Vị Phó TGĐ sắp nhận nhiệm vụ tại VPF là ông Kazuyoshi Tanabe (người Nhật). Ông này đến Việt Nam, cụ thể là đến VPF theo lời mời của ông Daisuke Nakanishi – GĐĐH giải nhà nghề Nhật Bản J-League.
Ngay từ khi mới thành lập, VPF thể hiện rõ tiêu chí sẽ hướng các giải đấu chuyên nghiệp tại Việt Nam theo con đường của bóng đá chuyên nghiệp Nhật Bản. Thế nên, không lạ khi VPF tăng cường “viện binh” từ Nhật Bản cho công tác điều hành các giải đấu trong nước.
Nhiều khó khăn đang chờ đợi vị PTGĐ người Nhật Bản
Vả lại, với bản thân chủ tịch HĐQT VPF Võ Quốc Thắng, ông Thắng rất tôn trọng cách làm việc của người Nhật. Ngay ở tập đoàn Đồng Tâm của ông Thắng, vị chủ tịch VPF cũng vài lần có các cố vấn đến từ xứ sở mặt trời mọc, nên khi mời ông Tanabe sang Việt Nam, có lẽ điều mà ông Thắng hay VPF mong muốn nhất là từ đây các giải đấu trong nước sẽ quy củ như các giải đấu của Nhật Bản.
Nhưng đấy chắc chắn không phải là nhiệm vụ dễ dàng dành cho ông Tanabe, bởi bóng đá Việt Nam có những đặc thù khác rất xa so với bóng đá Nhật Bản. Cái khác rõ nhất, cơ bản nhất chính là tính chuyên nghiệp.
Bóng đá Nhật Bản đâu có chuyện gọi là “quyền lực đen” với tình trạng một số cầu thủ trụ cột có khả năng theo túng cả đội bóng. Bóng đá Nhật cũng chẳng có chuyện người ta sang tên, đổi chủ các CLB bóng đá dễ như sang tên một chiếc xe máy.
Ở Nhật Bản hay ở Pháp, nơi tân Phó TGĐ của VPF từng làm việc tại các CLB nhà ghề, chắc chắn cũng không có chuyện các CLB bỏ hẳn công tác đào tạo trẻ, rồi chỉ thành lập đội bóng với gần ba chục cầu thủ ở đội một, với ngoại binh hoặc cầu thủ nhập tịch làm nòng cốt như ở Việt Nam.
Đấy là những bài toán cực kỳ hóc búa mà chuyên gia người Nhật Bản Kazuyoshi Tanabe chuẩn bị phải đối mặt, khi ông nhận nhiệm vụ tại VPF. Để ông Tanabe nắn lại đường đi cho các CLB trong nước không phải là điều dễ dàng, một khi khung pháp lý dành cho bóng đá từ chính cơ quan điều hành cả nền bóng đá là VFF vẫn chưa nghiêm.
Ngoài chuyện nắn lại đường đi cho các giải trong nước, một trong những nhiệm vụ được xem là rất quan trọng khác của ông Tanabe là tìm tiền cho bóng đá Việt Nam. Nhưng phải thẳng thắn mà thừa nhận rằng sau 12 năm làm chuyên nghiệp, bóng đá Việt Nam không hề thiếu tiền.
Cầu thủ Việt Nam từng được đãi ngộ tốt hơn hẳn cầu thủ của các nước trong khu vực, còn các đội bóng Việt Nam từng có lúc mỗi năm chi vài triệu USD làm bóng đá, nhưng điều quan trọng là tự chủ nguồn thu thì các đội bóng trong nước không làm được.
Nếu ở Nhật, các CLB kiếm tiền thông qua bản quyền truyền hình, bằng cách bán sản phẩm cho người hâm mộ và thu tiền vé vào sân, thì ở Việt Nam, đấy là khái niệm hoàn toàn xa xỉ với các đội bóng. Các CLB chủ yếu sống bằng bầu sữa của các ông bầu, trong khi việc kết nối với người hâm mộ, với địa phương được đánh giá là chưa làm tốt.
Nếu muốn giúp các đội bóng trong nước dần có thể nuôi sống mình, vị CEO mới của VPF cần phải giúp các CLB thay đổi từ những điều cơ bản ấy, giúp mỗi đội bóng trở thành niềm tự hào của một địa phương, mỗi CLB là tài sản chung của cả một cộng đồng, để người hâm mộ sẵn sàng đến sân vì họ.
Đấy là những điều mà lâu nay những người làm bóng đá Việt Nam miệng thì bảo làm bóng đá chuyên nghiệp, nhưng toàn đi theo lộ trình nghiệp dư.
Cả núi công việc đang chờ đợi ông Kazuyoshi Tanabe. Ông sẽ phải làm quen với những loại áp lực mà chắc chắn ông chưa từng gặp bao giờ. Hơn thế nữa, vị CEO mới người Nhật của VPF sẽ phải làm quen với một giải bóng đá được gắn mác chuyên nghiệp, nhưng bên trong thực chất là nghiệp dư lãnh lương cao. Đấy có lẽ cũng là điều mà ông Tanabe chưa thể hình dung và cũng chưa được nghe ai nói đến.