các bạn trẻ đồng cảm với tôi, cho những người đang bế tắc hay còn thu mình trong lớp vỏ bọc của gia đình, xã hội xung quanh... Mỗi người sinh ra đều có một sứ mệnh và việc tôi truyền cho một ai đó thêm cảm hứng để họ dám sống với chính mình, tựa như hành động cứu một cuộc đời.

Miệng người đời, cứ phớt lờ đi cho nhẹ lòng - Tiên Tiên - Ảnh 14.