Lại nói chuyện về xe chính chủ, cách đây không lâu, truyền hình từng cho phát sóng một phóng sự khá hay kể về “Xe chính chủ ở Mỹ”. Đại ý là cũng giống như Việt Nam, nước Mỹ quản lý phương tiện bằng biển số. Mỗi biển số gắn với tên và chủ sở hữu người phương tiện. Dù tại đây không có luật phạt khi không sang tên nhưng trên thực tế người bán xe thường đòi sang tên ngay, bởi vì người ta không muốn người xe chạy xe gây chuyện nhưng người chủ cũ vẫn phải chịu trách nhiệm vì chưa sang tên xe.
Một câu chuyện rất cụ thể về việc luật pháp quốc tế hay nói chung là luật tại hầu khắp các quốc gia người ta thường qui trách nhiệm pháp luật cho chủ sở hữu.
Một anh A (cứ cho là có quốc tịch không phải Mỹ đi) mượn xe của anh B tham gia giao thông và gây tai nạn chết người. Ai cũng sẽ nghĩ anh A có lỗi và phải chịu trách nhiệm. Nhưng không, tại tòa, chủ xe, tức là anh B mới là người phải chịu các chi phí đền bù.
Nói như vậy để thấy thực ra chuyện xác định xe chính chủ ở ta là có lý do xác đáng xét về mặt luật pháp và quản lý. Cũng là nhằm xác định trách nhiệm của chủ phương tiện.
Quy định gây tranh cãi không phải là có đổi chủ hay không mà chính là thủ tục sang tên ở Việt Nam còn quá nhiêu khê, phức tạp và phí sang tên đổi chủ phương tiện còn quá cao.
Nhìn qua câu chuyện bóng đá:Hôm qua VFF và BHL đội tuyển lại tiếp tục mổ xẻ để xác định nguyên nhân và cá nhân nào phải chịu trách nhiệm cho thất bại của đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2012.
Nhưng trước hết, có lẽ phải có đáp án xác đáng cho câu hỏi: Ai sở hữu đội tuyển Việt Nam? Vì phải xác định chủ sở hữu mới quy được trách nhiệm.
Đẩy trách nhiệm cho HLV trưởng - chiêu cũ mà luôn hiệu quả !Nói đội tuyển thuộc quyền sở hữu của Bộ VH-TT-DL cũng không đúng dù kinh phí hoạt động cho đội tuyển (bao gồm cả trả lương cho HLV) lấy từ phần ngân sách.
Nói đội tuyển thuộc quyền sở hữu của VFF cũng chưa chắc đã phải. VFF là tổ chức xã hội nghề nghiệp được giao lo phần chuyên môn đội tuyển. Thậm chí danh sách đội tuyển cũng cần phải được Tổng cục TDTT (thuộc Bộ VH-TT-DL thông qua, đồng ý)
Chắc chắn ĐT Việt Nam cũng không thuộc sở hữu của ông Phan Thanh Hùng hay của bất kỳ ông bầu nhiều tiền nào của V.League.
Vậy thì ĐT Việt Nam lúc này thuộc quyền sở hữu của ai?
Theo cách hiểu thông thường và người ta hay nói nhất: đội tuyển là của 90 triệu người hâm mộ bóng đá Việt Nam. Nghĩa là người hâm mộ sở hữu đội tuyển.
Vậy thì tìm ra được người chịu trách nhiệm rồi nhé.
Không phải ông Phan Thanh Hùng, không phải ông Nguyễn Trọng Hỷ hay quan chức nào của Tổng cục TDTT. Chính Người hâm mộ Việt Nam phải chịu trách nhiệm về thất bại của đội tuyển.
Tất nhiên, chịu trách nhiệm thì phải từ chức. Người hâm mộ Việt Nam, với sự tự trọng và tự giác đã sẵn sàng từ chức “người hâm mộ bóng đá Việt” hay chưa?
Nhưng người hâm mộ không có cái cơ hội ấy đâu. Hôm qua, với việc ông
Phan Thanh Hùng từ chức, VFF đã có thể vỗ tay: Đấy, ông Hùng là …ông chủ của Đội tuyển Việt Nam.
Còn với VFF, chỉ khi thắng lợi mới thấy chung vui. Còn khi cần tìn ra người để gánh trách nhiệm thì các quan thay nhau đá bóng: lại trăm dâu đổ đầu HLV trưởng.
Chiến thuật ấy, rất xưa, nhưng luôn hữu dụng.